- Chồng mắc bệnh tâm thần, nửa tỉnh nửa điên, đứa con trai đầu lòng mất sau một trận sốt sinh tử, đứa con gái thứ hai may mắn giữ được tính mạng sau một trận ốm nhưng rồi cũng hóa điên dại. Mầm sống duy nhất còn lại là thằng con út, là tia hi vọng cuối cùng của cả đại gia đình của chị Từ Thị Tại (55 tuổi), Thường Tín, Hà Nội.
 
Đớn đau một mái nhà có 3 người tâm thần

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà chị Từ Thị Tại ở xóm Nguyễn Trãi, xã Hà Hồi, Thường Tín (Hà Nội) một cách nhanh chóng vì khi hỏi đến nhà chị, thì ở đây ai cũng biết. Vừa dắt xe vào cổng, những cặp mắt ngờ nghệch, tiếng cười, tiếng la hét khiến chúng tôi rợn người.

Bố mẹ chồng chị Tại vội vàng “trấn an” chúng tôi và giục vào nhà thật nhanh không cho bọn họ (chồng và con chị Tạ) nhìn thấy...

Rót chén nước tiếp chuyện, bố chồng chị Tại kể cho chúng tôi nghe hoàn cảnh éo le của gia đình mình. Ông sinh được 4 người con, hai trai hai gái, thì hai người con trai đều mắc bệnh tâm thần sau khi vượt qua một trận ốm sốt bất ngờ.

“Xót xa lắm cô ạ, nhà có một đứa bị tâm thần đã vất vả rồi, lại còn đến tận 3 đứa nữa, tôi ngại với bà con hàng xóm lắm”.

Chị Tân luôn bị xích ở chân giường.

Anh Trường, con trai cả của ông bị mắc bệnh từ năm 12 tuổi, khi đi tôi vôi thuê về thì bị sốt, sau cơn sốt thập tử nhất sinh đó, anh ngây dại luôn, cứ lảm nhảm suốt ngày, đi lại linh tinh khắp nơi. Anh Thành, người con trai thứ hai trong nhà ông mắc bệnh khi được mấy tháng tuổi. Phát hiện con bị viêm tai giữa, ông đưa Thành đi chữa ở các bệnh viện, rồi cái tai cũng khỏi mà càng lớn lên, anh không ý thức được hành động của mình, chỉ la hét suốt ngày và nằm một chỗ.

Đang dở câu chuyện thì chị Tại (vợ anh Trường) đi chở vỏ mía về đến sân, chân tay vẫn còn lấm tấm đất bẩn: “Người ta cho cho tôi vỏ mía này, mang về phơi qua là đun được… Giờ cái gì cũng đắt, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy”.

Ngồi trên chiếc giường ẩm thấp, nhắc đến chuyện gia đình mình, chị nói trong nước mắt: “Tôi lấy anh Trường cũng là do cái duyên cái số. Hồi đó Trường không bị nặng như thế này, đám cưới giản dị diễn ra nhanh chóng, tôi về nhà này cũng đến hơn 20 năm rồi. Được 3 mụn con, thằng cả sinh năm 1989 thì mất sau một trận ốm sốt, đứa con gái thứ hai tên Đỗ Thị Tân (sinh 1991) bị tâm thần bẩm sinh suốt ngày bị xích ở giường”.

Bố anh Khuê lúc tỉnh vẫn còn nhớ tên Khuê và mọi người.

Ánh mắt như lóe lên niềm hy vọng, chị Tiếp lời: “May mắn thay “sót” được thằng cu Đỗ Lê Khuê…”.

Gia đình chị Tại sống trong căn nhà nhỏ chung sân với bố mẹ chồng, có đến tận 3 người bị tâm thần. Không khí gia đình không lúc nào được yên, chẳng có bữa cơm nào là được vui vẻ. Cứ đến bữa cơm là mỗi người một góc giường, chị Tại và mẹ chồng bón cho các con và chồng ăn xong thì mới được nghỉ.

“Có hôm tháo xích cho cái Tân đi vệ sinh, vừa rời mắt chưa được 1 phút, nó đã mở cổng chạy tót đi ra đường, nó đi xa lắm, mà không biết đường về nhà, hôm ấy cả đêm cả nhà tôi phải đi tìm, có người chỉ cho là nó chạy lên tận ga Thường Tín, đi dọc đường tàu cứ như một bóng ma…” - chị Tại bùi ngùi.

Còn người chồng nửa tỉnh nửa điên của chị mấy năm nay mất hết sức khỏe, cứ ngồi trong nhà, mỗi khi lên cơn là anh lại đập phá, đồ đạc vỡ tan nát hết. Anh Thành, em trai anh Trường sức khỏe còn kém hơn cả chỉ nằm và ngồi trong phòng. Tất cả mọi sinh hoạt cá nhân đều do một tay chị và mẹ chồng chị Tại làm.

“Nếu không có mẹ chồng thì không biết tôi sẽ xoay xỏa ra sao” - chị Tại lại dàn dụa nước mắt.

Cứ như vậy, ngôi nhà nhỏ đó hàng đêm phát ra những tiếng cười vô hồn, tiếng kêu than và cả tiếng hú đến rùng rợn. Chị Tại đã khóc, chị không khóc cho bản thân mà chị đã khóc cho những người thân yêu nhất đang phải vật vã sống ở một thế giới mơ hồ.

"Mầm sống " và là niềm hy vọng của cả nhà

Toàn bộ số tiền thuốc thang, học hành của cả nhà đều đổ lên đôi vai nhỏ bé của chị Tại. Không có công việc ổn định, trông chờ vào 1 sào rau và 3 sào lúa. Ngày nào cũng vậy, khi mọi người đang còn trong giấc ngủ say, 2h sáng chị đã đèo rau ra chợ bán.

Hàng tháng, gia đình nhà chị được bệnh viện trợ cấp thuốc uống. Trong ngôi nhà toàn “người lớn xác” mà như trẻ con, cậu bé Khuê được mẹ, ông bà rất thương yêu và đặt trọn niềm hi vọng.

Ý thức được nỗi đau này từ rất sớm, cậu bé Đỗ Lê Khuê học lớp 6B trường THCS Hà Hồi, luôn là học sinh đứng top đầu lớp. Ở cùng ông bà Khuê không được ai kèm cặp nhưng em luôn tự mình nỗ lực. Được bạn bè và thấy cô tin yêu Khuê đang là một chi đội phó, tổ trưởng hoạt bát.

Cậu bé Khuê, niềm hi vọng của cả gia đình.

Vừa lục những tấm giấy khen của con trai, ánh mắt chị Tại như bừng lên niềm tự hào: “Khuê càng lớn càng hiểu biết, nó nhận thức được hoàn cảnh gia đình mình, biết được sự kì vọng của cả nhà nên càng cố gắng phấn đấu học hành, không năm nào là không nhận được giấy khen học sinh giỏi”.

Hoàn cảnh nhà em như thế, nên đôi khi Khuê cũng hay tủi thân, ít nói hơn các bạn đồng trang lứa. Khuê đã chuyển lên sống với bà và ông nội vì ở nhà dưới khá nhỏ, hôi hám luôn ẩm thấp và do bố và chị Khuê cứ la hét, phá phách.

“Từ nhỏ cháu đi học, các bạn hay trêu cháu và ít bạn dám chơi với cháu, giờ lớn hơn còn đỡ, ở lớp cũng có một số bạn rất hiểu cháu và chơi thân với cháu, các bạn cùng làng cũng không chạy theo bố cháu chọc ghẹo nữa” - Khuê thổ lộ.

Nghe Khuê nói vậy, Dũng bạn thân của em cũng sụt sùi: “Bạn Khuê được cô giáo xếp hạnh kiểm tốt, rất hăng hái trong các hoạt động của lớp, giữ chức vụ tổ trưởng và chi đội phó, bạn rất gương mẫu. Ở lớp cũng có một số bạn nghịch ngợm, hay trêu chọc bạn nhưng Khuê luôn tỏ ra là người hiểu biết và rất điềm tĩnh, không bao giờ cãi cọ với bạn bè, luôn làm theo đúng chức vụ của mình”.

Còn giáo viên chủ nhiệm lớp 6B- trường THCS Hà Hồi, cô Lê Thị Thắm nhận xét về em: “Lớp 6B của tôi không phải là lớp chọn của trường, nhưng Khuê luôn là học sinh đứng trong tốp đầu của lớp. Dù hoàn cảnh của Khuê khá khó khăn và đặc biệt, nhưng em có ý thức học tập và đạo đức rất tốt. Khuê rất hòa đồng với bạn bè, hay phát biểu trong giờ học, hoàn thành tốt vai trò là Chi đội phó và tổ trường. Tôi và nhà trường luôn tạo điều kiện cho em, để em tiếp tục cố gắng vượt qua khó khăn…”.

Chia tay với chúng tôi, Khuê vẫn nghẹn ngào trong nước mắt: “Cháu thấy hoàn cảnh nhà cháu như vậy, thấy mẹ cháu vất vả như vậy thì cháu chỉ có một ý chí là phải học thất tốt, thật giỏi để sau này giúp đỡ được mẹ. Ước mơ sau này của cháu là trở thành một Luật sư giỏi”.

Dường như ánh sáng nơi cuối đường hầm đã ló rạng, trong đau khổ lại nảy chồi sự sống. Cháu Khuê, đang thắp lên ngọn lửa hy vọng, niềm tin vào cuộc sống đầy tươi đẹp của một gia đình bất hạnh.

  • Quang Anh – Thanh Hòa