- Phải vận chuyển một khối lượng vừa lớn vừa bẩn quặng apatit từ Lào Cai về Hải Phòng bằng đường sắt.

Trao đổi với VietNamNet, Trung tá Nguyễn Tiến, Đội trưởng đội 5- PC49 Công an TP Hải Phòng cho hay, đơn vị đã phối hợp với C49 Bộ Công an kiểm tra về môi trường tại DAP Đình Vũ, tiến hành quan trắc độc lập. 

Phía C49 Bộ Công an cũng đã xử phạt DAP 50 triệu đồng về những vi phạm về môi trường (độ PH vượt ngưỡng). Về hồ sơ pháp lý, trong quá trình hoạt động, công ty hoàn thiện dần, ví dụ như kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, kế hoạch ứng phó sự cố hoá chất…

Cũng theo Trung tá Nguyễn Tiến, khu vực chứa bãi thải gyps tạm thời cách nguồn nước biển từ 1-2 km. Và, chưa ai khẳng định liệu nước rỉ từ bãi thải này có ngấm vào mực nước ngầm, ảnh hưởng đến nguồn nước và nguồn đất hay không.

Phía Tổng cục Môi trường cũng đã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với DAP. Cụ thể, tại QĐ 177/QĐ –XPVPHC ngày 1/4/2015 đã yêu cầu xử phạt DN này 60 triệu đồng về hành vi kê khai không đúng, không đầy đủ chất thải rắn thông thường khi đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.

Nguyên Giám đốc Sở TN&MT Hải Bùi Quang Sản nói: Phải phân tích mẫu nước ngầm, mẫu đất ở gần khu vực bãi gyps mới biết được có bị ô nhiễm hay không. Nếu nghi ngờ kết quả quan trắc của phía nhà máy thì cơ quan chức năng cần trưng cầu một đơn vị độc lập, quan trắc toàn bộ khí thải, nước thải, bãi gyps.

{keywords}

Nước rò rỉ từ bãi thải này có tính a xít cao, một số kim loại vượt mức quy định 

Khi còn đương chức, ông Sản từng khẳng định: Tình trạng vi phạm quy định về công tác bảo vệ môi trường của công ty TNHH DAP - Vinachem đã đến mức báo động. Theo kết quả quan trắc môi trường do Trung tâm Quan trắc môi trường của Sở phân tích, chỉ tiêu kim loại nặng (Mn, Fe) vượt gần 5 lần, colifom vượt 34 lần…

Trong thông báo số 19/TB-HĐND, ngày 13/2/2015, Thường trực HĐND TP Hải Phòng đã kết luận: Nhà máy DAP đi vào hoạt động nhiều năm song công tác bảo vệ môi trường chưa tương xứng với đặc thù của đơn vị công nghiệp hoá chất; có sử dụng nhiều loại hoá chất với quy mô khá lớn; để xảy ra nhiều sự cố rò rỉ hoá chất gây ô nhiễm môi trường...

Đặc biệt, đến nay chưa có phương án quy hoạch, di chuyển chất thải rắn đến nơi xử lý, chôn lấp, tiêu huỷ cuối cùng.

Thường trực HĐND khẳng định: Việc ô nhiễm môi trường tại DAP ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, ảnh hưởng tâm lý khách du lịch đến Cát Bà và tác động xấu đến sức hấp dẫn đầu tư vào khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Dư luận xã hội và các nhà đầu tư ngày càng lo lắng, có nhiều ý kiến buộc phải đóng cửa nhà máy.

Từ đó, Hải Phòng yêu cầu DAP khẩn trương có phương án di dời chất thải rắn, không để bãi thải lâu dài ở Đình Vũ.

Sai lầm khi đặt DAP ở Hải Phòng

TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho rằng: Việc xây dựng nhà máy sản xuất phân hóa học dạng Diamoni Phosphat (DAP), có 2 vấn đề cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định là qui mô công suất (gắn với nhu cầu thị trường, khả năng khai thác/chế biến apatit) và địa điểm xây dựng (gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường và vận tải tiêu thụ).

{keywords}


Việc chọn địa điểm xây dựng dự án DAP1 tại Hải Phòng là một sai lầm. DAP là một dự án hóa chất, có lượng chất thải rất lớn và rất độc hại lại được xây dựng ngay trong khu vực đô thị, ở vùng đồng bằng có mật độ dân cư rất cao, bên cạnh những dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ-logistic khác trong cùng một khu công nghiệp Đình Vũ là không chấp nhận được.

Cũng theo ông Sơn, việc xây dựng DAP1 tại Hải Phòng đòi hỏi phải vận chuyển một khối lượng (vừa lớn vừa bẩn) quặng apatit từ Lào Cai về Hải Phòng bằng đường sắt. Hải Phòng là phương án chọn địa điểm kém thông minh.

Chủ tịch TP Hải Phòng nói gì?

Theo Chủ tịch TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, đầu tháng 8, đoàn kiểm tra liên ngành TP Hải Phòng bao gồm PC 49, Sở TN&MT… đã đến nhà máy và khu vực bãi thải gyps để kiểm tra.

{keywords}
Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Lê Thanh Sơn - Phó chủ tịch TP Hải Phòng dẫn đầu

Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Sơn chỉ đạo: DAP Đình Vũ nằm ở khu vực nhạy cảm về môi trường, nếu xảy ra sự cố, diện ảnh hưởng, tác động tới môi trường, dân sinh rất lớn. Song việc xử lý bãi thải gyps của nhà máy chưa thực hiện như cam kết, cần có lộ trình cụ thể xử lý chất thải, nước thải, khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất. 

Trước mắt, khẩn trương thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường, hạn chế phát sinh ô nhiễm ra chung quanh; công bố công khai kết quả quan trắc môi trường.

Đối với bãi rác tạm Đình Vũ, việc xử lý nước rỉ rác là rất cấp thiết, các ngành chức năng khẩn trương hoàn tất các thủ tục xây dựng trạm xử lý nước thải tại bãi rác tạm Đình Vũ trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, sau khi nhận được phản ánh của người dân về dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân bón Diamin phốt phát (DAP) Đình Vũ, Hải Phòng xả chất thải rắn chứa phốt pho cực độc với khối lượng lớn, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Bộ trưởng giao Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở TN&MT Hải Phòng kiểm tra ngay thông tin, đề xuất giải pháp xử lý.

Ngày 10/8/2016, DAP Đình Vũ đã có văn bản gửi các cơ quan báo chí về những vấn đề môi trường mà dư luận đang quan tâm.

Theo đó, công ty đã ký biên bản thoả thuận với Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) về việc hợp tác nghiên cứu và xây dựng dự án chế biến phụ gia xi măng từ bã thạch cao; phía Vicem sẽ cam kết bao tiêu sản phẩm.

Cũng theo lãnh đạo DAP, hiện sản phẩm thạch cao nhân tạo chế biến từ bã thạch cao đã được đưa vào sản xuất ở quy mô công nghiệp ở 4 nhà máy xi măng của Vicem.

Bộ TN&MT đã ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với công ty cổ phần DAP Đình Vũ.

Việc thanh tra xuất phát từ thông tin phản ánh của người dân về việc DAP Đình Vũ thải chất rắn thạch cao chứa phốt pho độc hại khối lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong khu vực.

Hoàng Sang