Chiều 30/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng luôn quan tâm, coi trọng công tác cải cách thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Trong giai đoạn 2007 - 2010, Việt Nam đã cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/ 5.421 thủ tục (cắt giảm 37,31%, tương ứng với tiết kiệm chi phí xã hội khoảng gần 30.000 tỉ đồng mỗi năm).

Trong giai đoạn 2016 - 2020 có 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa; tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỉ đồng. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.

Có tình trạng cắt bỏ quy định này lại mọc ra quy định khác 

Bên cạnh những thành quả đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý, phải nhìn nhận một thực tế là trong các văn bản pháp luật hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quy định bất cập, đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Việc cải cách một số nơi vẫn còn hình thức, thậm chí có tình trạng cắt bỏ quy định này lại mọc ra quy định khác gây khó khăn hơn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, việc thực hiện thủ tục chủ yếu vẫn bằng phương thức thủ công; người dân, doanh nghiệp còn phải nộp nhiều loại giấy tờ, đi lại nhiều nơi, phát sinh gánh nặng hành chính không cần thiết.

Buổi họp báo. Ảnh: VGP

Vì vậy, ngày 12/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Chương trình cải cách lần này thực hiện toàn diện cả các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, bao gồm quy định thủ tục hành chính, về yêu cầu, điều kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh, về chế độ báo cáo, về tiêu chuẩn, quy chuẩn và về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. 

Chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025: cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản có hiệu lực đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020).

Đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản này. Cùng với đó, ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Để thực hiện được mục tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp tục đổi mới lề lối phương thức làm việc; chuyển đổi từng bước việc điều hành dựa trên giấy tờ sang điều hành bằng dữ liệu...

Các đơn vị đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp...

Một nhiệm kỳ với ba làn sóng cải cách

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhắc lại, trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác hoàn thiện thể chế, “thể chế, thể chế và thể chế”. Trong nhiệm kỳ này có ba làn sóng cải cách.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. Ảnh: VGP

Thứ nhất, năm 2016, đợt sóng cải cách đầu tiên, xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, với yêu cầu điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong Luật và Nghị định. Chính phủ đã thành công trong việc khai tử hàng nghìn giấy phép con trong các thông tư, cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Đợt sóng thứ hai là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành với tinh thần rất quyết liệt.

Và hiện nay là đợt sóng thứ ba, với Nghị quyết số 68 đặt mục tiêu cắt giảm 20% các quy định về kinh doanh trong 5 năm tới. Nghị quyết này cũng gắn với một chương trình rất lớn là rà soát, xóa bỏ những chồng chéo, xung đột, bất hợp lý trong các quy định về kinh doanh.

“Một nhiệm kỳ với ba đợt sóng, Chính phủ đã thành công với việc thúc đẩy cải cách thể chế, với cách thức thực hiện bài bản hơn. Đây cũng là nhiệm kỳ Chính phủ đầu tiên đặt mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp và chương trình nghị sự cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 quyết liệt hơn”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo khảo sát của VCCI, thời gian qua, tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép về điều kiện kinh doanh giảm từ 58% xuống còn 48%, tức giảm 10% và tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép cũng giảm 10%. Đây không chỉ là vấn đề tiền bạc hay thời gian mà còn là vấn đề niềm tin, các kết quả này cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã tăng lên.

"Tôi rất hy vọng, Nghị quyết 68 sẽ thúc đẩy một đợt sóng cải cách mới về các quy định kinh doanh, rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam", ông Vũ Tiến Lộc nói.

Theo xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong ASEAN.

Theo xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018-2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong ASEAN.

Tạp chí US News &World xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư...

Thu Hằng

Thủ tướng: Nhiều cuộc điện thoại kêu khổ vì thủ tục nhiêu khê với tiền hỗ trợ

Thủ tướng: Nhiều cuộc điện thoại kêu khổ vì thủ tục nhiêu khê với tiền hỗ trợ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, rất nhiều cuộc điện thoại của người dân tại TP.HCM kêu khổ vì thủ tục nhiêu khê khi giải quyết tiền hỗ trợ dịch Covid-19.