N.Q. đang theo học tại ĐH Truyền thông Trung Quốc ở Thủ đô Bắc Kinh. Những ngày này, em ở trong phòng 24/24h và nhìn cuộc đời qua cửa sổ tầng 4 ký túc xá. Bạn cùng phòng Q. đã về Việt Nam hôm 30 Tết.

{keywords}
Đo thân nhiệt tại ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh. Ảnh: thespinoff

Do cần thời gian tập trung viết luận văn nên Q. quyết định ở lại. Trường của em có 2 lưu học sinh Việt Nam không về nước ăn Tết.

Vào dịp Tết, Bắc Kinh vốn được gọi là “không thành” (do rất nhiều người về quê đoàn tụ). Khi dịch bệnh virus corona bùng phát thì đường phố lại càng vắng vẻ hơn. Chính quyền TP liên tục khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài.

Ngày 30 Tết, Q. đi siêu thị mua đồ dự trữ cho cả nửa tháng. Từ đó tới nay, em chưa hề ra khỏi ký túc xá.  

“Em cả ngày làm bạn với 4 bức tường, sống theo chu kỳ ăn - ngủ - đọc sách - viết bài. Tất nhiên là có buồn, nhưng em nghĩ trong hoàn cảnh này cần như thế. Khi bác sĩ còn đang nỗ lực cứu người thì tốt nhất nên hạn chế tối đa đi lại, không gây thêm phiền phức cho những người đang làm nhiệm vụ”, Q. chia sẻ.

{keywords}
N.Q. chụp ảnh đường phố Bắc Kinh vắng vẻ trong ngày Tết em ra đường 

Khi biết thông tin về dịch corona, Q. đi lùng các hiệu thuốc ở 2 khu khác nhau, may mắn tìm mua được 11 chiếc khẩu trang. Q. kể, khi cầm ra thanh toán đã gặp bao nhiêu con mắt "thèm khát" của mọi người. Bạn cùng phòng không mua được nên em đã chia 6 cái cho bạn. Ngày thường em mua khẩu trang loại N95 khoảng 10 tệ (gần 34.000 đồng), thì hôm đó mua với giá 12 tệ.

Q. cho biết, ở Trung Quốc, thời gian nghỉ Tết cũng là dịp nghỉ đông. Lịch học ban đầu vào gần cuối tháng 2 nhưng hiện tại, do dịch bệnh xảy ra nên phải lùi lịch trở lại trường.

Em luôn cập nhật tin tức về dịch bệnh, thức dậy mỗi sáng đã phải xem diễn biến tình hình. Trường học của Q. thường xuyên gửi thông báo, những ai ở lại trường đều có sự quản lý chặt chẽ của phòng công tác sinh viên quốc tế, ban quản lý ký túc. Lưu học sinh mỗi ngày đều phải báo cáo tình hình cho trưởng lớp.

Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh cũng lập nhóm những người ở lại Trung Quốc để nắm bắt, hỏi thăm tình hình hàng ngày của các lưu học sinh về tình trạng sức khỏe, có sốt hay triệu chứng gì, có đề xuất hay yêu cầu giúp đỡ ra sao...

Mọi người đều nhắc nhở nhau cách phòng chống dịch bệnh và động viên nhau. Có bạn nói đùa là khi xong dịch bệnh thì luận văn cũng hoàn thành.

“Với tình hình hiện nay thì đương nhiên cũng lo lắng, em tin tưởng và làm theo khuyến cáo, thực hiện các biện pháp phòng chống và hy vọng dịch bệnh nhanh qua, cuộc sống ổn định trở lại”, Q. nói.

Hạnh Trang học tiến sĩ ngành Ngoại giao học ở ĐH Nhân dân Trung Quốc. Về Việt Nam dịp Tết nguyên đán. Trang vẫn giữ liên lạc với cộng đồng học sinh, sinh viên Việt Nam ở Bắc Kinh.

Trang kể, giờ đây nếu không được trường cho phép thì ai đang ở trong TP Bắc Kinh không được quay lại trường, những ai đang trong trường không được ra ngoài. Trừ trường hợp đặc biệt phải xin phép và khai báo rất nghiêm ngặt.

Đa phần lưu học sinh Việt Nam trong trường Trang theo học đã về nước, chỉ số rất ít ở lại. Người ở lại có tâm lý bình tĩnh tuân thủ cách phòng chống dịch bệnh do trường học kiểm soát chặt chẽ, học sinh/sinh viên cũng gần như không ra khỏi nơi ở.

Hiện tại, Hạnh Trang vẫn ở Hà Nội. Chương trình của các trường tại Bắc Kinh thường là giữa hoặc cuối tháng 2 bắt đầu nhưng đều đang hoãn vô thời hạn vì dịch viêm phổi cấp Vũ Hán.

34 trẻ nhỏ ho, sốt sau khi cha mẹ từ Trung Quốc về, Điện Biên họp

34 trẻ nhỏ ho, sốt sau khi cha mẹ từ Trung Quốc về, Điện Biên họp

 Một lãnh đạo huyện Nậm Pồ (Điện Biên) chiều nay thông tin, đang cách ly 34 trẻ nhỏ có biểu hiện ho, sốt khi tiếp xúc với bố mẹ lao động từ Trung Quốc về dịp Tết.

Thái An