- Cơ quan công an đã nhiều lần phát đi cảnh báo về chiêu lừa này nhưng đến nay người dân khắp nơi vẫn “sập bẫy”...

Đánh vào tâm lý cả tin…

Mới đây, công an Q.3 chuyển giao cho công an TP.HCM mở rộng điều tra về vụ gọi điện thoại xưng công an, lừa 800 triệu đồng của một người dân trên địa bàn.

{keywords}
Các đối tượng gọi điện thoại xưng công an lừa đảo khắp Việt Nam mà công an TP.HCM vừa bắt giữ mới đây

Nạn nhân N.B (SN 1956, ngụ đường Nguyễn Đình Chiểu, P.2, Q.3) trình báo, sáng 9/11 ông nhận cuộc điện thoại của một phụ nữ lạ gọi đến số máy bàn. Người này thông báo ông B đang nợ cước điện thoại “khủng”. Ông B thắc mắc thì người này kết nối cho gặp cán bộ công an.

Người tiếp máy xưng là cán bộ công an TP.Hà Nội “đe” ông B có dính dáng đến một đường dây tội phạm. Đối tượng từng bước khai thác thông tin cá nhân, tài sản của ông B. Sau đó chúng đề nghị ông chuyển tiền vào tài khoản của người có tên Hoàng Quốc Việt để cơ quan công an kiểm tra tiền sạch hay bẩn; nếu không có vấn đề gì, công an sẽ hoàn trả.

Tin lời ông B đến ngân hàng chuyển vào “tài khoản tạm giữ" số tiền 800 triệu đồng.

Trường hợp bà L.T.H.Y (SN 1960, ngụ Q.2), cũng từng đối diện với bẫy lừa trên nhưng may mắn chưa mất tiền. Bà Y kể, đầu tháng 8/2011 bà nhận điện thoại của một người phụ nữ. Người này thông báo, bà Y nợ hơn 9 triệu đồng cước điện thoại.

Bà Y thắc mắc, người phụ nữ hướng dẫn bà nhấn phím 0 hoặc 9 để được giải đáp.

Một giọng phụ nữ khác tiếp chuyện, cho biết bà Y còn đứng tên một thuê bao điện thoại khác nên phát sinh tiền cước khủng. Người phụ nữ thông báo sẽ kết nối để bà Y gặp cán bộ công an để làm rõ...

“Cứ lòng vòng như thế. Sau đó tôi được trò chuyện với một người đàn ông xưng là cán bộ công an TP.HCM quy kết tài khoản ngân hàng của tôi có dính dáng đến đường dây ma túy lớn"

Bà Y tá hỏa lập tức người xưng là cán bộ công an đề nghị bà Y cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tiền gửi tiết kiệm...

Bà Y kể: “Cán bộ công an đó nói: để trả lại sự trong sạch, tôi phải ra ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản A…để kiểm tra tiền có liên quan đến tội phạm hay không? Nếu “sạch” thì công an sẽ chuyển trả lại trong vòng 2h. Tôi sửa soạn đến ngân hàng làm theo yêu cầu thì con trai về kịp, chặn đứng....”.

Làm gì để “lật tẩy” chiêu mạo danh, lừa tiền?

Theo cơ quan CA, các băng nhóm lừa đảo này có chương trình hành động tinh vi. Chúng thiết lập hệ thống tổng đài công nghệ cao thông qua Internet. Trước đó chúng thuê người mở các tài khoản thanh toán quốc tế, đăng ký chế độ Internet banking. Sau đó gọi điện cho các nạn nhân xưng cán bộ viễn thông, công an, từng bước dụ dẫn họ như nói trên.

{keywords}
Chiêu gọi điện thoại xưng là cán bộ công an vốn xuất phát từ các băng nhóm tội phạm ở Trung Quốc từ nhiều năm trước, nay nở rộ ở Việt Nam

Khi nạn nhân bị lừa, chuyển tiền vào tài khoản theo chúng yêu cầu. Lập tức số tiền này bị rút ra nhanh chóng hoặc chuyển ngay tới tài khoản ở nước ngoài.

Nhiều người đứng tên là chủ tài khoản nhận tiền nhưng thực chất được các đối tượng lạ thuê mướn, dùng CMND để mở tài khoản. Có nhiều vụ công an điều tra nhưng rơi vào ngõ cụt...

Nhằm “vách mặt” thủ đoạn này, cơ quan công an các tỉnh, TP đã liên tục phát đi cảnh báo tới người dân. Riêng ở TP.HCM, từ năm 2014, công an TP.HCM đã phối hợp với các nhà mạng phát đi cảnh báo thông qua tin nhắn gửi vào thuê bao ĐTDĐ của người dân.

Trường hợp người dân nhận điện thoại từ người lạ xưng là nhân viên viễn thông hay cán bộ công an tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài sản, ngân hàng và không làm theo các hướng dẫn, đặc biệt là chuyển tiền vào tài khoản...

Bởi các trường hợp nợ cước đều có giấy thông báo, hóa đơn đến tận nhà. Còn công an muốn làm việc với người dân phải có giấy mời, triệu tập do cán bộ công an mang đến tận nhà, làm việc trực tiếp chứ không thông qua điện thoại hay kênh gián tiếp nào khác.

Khi người dân nhận cuộc gọi, nếu nghi ngờ là lừa đảo, phải lập tức báo cho cơ quan công an gần nhất để phối hợp giải quyết.

Mộc Lan