- Liên quan án dân sự, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình chỉ ra thực tế, để cho nhàn, đỡ rủi ro thì những điều không có trong luật, tòa từ chối xét xử. Ông cảnh báo đó là cách để xã hội ứng xử bằng luật rừng, rất nguy hiểm.

Thảo luận tổ về dự án bộ luật Tố tụng dân sự sáng nay, ĐB Đỗ Văn Đương, ủy viên thường trực UB Tư pháp lo ngại thực trạng án dân sự ngày càng phức tạp, gia tăng, bình quân 100.000 vụ tranh chấp/năm. Những tranh chấp chủ yếu về đất đai, 90% khiếu kiện xảy ra, đặc biệt giữa anh em họ hàng, gia đình bố mẹ, vợ con, DN và dân.

XEM CLIP:

“Đất đai lên giá, lòng tham con người trỗi dậy thì chính anh em họ hàng, đặc biệt người Á Đông là duy tình, cho không tiếc nhưng khi lòng tham nổi lên thì quyết liệt kiện tụng gay gắt ngay trong anh hem họ hàng”.

Theo ĐB, đáng nói nhất có hàng chục nghìn đơn khiếu nại tồn đọng nhưng chỉ giải quyết được khoảng 3%. Nhiều vụ lòng vòng xử đi xử lại 10-– 20 năm mà không đạt được công lý.

Ông Đương chỉ ra một trong những khó khăn xét xử, đó là quan hệ giao dịch dân sự chủ yếu bằng miệng, giấy tờ viết tay mà ít hợp đồng công chứng nên rất khó giải quyết về pháp lý.

Tòa phải giảm thu thập chứng cứ

ĐB TP.HCM cũng phản ánh tình trạng tòa án "làm thay" đương sự nhiều việc. Trong khi dân sự "cốt ở đôi bên", nghĩa là quyền định đoạt là của hai bên nên để các bên tự đưa ra chứng cứ, tài liệu giấy tờ để chứng minh quyền lợi ích hợp của mình. Nhưng lâu nay tòa án vừa là người đi xác minh thu thập chứng cứ, làm hồ sơ; vừa là người xét xử, như vậy không khách quan.

"Nhiều khi chính một số thẩm phán cố tìm mọi cách không thể hòa giải" - ông Đương phản ánh, đồng thời đề nghị luật cần nhấn mạnh hơn yếu tố tự thu thập chứng cứ và việc chứng minh của các đương sự, trong đó coi trọng vai trò của luật sư để có thể hòa giải không phải ra tòa.

"Tòa án phải giảm dần vai trò của tòa trong việc thu thập chứng cứ, chỉ nên hỗ trợ người dân thu thập chứng cứ" - ĐB Đương nêu ý kiến. Về tiêu chí kháng nghị, ông Đương cho rằng phải cụ thể hóa tiêu chí mới ngăn được tình trạng kháng nghị tràn lan.

Trong khi đó, thảo luận tại tổ An Giang, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, trong những vụ án tòa thu thập chứng cứ, tòa với VKS xét cho cùng cũng là đại diện cho quyền lực công, là cơ quan nhà nước.

Đã có sự tham gia của quyền lực công thì khi quyền lực phát sinh phải có kiểm soát quyền lực, nguyên tắc của Hiến pháp là thế. Tòa thu thập chứng cứ có khách quan, toàn diện hay không thì phải có sự kiểm soát”, ông Bình nói.

{keywords}
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Minh Quang

ĐB Đỗ Văn Đương cũng cho rằng đang có tình trạng người dân "không tin sơ thẩm mà chỉ tin giám đốc thẩm" nên giữ lại chứng cứ không trình khi xử sơ thẩm mà trình lúc giám đốc thẩm.

“Đây là thực tế rất phổ biến khiến nhiều vụ án có thể hủy và xử khác đi. Thậm chí bây giờ cho phép giám đốc thẩm sửa bản án và quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật rồi. Giữ lại chứng cứ sơ thẩm không xuất trình, phúc thẩm mới đưa ra thì càng làm việc xét xử án kéo dài, làm đảo lộn mọi xét xử của vụ án, mà công lý càng chậm trễ, bất công, tốn kém”, ông nhấn mạnh.

Tòa không xử, dân xử luật rừng

Không ít ý kiến tranh luận xoay quanh vấn đề toà án không được từ chối giải quyết những vụ việc với lý do chưa có luật.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) đặt câu hỏi người dân đi tìm công lý mà cơ quan công lý trả lời rằng vì pháp luật chưa quy định nên chúng tôi chưa thể giải quyết được thì người dân sẽ đến đâu? "Không giải quyết thì họ buộc phải dùng 'luật rừng' thôi, thuê xã hội đen để đòi nợ"”, ĐB cảnh báo.

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình chỉ ra thực tế, để cho nhàn, đỡ rủi ro thì những điều không có trong luật tòa từ chối xét xử. “Đó là cách để xã hội ứng xử bằng 'luật rừng'. Cái này rất nguy hiểm”, ông cảnh báo và đưa ra quan điểm cần đưa ra nguyên tắc tòa không được từ chối án dân sự vì lí do chưa có quy định.

“"Đây là vấn đề rất mới, là mục tiêu cao cả làm thế nào để tất cả những vấn đề tranh chấp được giải quyết. Tuy nhiên quy định này khiến tôi liên tưởng đến câu nói “án dân sự xử kiểu gì cũng được” vì không có pháp luật. Đây là một vấn đề thực tiễn ở nước ta đã xảy ra cần cân nhắc"”, ủy viên UB Tư pháp Hà Công Long (Gia Lai) cũng bày tỏ.

T.Hằng -– T.Hạnh -– H.Nhì - X.Quý