- Từ khi có luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có tâm lý sợ oan sai liên quan đến trách nhiệm cá nhân, dẫn đến bỏ lọt tội phạm”, Trưởng phòng Kiểm sát điều tra (Viện KSND TP.HCM) cho biết.


Ngày 25/10, tại TP.HCM, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm đánh giá 3 năm thi hành luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Lúng túng giải quyết bồi thường

Năm 1997, bà Trần Thị Thuận bị cơ quan CSĐT Công an quận 8 khởi tố tội “hủy hoại tài sản”. Tuy nhiên, quá trình điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội của bà. 8 năm sau, VKSND quận 8 ra quyết định đình chỉ, tuyên bố bà Thuận không phạm tội.

VKSND quận 8 gửi thông báo cho bà Thuận biết, trường hợp của bà thuộc diện được bồi thường. Cơ quan này cũng nhiều lần mời bà Thuận đến nhận quyết định đình chỉ và tiến hành thương lượng nhưng bà Thuận không đến. UBND quận cũng lập đoàn công tác đến nhà bà Thuận nhưng bà không tiếp. “Trường hợp này phải giải quyết ra sao?”, ông Trần Thật, Trưởng phòng Kiểm sát điều tra (Viện KSND TP.HCM) nêu vấn đề.

Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại tọa đàm.

Ông Vũ Thanh Bình, Phó phòng kiểm tra (Cục Thi hành án dân sự TP.HCM) cũng nêu một trường hợp khó xử lý khác.

Ông Trương Văn Lập (quận Bình Tân) yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự quận 11 bồi thường 26 lượng vàng (trị giá hơn 1 tỷ đồng) do một nhân viên của chi cục này thiếu sót trong quá trình xác minh tài sản thi hành bản án của TAND TP.HCM để người phải thi hành án là ông Hồ A Cẩu tẩu tán nhà, trốn tránh thi hành án.

Tuy nhiên, Chi cục Thi hành án dân sự quận 11 chưa thể xác định được mức độ thiệt hại do căn nhà mà ông Cẩu tẩu tán là tài sản chung của gia đình ông Cẩu. Hơn nữa, đến nay căn nhà đã được sang tên nhiều người.

“Việc xác định thiệt hại theo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong vụ này đang gặp khó khăn. Những cơ quan nào phối hợp cùng với cơ quan Thi hành án dân sự quận để xác minh thiệt hại cũng chưa có hướng dẫn cụ thể”, ông Bình nói.

Một lo ngại khác, ông Trần Thật thừa nhận, từ khi có luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có tâm lý sợ oan sai liên quan đến trách nhiệm cá nhân, dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Vị đại diện Viện KSND TP.HCM nói, kể từ lúc “thò bút” phê chuẩn lệnh bắt tạm giam để điều tra đến lúc kết thúc vụ án, Viện kiểm sát chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối. Có những vụ án, hành vi phạm tội là có thật nhưng do sai sót trong việc thu thập chứng cứ, quy trình xử lý chứng cứ nên nhiều khi trách nhiệm bồi thường thuộc về Viện kiểm sát.

Từ đó, không ít kiểm sát viên rơi vào tâm lý, thà bỏ lột tội phạm còn hơn bắt giữ oan sai, liên đới đến trách nhiệm cá nhân. Nhưng chính điều đó dẫn đến hệ quả là không ngăn chặn được tội phạm,  gây hậu quả khôn lường.

Ông Trần Thật đề nghị xây dựng cơ chế ngăn chặn tình trạng sợ oan sai dẫn đến bỏ lọt tội phạm cũng như cơ chế đãi ngộ tương xứng đối với người thực hiện công vụ liên quan đến việc thi hành luật này.

Người bị oan sai là doanh nghiệp xử lý thế nào?

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, đối với những người làm công ăn lương thì có thể căn cứ vào tài sản là tiền lương để bồi thường thiệt hại nhưng đối với các doanh nghiệp, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đảng viên, cán bộ, người nước ngoài… thì chưa biết hướng xử lý vì khó xác định tổn hại về vật chất và tinh thần.

“Đối với người bị oan là các chủ doanh nghiệp, việc xác định thiệt hại về vật chất là rất khó khăn. Ví dụ khi một chủ doanh nghiệp bị oan sai, họ sẽ mất hợp đồng kinh tế, mất đối tác về sau và nhất là ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp… thì sẽ được tính toán bồi thường như thế nào? Hiện chưa có hướng dẫn”, đại diện Viện KSND TP.HCM lo ngại.

Thừa nhận trong quá trình triển khai và bản thân luật có nhiều hạn chế, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định, mặc dù đã có thiệt hại thực tế xảy ra nhưng người bị thiệt hại không có quyền yêu cầu bồi thường ngay mà phải thực hiện các thủ tục cần thiết để có được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng chưa có gây khó khăn trong công tác xử lý…

Để có hướng xử lý cụ thể các vụ việc bồi thường thiệt hại, ông Tịnh cho biết, các bộ ngành đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành luật để ban hành cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Đối với việc xác định thiệt hại của chủ doanh nghiệp, ông Tịnh cho rằng, nếu thu nhập xác định được thì phải bồi thường đầy đủ cho họ. “Mà đã là thu nhập xác định được thì dù là chủ doanh nghiệp cũng phải có căn cứ để chứng minh. Chủ doanh nghiệp cũng có lương. Nếu chủ doanh nghiệp có thu nhập 50-100 triệu mỗi tháng thì chúng ta cũng phải bồi thường”, ông Tịnh nói.

Còn nếu thu nhập không xác định được, ông Tịnh cho biết, sẽ áp dụng lương tối thiểu để tính toán bồi thường thiệt hại.

  • Tá Lâm