- Cơ chế chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng đùn đẩy cho trách nhiệm chung - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nêu.

Tham luận tại hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND, UBND nhiệm kỳ 2011-2016 tổ chức hôm nay ở Hà Nội, ông Hồ Kỳ Minh nói về kinh nghiệm của thành phố trong phân cấp quản lý hành chính.

{keywords}

Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh

Trong nhiệm kỳ qua, Đà Nẵng có nhiều mô hình, cách làm mới về quản lý đô thị có hiệu quả thực tế, giúp thành phố sẵn sàng hình thành phương pháp quản lý nhà nước theo mô hình đô thị, hiện đại.

Cụ thể, thành phố phân cấp quản lý cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố và UBND quận, huyện trong các nội dung về tổ chức bộ máy, quản lý biên chế, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, quản lý xây dựng cơ bản, đất đai, giao thông, tài chính và thuế, xây dựng chính quyền...

Qua đó, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng nêu một số vướng mắc, kiến nghị, trong đó nhấn mạnh những hạn chế của chế độ làm việc tập thể của UBND các cấp.

"Cơ chế tập thể UBND và trách nhiệm của Chủ tịch UBND, các thành viên UBND chưa rõ ràng, cụ thể, do vậy hạn chế việc huy động đầy đủ vai trò, trách nhiệm cá nhân, đồng thời dẫn đến tình trạng đùn đẩy cho trách nhiệm chung của tập thể hoặc hợp thức hoá những quyết định cá nhân của người đứng đầu dưới danh nghĩa ý kiến quyết định của tập thể UBND", ông Hồ Kỳ Minh nói.

"Cơ cấu thành viên UBND còn mang nặng tính hình thức, vị trí các ủy viên UBND không có quyền hạn và không phát huy được vai trò. Trong khi đó, yêu cầu quản lý đô thị phải có cơ chế quản lý nhanh nhạy, kịp thời, dứt khoát".

Trong khi đó, mô hình tổ chức các cơ quan chuyên môn còn rập khuôn, chưa có mô hình riêng cho đô thị.

"Quyết định cuối cùng về nhiều lĩnh vực quản lý chuyên ngành đều do UBND thành phố, quận, huyện quyết định. Nhiều nội dung quản lý chuyên ngành do phân cấp cho địa phương nên bị cắt khúc; không điều hòa được cả về kinh phí, con người, nhất là chất lượng công việc, dẫn đến bộ máy cồng kềnh, hiệu lực, hiệu quả chưa cao", ông Hồ Kỳ Minh nhận định.

"Vị trí, vai trò, quyền hạn của thủ trưởng ngành khó phát huy và ít chịu trách nhiệm, các quyết định phát triển ngành đều đẩy lên UBND cùng cấp xử lý nên tình trạng tự chịu trách nhiệm không cao".

Quan hệ trung ương - địa phương vừa tập trung vừa phân tán cũng dẫn đến việc không điều hòa được lợi ích khách quan giữa trung ương và địa phương; là cơ sở để phát sinh các biểu hiện “quyền lực ngành” với cơ chế xin - cho, cục bộ địa phương.

"Nhiều việc trung ương không thể quản lý, phần lớn thuộc trách nhiệm của địa phương nhưng khi địa phương đề nghị thực hiện thì trung ương lại không cho phép do thiếu quy định tại các văn bản hiện hành, làm cho địa phương lúng túng, bị bó buộc, hạn chế đến công tác quản lý và phát triển, làm giảm tính năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương", Phó chủ tịch Đà Nẵng nhấn mạnh.

Theo ông, chính quyền trung ương còn điều hành, xử lý nhiều việc cụ thể của địa phương làm giảm quyền chủ động sáng tạo của địa phương, chưa đáp ứng kịp thời quyền lợi của dân, vừa hạn chế khả năng tự quản, vừa hạn chế hiệu lực và hiệu quả quản lý tập trung của nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý ngân sách, đầu tư phát triển, cơ chế huy động nguồn tài chính cho đầu tư phát triển, quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị, tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, biên chế và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Từ đó, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng đề xuất Chính phủ có nghị định phân cấp ủy quyền quản lý một số lĩnh vực để chính quyền đô thị có khả năng bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền.

Chung Hoàng