Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Trương Thanh Tùng “vi hành” đã phát hiện ra lãnh đạo Sở NN-PTNT báo cáo “láo”.

Ngày 19/10, UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, đã chỉ đạo đình chỉ hoạt động nhiều xưởng chế biến gỗ tại các huyện Đắk Song, Đắk Mil và Tuy Đức do có hoạt động chế biến và cất giấu gỗ trái phép.

Trước đó, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, giao Sở NN-PTNT kiểm tra, rà soát thực hiện đóng cửa và di dời các xưởng gỗ nằm ngoài quy hoạch vào các khu, cụm công nghiệp và phải có báo cáo gửi tỉnh.

{keywords}

Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông kiểm tra xưởng gỗ tại huyện Đắk Song và phát hiện việc cất giấu, chế biến gỗ trái quy định.

Sở NN-PTNT sau đó có báo cáo gửi UBND tỉnh là các xưởng gỗ đã hoàn toàn dừng hoạt động chế biến. Tuy nhiên, mới đây ông Trương Thanh Tùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông bất ngờ dẫn đầu một đoàn công tác, kiểm tra đột xuất nhiều xưởng chế biến gỗ tại các huyện nóng về tình trạng phá rừng như Đắk Mil, Đắk Song và Tuy Đức.

Kết quả đã phát hiện một số xưởng chế biến gỗ vẫn ngang nhiên hoạt động và chưa chấp hành việc tháo dỡ máy móc.

Cụ thể, kiểm tra xưởng chế biến gỗ của công ty TNHH MTV Phượng Hà Phát (xã Nam Bình, huyện Đắk Song) đoàn công tác phát hiện xưởng này vẫn vi phạm quy định trong việc mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh gỗ trái quy định ngay tại xưởng.

Khi bị phát hiện, chủ xưởng này biện minh: “Cơ sở có thực hiện hoạt động chế biến lâm sản nhưng chỉ là cưa gia công gỗ do người dân đem tới xẻ làm chòi rẫy. Số gỗ đang cất giấu tại xưởng là của một người em tự ý mang vào nhưng chủ xưởng không biết?”.

Tại xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Hiệp Phát (xã Thuận An, huyện Đắk Mil), đoàn phát hiện mùn cưa và bìa bắp có nguồn gốc chế biến từ gỗ rừng trồng còn mới và gỗ đang được bốc xếp, vận chuyển. Một số lượng lớn gỗ tồn kho bao gồm gỗ tròn nguyên lóng và gỗ xẻ thành phẩm đang được tập kết tại xưởng.

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đắk Mil giải thích: “Xưởng chế biến gỗ của Công ty Hiệp Phát nằm trong diện phải di chuyển vào Khu công nghiệp Thuận An nên trong thời gian này cơ sở không thực hiện hoạt động xuất, nhập và chế biến gỗ kinh doanh. Hoạt động cưa xẻ gỗ hiện tại chỉ là hoạt động cưa xẻ nhỏ để phục vụ nhu cầu nội bộ”. Kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện Tuy Đức, đoàn ghi nhận các cơ sở này đã chấp hành dừng hoạt động xuất, nhập và chế biến gỗ kinh doanh nhưng chưa chấp hành việc tháo dỡ máy móc theo quy định.

Yêu cầu sở giải trình

Sau khi kết thúc kiểm tra, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Trương Thanh Tùng đã có văn bản nghiêm khắc phê bình lãnh đạo Sở NN-PTNT. Trong đó, nhấn mạnh việc sở này báo cáo không đúng với thực tế, chưa làm hết trách nhiệm trong việc kiểm tra, rà soát và báo cáo hoạt động của các xưởng chế biến lâm sản trên địa bàn.

Đồng thời, yêu cầu sở này báo cáo giải trình cụ thể vụ việc nêu trên và đề xuất xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có liên quan và các doanh nghiệp vi phạm, không chấp hành dừng hoạt động chế biến, kinh doanh gỗ theo quy định.

Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN-PTNT dừng ngay hoạt động của các doanh nghiệp có xưởng chế biến gỗ nằm ngoài quy hoạch, tiến hành di dời theo quy định.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 27 cơ sở chế biến gỗ, 128 cơ sở mộc dân dụng. Trong số 27 cơ sở chế biến gỗ, có 13 cơ sở nằm trong quy hoạch không phải di dời và tiếp tục được hoạt động, 14 cơ sở còn lại nằm ngoài quy hoạch phải chờ di dời vào các khu, cụm công nghiệp địa phương và phải dừng hoạt động.

Trùng Dương