- Ở quán cháo vịt cách nhà 50km, cậu trai bưng bê quặn thắt khi hay tin bố tử vong trong lũ. Dòng nước chảy xiết đã ngăn không cho em về kịp lúc bố hấp hối.

Làng Phúc Khương (Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam) bao đời nay vẫn là cái rốn lũ bên sông Vu Gia. Sống chung với lũ hàng năm, người dân đã ‘dạn dày’ kinh nghiệm đối phó, rất ít khi có người mất do lũ cuốn. 

Nhưng mùa lũ bất thường năm nay, người dân thôn 8 chứng kiến sự ra đi tức tưởi của ông Trần Văn Hùng (SN 1964).

Khóc cha từ bên sông

Khoảng 18h ngày 15/12, nước lũ đã tràn lên đến bậc thềm nhà dân thôn 8 làng Phúc Khương. Ông Hùng cùng vợ hớt hải bế đàn lợn lên cao tránh lũ. Trong lúc vội vã, ông vướng phải dây điện và bị giật ngã trong nước lũ.

Vợ ông, bà Võ Thị Lệ Thu gào khản cả giọng để át tiếng mưa, cầu cứu xóm làng. Khi anh Nguyễn Hữu Mạnh (hàng xóm) chạy qua, ông Hùng đã nằm bất động dưới nước. Đàn lợn thì đã được cứu khỏi chết đuối.

{keywords}
Con đường dẫn vào làng Phúc Khương bị nước lũ chia cắt nhiều ngày liền

Chiều muộn 17/12, Trần Văn Liêm (SN 1997) phủ phục trước linh cữu bố, khóc sụt sùi. Ngoài ngõ, nước lũ vẫn ngập ngang ống chân. Liêm là sinh viên năm nhất Trường Cao đẳng nghề số 5, con út của vợ chồng ông Hùng, trong gia đình có 3 anh em trai. 

Người anh thứ Trần Văn Ngọc đi xuất khẩu lao động với khoản nợ 120 triệu, đang trên đường về chịu tang bố. Bên cạnh Liêm, anh cả Trần Văn Đào nước mắt dàn dụa, khăn tang luộm thuộm sau sống lưng.

Cuối chiều 15/12, cậu sinh viên nghèo đang làm thêm tại một quán cháo vịt ở Đà Nẵng thì nghe tin bị điện giật trong lũ, đang thập tử nhất sinh. Cùng lúc, người anh cả Trần Văn Đào cùng vợ trẻ làm công nhân ở KCN Hòa Khánh cũng được báo tin. 

{keywords}
Hai anh em Trần Văn Đào, Trần Văn Liêm không thể về lúc bố hấp hối bởi nước lũ ngăn cách

Đất Quảng Nam, Đà Nẵng mưa trắng trời. Anh em hối nhau chạy về nhìn bố lần cuối. 

Nhưng con đường dẫn vào làng Phúc Khương lúc ấy, lũ từ sông Vu Gia chảy xiết, chực nuốt chửng bất cứ thứ gì. Anh em Liêm quặn thắt lòng, chỉ biết gọi tên bố trong mưa!

Mưa lũ này không phải do ông Trời

“Khổ lắm các chú! Tôi chạy đến, xóm làng nhiều người cũng đến hô hấp cho anh Hùng nhưng không được. Nước lên to quá, mọi người đành đưa thi thể anh lên gác.

Đêm đó, ai nấy cũng phải về nhà lo chống lũ. Chỉ có chị Thu ngồi ôm chồng khóc, sau may có vợ chồng người anh ruột đến nữa”, hàng xóm Nguyễn Hữu Mạnh kể.

{keywords}
Bà Thu khóc ngất trước cái chết tức tưởi của người chồng

Đến trưa 16/12, nước lũ bắt đầu rút bớt, người dân đưa xuồng máy đón anh em Liêm về nhà. Quấn vội khăn tang, tay run rẩy đốt hương. “Bố ơi!”, Liêm cùng anh trai ngã khuỵu.

Lúc ấy mưa vẫn không ngớt, lũ rút rất chậm, khăn tang ủ rũ.

Dân làng Phúc Khương chua chát nói, mưa lũ năm nay ập đến quá bất thường. Chưa năm nào mà đến tận giữa tháng 11 âm lịch vẫn còn lũ.

“Dân tôi bao đời chạy lũ, con nước năm nào chúng tôi đều rõ. Lũ lụt chỉ tháng 8, 9 âm, cùng lắm là giữa tháng 10. Chưa năm nào có lũ sau 23/10. Năm nay lũ bất ngờ đổ về tận giữa tháng 11”, anh Nguyễn Hữu Mạnh vừa nói vừa chỉ tay vào ngấn lũ năm ngoái.

Sau 3 ngày, linh cữu ông Hùng vẫn chưa được an táng. Phần vì đợi đứa con trai xuất khẩu lao động từ Nhật về, phần vì nơi con đường vào làng, nước lũ sông Vu Gia vẫn cuồn cuộn.

{keywords}
Đám tang nơi rốn lũ buồn đau hiu hắt

Đến tối 17/12, người dân vẫn phải lội bì bõm để vào làng. Đám ma trong lũ buồn thắt ruột với những tiếng khóc rì rầm xen tiếng mưa, nước từ cờ tang nhỏ từng giọt. Người dân buồn đau và tức tưởi cho rằng lũ này không phải tại ông Trời.

“Lũ từ Trời thì hằng năm đều đến và ông cha chúng tôi chí ít còn có tí kinh nghiệm. Nhưng lũ từ nhà máy thủy điện đổ xuống thì dân đen tôi bó tay, vì nó không còn quy luật nào nữa. 

Cứ thế này thế còn bao nhiêu cái chết oan uổng nữa đây!”, ông Ngô Hữu Đồng, một nông dân Phúc Khương chua chát nói.

Cao Thái