“Tôi bày tỏ lòng biết ơn về sự giám sát thường xuyên của nhân dân với mọi hoạt động của ngành GTVT. Điều đó giúp chúng tôi từng ngày, từng giờ phải không ngừng phấn đấu để làm việc tốt hơn, hoàn thiện hơn”.

{keywords}

Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ảnh: VGP/Phan Trang

Trước khi trả lời các vấn đề trong cuộc trao đổi về hoạt động của ngành GTVT với PV Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã bày tỏ như vậy, vì theo ông, sự giám sát của nhân dân trên mọi nẻo đường vừa là áp lực vừa là động lực giúp cán bộ, nhân viên ngành GTVT nỗ lực trong công việc…

Năm 2014 là một năm thành công của Bộ GTVT với hàng loạt công trình dự án vượt tiến độ và đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số dự án gặp sự cố về chất lượng như đường vừa thông xe đã lún nứt, hằn vệt bánh xe…
Đây là điều đã khiến ngành GTVT nói chung… “đứng ngồi không yên”.

- Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về công tác xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong năm 2014?

Công tác triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong năm qua được Bộ GTVT thực hiện ở hai việc song song, đó là tăng cường tính hiệu quả của công tác quản lý và đẩy mạnh thi công, nâng cao chất lượng công trình, tìm kiếm các nguồn lực cho những công trình mới.

Chúng tôi xác định 2 việc này có tác dụng thúc đẩy, bổ trợ, gắn chặt với nhau như nguyên nhân và kết quả. Ở việc thứ nhất, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp như siết chặt trách nhiệm của các Ban Quản lý dự án (QLDA), tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát; loại bỏ những kẽ hở pháp lý có thể bị lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng, bắt tay ngầm giữa các bộ phận để khai báo gian dối, ăn bớt ăn xén...

Ở việc thứ hai, tôi cũng chỉ muốn đánh giá một số kết quả ban đầu. Trước hết là tiến độ và chất lượng các công trình, dự án cơ bản đã có chuyển biến rõ rệt, không còn hiện tượng đổ lỗi trách nhiệm, không có dự án nào chậm triển khai so với kế hoạch. Với những dự án quan trọng như dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên thì hầu như những tồn đọng trước đây về giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ, nghi vấn về chất lượng... đều được khắc phục dưới sự giám sát của lãnh đạo Bộ.

Trong năm, ngành GTVT đã hoàn thành và đưa vào khai thác 79 công trình, dự án, trong đó hầu hết các dự án đều đạt tiến độ và đảm bảo chất lượng. Một số dự án quan trọng vượt tiến độ: Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên; đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Một số dự án có quy mô đầu tư lớn, trình độ công nghệ cao như đường nối cầu Nhật Tân-sân bay Nội Bài; cầu Nhật Tân; Nhà ga hành khách quốc tế T2 Nội Bài... khi đưa vào khai thác sẽ tạo được động lực rất lớn cho phát triển và làm thay đổi diện mạo Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.

Điều này cũng được ghi nhận trong Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2014, năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010 (năm 2010 Việt Nam đứng vị trí 103, năm 2012 đứng vị trí thứ 90).

Nằm trong chiến lược đa dạng hóa nguồn vốn, chúng tôi cũng đang đàm phán việc chuyển nhượng quyền khai thác hạ tầng giao thông cho các đối tác trong nước và nước ngoài đối với một số dự án. Hiện có một số nhà đầu tư đang rất quan tâm đến các dự án đường cao tốc. Nếu hướng đi này thành công, sẽ thực sự mở ra một giai đoạn mới cho việc đẩy nhanh mục tiêu hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông đất nước.

{keywords}

Một đoạn tuyến cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam vừa đưa vào hoạt động ngày 8/2/2015. Ảnh: VEC

Trách nhiệm: Mọi sự cố, trước hết là do con người

- Từ năm 2012 đến nay, mặc dù nhiều dự án vượt tiến độ và đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả nhưng vẫn còn đó những dự án gặp sự cố về chất lượng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này và Bộ đã có hướng gì để khắc phục loại trừ tận gốc, thưa Bộ trưởng?

Phải nói một sự thật là do tính bức thiết với đời sống nên vấn đề nào gắn với giao thông cũng nhanh chóng thu hút ngay sự quan tâm của dư luận. Điều đó đôi khi khiến mọi người hiểu lầm về bản chất của vấn đề, đưa ra những nhận định vội vã.

Tuy nhiên, mặt tích cực là nhờ thế chúng tôi phải khắt khe với mình hơn trong mọi việc. Nhân đây, tôi bày tỏ lòng biết ơn trước sự giám sát thường xuyên của nhân dân với mọi hoạt động của Bộ GTVT. Điều đó giúp chúng tôi từng ngày, từng tháng phải không ngừng phấn đấu để hoàn thiện hơn.

Về những sự cố đã xảy ra, rất khó để loại trừ tận gốc như dư luận mong muốn. Bởi công trình giao thông là một loại công trình xây dựng đặc biệt, phụ thuộc vào những yếu tố rất khó kiểm soát hoàn toàn như sự đa dạng về địa hình, điều kiện địa chất thủy văn không ổn định, những tình huống kỹ thuật phức tạp luôn phát sinh, nhiều khi phải mất thời gian để đưa ra phương án hợp lý.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, cũng phải thừa nhận còn nhiều nguyên nhân chủ quan như nhà thầu chưa tuân thủ đầy đủ quy trình thi công, tư vấn giám sát thiếu trách nhiệm, chủ đầu tư-Ban QLDA thiếu kiểm tra, không kiên quyết chấn chỉnh vi phạm. Tại một số gói thầu, công tác quản lý chất lượng vật liệu đầu vào chưa tốt; thiết bị thi công lạc hậu... Thậm chí không loại trừ cả nguyên nhân các chủ thể bắt tay nhau vụ lợi.

Trước mỗi sự cố như vậy, chúng tôi không tìm cách né tránh mà nghiêm khắc nhận trách nhiệm. Dù nguyên nhân do khách quan hay chủ quan, chúng tôi đều tiến hành kiểm điểm, đánh giá, phân tích và quy trách nhiệm cụ thể, rút ra bài học, với phương châm: Mọi sự cố đều trước hết là do con người!

Để hằn vệt bánh xe, để lún, nứt đường, như trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hay sập giàn giáo... là do các bộ phận và người đứng đầu chưa làm hết trách nhiệm. Các hình thức kỷ luật đã được áp dụng. Nhiều nhà thầu xây lắp và tư vấn bị thay thế, 3 Ban QLDA bị cảnh cáo, thay thế 4 Tổng giám đốc của 4 Ban QLDA khác, chuyển Ban QLDA thuộc Cục Đường sắt Việt Nam về trực thuộc Bộ… Với những biện pháp như vậy, chất lượng các công trình đã có chuyển biến và tôi hy vọng sẽ ngày một tốt hơn.

“Một núi công việc” đang chờ

Xin Bộ trưởng cho biết để tiếp tục duy trì “Năm chất lượng công trình”, nhiệm vụ trọng tâm cũng như chủ trương của Bộ GTVT trong năm 2015 tới đây như thế nào?

Trong phạm vi một bài phỏng vấn, tôi không thể nói hết được về những gì Bộ GTVT sẽ làm trong năm tới. Chỉ xin vắn tắt một số nét chính.

Năm 2015, chúng tôi phấn đấu khởi công 38 công trình, dự án; hoàn thành 114 công trình, dự án. Trước hết là cuộc đua nước rút để hoàn thành dự án cải tạo Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Việt Trì, cầu Mỹ Lợi, cầu Cổ Chiên, kênh Chợ Gạo (giai đoạn 1), cảng hàng không quốc tế Cát Bi, mở rộng Nhà ga hành khách-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, cảng cửa ngõ Hải Phòng (Lạch Huyện), đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện, đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông...

Song song với công việc trên các công trường, chúng tôi phải tập trung triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành GTVT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020.

{keywords}
Cầu Nhật Tân (Hà Nội) khánh thành đầu năm 2015. Ảnh: VGP

Bộ  GTVT phải thực hiện ngay trong năm 2015 nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) và tái cơ cấu vận tải. Đây là những nhiệm vụ mang tính trọng tâm và đặc thù. Chẳng hạn, trong tái cơ cấu đầu tư công thì Bộ chú trọng vào việc quản lý sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, cắt giảm chi phí, sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án căn cứ vào khả năng cân đối nguồn vốn, kết hợp huy động các nguồn lực và hình thành quỹ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Trong tái cơ cấu DN thì trọng tâm là tái cơ cấu tài chính đối với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và 170 các DN thuộc nhóm không giữ lại trong mô hình Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, hoàn thành việc bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần đối với các DN đã thực hiện IPO trong năm 2014.

Đồng thời phải tiến hành xong việc cổ phần hóa toàn diện những chủ thể lớn như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam,Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy…

Mục tiêu của chúng tôi là sau khi sắp xếp, cổ phần hóa DN theo kế hoạch, đến hết năm 2015, Bộ GTVT chỉ còn lại 16 DN 100% vốn nhà nước hoạt động trong những lĩnh vực đặc biệt như: đảm bảo an toàn hàng hải, đảm bảo hoạt động bay, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, quản lý xuất bản...

Bên cạnh đó toàn ngành vẫn phải tập trung cao nhất có thể cho công tác đảm bảo an toàn giao thông, tiếp tục nỗ lực để kéo giảm tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(Theo Phan Trang - Chinhphu.vn)