- Số lượng kiều bào đăng ký tham dự Xuân quê hương - một chương trình lâu nay được biết đến như 'Tết kiều bào' thường niên do Nhà nước tổ chức đã vượt quá dự kiến. Từ ước tính 500- 600 khách, trong đó có 350 kiều bào, nay con số tổng dự kiến đã tăng lên đến 700 và vẫn còn tiếp tục gia tăng. Ban tổ chức đã quyết định chuẩn bị tổng số ghế ngồi tối đa ở tiền sảnh Bến Nhà Rồng lên trên 1.000 cũng như đã bố trí dự phòng nhiều chỗ ngồi nếu số lượng lớn hơn nữa.

Trong cuộc họp báo về chương trình tại TP HCM sáng 30/1, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm UB Nhà nước về người VN ở nước ngoài cho hay cho đến ngày hôm qua, ban tổ chức vẫn nhận được đề nghị đăng ký tham dự của kiều bào thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao gửi về. Đây là điều đặc biệt, bởi theo ông Nam, Tết âm lịch của người Việt thường rơi vào thời điểm không phù hợp với đời sống của các nước công nghiệp hóa. Tết ở ta nhưng là thời điểm bình thường ở các nước, nên với những người làm việc thường xuyên ổn định ở các công ty, nhà nước thì khó thu xếp.

Ông Trần Hoàng Phương, Phó Chủ nhiệm UB Nhà nước về người VN ở nước ngoài TP HCM cũng kể trong những ngày này, điện thoại của các cán bộ làm đầu mối liên lạc tổ chức sự kiện liên tục đổ chuông để nhận đăng ký, hướng dẫn. Không chỉ vượt quá số lượng dự kiến, tín hiệu vui đó là có rất nhiều kiều bào từ các nước xa xôi ở châu Phi như Angola cũng đăng ký tham dự. Ngay tại TP HCM số kiều bào đang cư trú, sinh sống, làm việc từ những trí thức, doanh nhân, người làm công tác xã hội, giảng dạy, bà con.... rất đông người muốn tham dự rất đông. Theo ông Phương, số liệu cập nhật từ cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất cho thấy một ngày sân bay đón khoảng 23 đến 24 nghìn lượt khách, trong đó có khoảng 20 nghìn lượt là kiều bào.

{keywords}

Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam. Ảnh: Xuân Linh

Sau 7 kỳ liên tiếp diễn ra tại Hà Nội, 'Xuân quê hương' lần đầu tiên đến TP HCM - nơi tập trung kiều bào đông nhất cả nước (hơn 50%), nhằm đúng năm ý nghĩa kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do số lượng kiều bào về nước vào năm ý nghĩa này tăng đột biến nên Xuân quê hương 2015 cũng rộn ràng cả hai đầu đất nước. 

Với các sự kiện chính tại TP HCM, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam nhấn mạnh địa điểm lịch sử tổ chức là Bến cảng Nhà Rồng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ cùng lãnh đạo bộ, ngành, các cơ quan Nhà nước, kiều bào tham dự tiệc chính là chương trình giao lưu nghệ thuật được truyền hình trực tiếp "Xuân quê hương - Tổ quốc vinh quang" với các tiết mục đặc sắc ca ngợi quê hương đất nước, truyền tải không khí đón xuân mới rộn ràng trên khắp cả nước vào ngày 8/2. 3 nghệ sĩ Việt kiều được mời tham gia trong chương trình là nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo (Việt kiều Pháp), nghệ sĩ piano Nguyễn Vân Anh (Việt kiều Úc), ca sĩ Quang Lê (Việt kiều Mỹ).

Chủ tịch nước cũng sẽ cùng đoàn kiều bào tiêu biểu dâng hương các Vua Hùng tại Công viên Lịch sử, Văn hóa dân tộc ở quận 9, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến cảng Nhà Rồng và thả cá chép theo phong tục truyền thống của dân tộc tại kênh Tàu Hũ, Bến Nghé. Một bữa tiệc chiêu đãi "Mừng Xuân Ất Mùi - 2015" dành riêng cho kiều bào cũng sẽ diễn ra vào ngày 7/2.

Trong khi đó, tại Hà Nội là các hoạt động mừng xuân dành cho các kiều bào như tham quan không gian văn hóa Trà Tân Cương (Thái Nguyên), thăm quan làng nghề Bát Tràng...

Cởi quy định, kỳ vọng nhiều kiều bào giữ lại quốc tịch

Theo cập nhật của Thứ trưởng Vũ Hồng Nam, đến nay có khoảng 4,5 triệu người VN ở nước ngoài. Cùng với số lượng địa bàn tăng lên, đến nay người Việt đã có mặt ở 109 nước và vùng lãnh thổ.

Ông Trần Hoàng Phương cho hay ở TP HCM - nơi kiều bào hồi hương nhiều nhất - hiện có khoảng 300 - 500 người đăng ký thường trú tại đây hàng năm. Cùng với luật Quốc tịch sửa đổi vừa được QH thông qua giữa năm ngoái tháo bỏ các quy định chặt chẽ liên quan đăng ký giữ quốc tịch,  cũng như việc đăng ký cấp giữ quốc tịch linh hoạt, đơn giản hơn, ông Phương cho rằng số lượng kiều bào sẽ còn trở về nước nhiều lên.

{keywords}

Kiều bào trao đổi với Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân trong cuộc gặp vừa diễn ra tại TPHCM. Ảnh: Minh Thăng

"Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo UBND TP cũng như các bộ ngành chức năng, làm sao bà con có thể giữ quốc tịch VN và được cấp hộ chiếu dễ dàng, thuận tiện. Các thủ tục hành chính đối với kiều bào cũng được giảm rất nhiều, như Thứ trưởng BNG nói hiện nay UB Nhà nước về người VN ở nước ngoài và UB người Việt tại TP HCM có những bộ phận để tiếp nhận những đề xuất, kiến nghị, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho bà con kiều bào" - ông Phương cho biết.

Cùng với luật Quốc tịch sửa đổi, trong năm qua QH cũng đã thông qua luật Nhà ở sửa đổi cho phép kiều bào được mua bán, sở hữu nhà rộng rãi hơn. Đâu là những điểm mới, tính đến nay đã có bao nhiêu kiều bào sở hữu nhà ở VN?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Luật Nhà ở sửa đổi được QH thông qua ngày 25/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015 có điểm nổi bật nhất đó là nới rộng điều kiện cho thuê mua nhà đối với cá nhân là người VN định cư ở nước ngoài tổ chức cá nhân người nước ngoài.

Điều kiện rất đơn giản, đó là người VN ở nước ngoài khi nhập cảnh vào VN có xác nhận của cơ quan cửa khẩu thì có quyền sở hữu nhà và không bị hạn chế về số lượng và loại nhà được sở hữu gắn với quyền sở hữu đất, được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các dự án thương mại và phát triển nhà ở .

Người VN ở nước ngoài khi nhập cảnh vào VN và được mua không hạn chế số lượng nhà kèm theo đất, tất nhiên còn quy định là vẫn chưa được quyền mua đất. Như vậy so với luật cũ là sự mở rộng rất lớn. Trước đây, quy định cho phép một số bà con có hộ chiếu VN được sở hữu không han chế số lượng nhà ở trong nước. Tuy nhiên số người VN có hộ chiếu VN, giữ quốc tịch VN rất ít. Số đông thuộc diện không có quốc tịch VN, không có hộ chiếu VN thì chỉ được sở hữu một nhà ở một căn hộ và có điều kiện cư trú tại VN từ 3 tháng trở lên.

Luật mới đã cho phép tất cả bà con được quyền lợi ngang nhau, kể cả có quốc tịch và không có quốc tịch, chỉ với điều kiện nhập cảnh VN, có xác minh là nguồn gốc Việt Nam.

Thống kê từ cơ quan chức năng cho hay có khoảng gần 7000 người đã sở hữu nhà bằng tên của mình. Trước đây có thực tế số lượng kiều bào trực tiếp đứng tên sở hữu bất động sản không nhiều vì phải thông qua người thân, quen trong nước. Điều này cũng làm phát sinh nhiều khó khăn. Thậm chí việc triển khai quy định ở địa phương cũng không nhất quán. Quy định cho phép bà con có miễn thị thực ở VN 3 tháng là được mua nhưng một số địa phương khi kiều bào đăng ký mua yêu cầu hộ khẩu, thường trú. Điều đó không thể có được vì kiều bào về nước rất ngắn nên làm sao có giấy tờ. Nay các quy định đã mở hơn, tạo điều kiện cho bà con gắn bó nhiều hơn với trong nước.

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ phần lớn đã có những thay đổi tích cực trong suy nghĩ  về đất nước nhưng còn một bộ phận suy nghĩ tiêu cực thù địch đối với trong nước. Có thực tế chính quyền nước sở tại hay nghe ý kiến của bộ phận cộng đồng này trong việc tranh thủ những lá phiếu tranh cử. Quan điểm của ông về vấn đề này khi đặt trong nỗ lực hòa giải dân tộc?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Tôi nghĩ cần nhìn vấn đề từ hai chiều. Trong chế độ chính trị dân chủ nghị viện, nhu cầu tranh thủ lá phiếu để giành lợi thế trong tranh cử đó là việc nội bộ của mỗi nước, đó là cái chúng ta không thể can thiệp. Nhưng tôi nghĩ các nước khi nhìn nhận quan hệ với VN sẽ đặt vấn đề lợi ích quốc gia của họ làm trọng.

Tôi không nghĩ những tiếng nói thiếu tích cực nào đó có thể làm thay đổi những xu hướng của các nước ngày càng tin cậy, tôn trọng, muốn có mối quan hệ chặt chẽ, gắn kết với VN ngày càng lớn mạnh. Hầu hết các nước lớn đều có mối quan hệ đặc biệt với VN dựa trên các khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện, chiến lược...nên mối quan hệ chính trị của các nước với chúng ta bị chi phối bởi những tiếng nói thiểu số thiếu tích cực hầu như là không có.

Ở góc độ cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Đảng, Nhà nước về công tác về người VN ở nước ngoài, chúng tôi luôn hướng tới việc làm sao để hàn gắn đoàn kết dân tộc đối với một bộ phận còn ý kiến khác, còn chống đối, giảm thiểu càng nhiều càng tốt, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc đồng lòng như một.

Trong những năm qua, các cơ quan Nhà nước đã cử đoàn sang gặp gỡ những kiều bào còn có tiếng nói khác biệt, thù hận trên tinh thần trao đổi, tranh luận, giải thích để kiều bào có cái nhìn cởi mở, tích cực, trung thực về đất nước. Đất mẹ VN mở rộng cánh tay để đón nhận tất cả mọi người con không phân biệt quá khứ. Đây là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Có thể khẳng định rằng, bất kể kiều bào nào có nhu cầu trở về nước, thăm quê hương, nếu không có hành động chống đối, vi phạm pháp luật VN, chúng tôi luôn tạo điều kiện.

Xuân Linh - Hồng Nhì