''Đây là lần đầu tiên ông đi đánh bắt cá xa bờ và cũng là lần cuối cùng. Ông gọi điện về báo, hôm nào về cho tui đi ca một bữa cho đã rồi bỏ nghề, đi lên chùa tu...'' - bà Bùi Thị Tỏ ngồi bên quan tài chồng nghẹn ngào.

Ấp nghèo Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, Sóc Trăng những ngày này không khí tang tóc bao trùm.

{keywords}

Ấp nghèo Mỏ Ó

Nơi đây có 9 người tử nạn và 2 người may mắn sống sót trong vụ nổ bình gas làm chìm tàu cá trên vùng biển Côn Đảo rạng sáng 17/9.

Cuộc điện thoại cuối cùng

Bà Bùi Thị Tỏ mắt thâm quầng vì nhiều đêm mất ngủ, thương chồng nằm lạnh buốt giữa biển khơi. Thi thể chồng bà, thuyền viên Lâm Thanh Nhiển (52 tuổi) đã được đưa về đêm 20/9 và đang để nhờ nhà một người cháu.

{keywords}

Bà Bùi Thị Tỏ và con gái nghẹn ngào bên cỗ quan tài chồng

7 tháng trước, nhà của 2 vợ chồng bà đổ sập xuống sông, nhà nghèo chưa có tiền làm lại. Cả gia đình đi ở nhờ nhà người cháu tại ấp Mỏ Ó. Bây giờ, ông Nhiển tử nạn, cỗ quan tài đưa về cũng để nhờ nhà cháu để tạm cúng bái, hương hỏa.

Đốt nén hương, vái lạy người chồng quá cố, bà Tỏ mím chặt môi, lấy bình tĩnh, kể lại cuộc điện thoại cuối cùng chồng dặn trước khi tàu chuẩn bị cập bến.

''Khoảng 22 giờ đêm (16/9) ông gọi về báo tin sắp được vào bờ, sáng mai cập bến. 'Chuyến này về bà cho tui đi ca (đi hát - PV) bữa cho đã rồi bỏ nghề, lên chùa phật Nam Chánh tu. Giờ bà đi ngủ đi, chờ tui về'. Ông đi được hơn 2 tháng rồi. Đây là lần đầu tiên ông đi xa đánh bắt cá và cũng là lần cuối cùng'' - khóe mắt bà Tỏ rơm rớm. 

Đến 13 giờ chiều 17/9, bà đi hỏi thăm những người nhà đi chung với chồng trên biển nhưng không có tin tức. Gần 14 giờ cùng ngày, con trai bà chạy về nhà báo: ''Má ơi má, cha đi có chuyện rồi, tàu chìm trên biển''.

Ở ngay cửa biển Trần Đề nhưng ông Nhiển chỉ đi đánh cá thuê gần bờ, 2-3 ngày là trở về. Trong chuyến đi xa này, 11 người ở ấp Mỏ Ó rủ nhau cùng đi và không ngờ rằng, đó là chuyến đi định mệnh.

{keywords}

Con gái thuyền viên Quách Văn Tọt nghẹn ngào bên bàn thờ cha

Còn bà Phạm Thị Chưa (vợ của thuyền viên Quách Văn Tọt, 49 tuổi) kể, khoảng 19 giờ tối ngày 16/9, chồng gọi về báo tin tàu cá đang trên đường vào bờ. Ông Tọt điện trong buổi tối đến 5 cuộc điện thoại gặp người này đến người khác. Đến 0 giờ sáng hôm sau, bà Chưa gọi lại thì không thể liên lạc.

{keywords}

Bà Lê Thị Bẻo (phải) mất con và chồng. Ngày đêm bà khẩn cầu đội cứu hộ tìm thấy thi thể

Từ đó, như linh tính, cả đêm bà Chưa không tài nào chớp mắt, lo lắng chuyện chẳng lành.

Xác lưới, mạng người bủa vây trên biển

Ông Trần Văn Khoa (46 tuổi) là một trong 3 người may mắn thoát chết sau vụ nổ tàu. Ông thoát chết nhưng chẳng thể vui khi phải chứng kiến con trai Trần Minh Đương (19 tuổi) và một người em ruột Trần Văn Lương (33 tuổi) chết chìm giữa biển.

Nhớ lại thời khắc trước lúc tàu chìm, ông Khoa kể, đây là lần mấy cha con, anh em đi biển xa lâu ngày nhất. Khoảng 24 giờ ngày 16/9, phát hiện bình ga bị xì, tài công Tam Rô bảo anh Đương xuống hầm tàu kiểm tra, một lúc sau điện trên tàu bị chập tóe lửa. Bình gas phát nổ, tàu chìm nghỉm trong đêm.

''Nổ một tiếng lớn rồi tất cả văng tung xuống biển. Tôi bị mảnh vỡ đập trúng đầu, xuống nước vớ được tấm xốp, trôi dạt một lúc sau tôi hét to: ''Anh em ơi, còn ai sống không để cứu''. Khoảng 20 phút sau, phát hiện một số anh em đang bấu víu ở lưới đánh cá'' - ông Khoa kể.

Sóng đánh mạnh, các thuyền viên trên tàu bị thương nặng sau vụ nổ, nhiều người chỉ bấu víu vào tấm lưới nhưng mấy giờ sau là chìm xuống biển.

Theo lời ông Khoa, ông Thủy (người chưa tìm thấy xác) nói với ông: ''Chắc ba buông tay chết con ơi. Ba chịu không nổi nữa rồi''. Khi ông Khoa vừa quay đầu chịu trận đợt sóng đập vào đầu thì ông Thủy đã buông tay, chìm dưới biển sâu.

Cứ thế, lần lượt người này đến người khác chìm xuống, không thể ngóc đầu lên. Và sau này vớt được thi thể các thuyền viên, thợ lặn cho biết, các nạn nhân đều bị vướng chân, tay và đầu ở trong chính vòng lưới bắt cá của tàu.

{keywords}

Ông Trần Văn Khoa, một trong 3 người được cứu sống, có con trai và em trai bỏ mạng sau vụ nổ kinh hoàng

Đến gần 7 giờ sáng, ông Khoa, anh Diện và anh Đoàn vớt được mấy chiếc áo phao, tấm xốp và bắt đầu trôi dạt. Khi nhìn thấy chiếc tàu đánh cá cách không xa, ông Khoa xung phong bỏ phao nhường cho Diện và Đoàn.

''Tôi nói với 2 đứa, thà tau chết với mấy anh em cho vui, còn 2 đứa ôm phao ở đúng vị trí, để tau bơi gọi tàu. Nhiều lần bị sóng đánh úp vào mặt, tôi nghĩ mình sẽ chết. Đến khoảng 14 giờ chiều thì tàu cứu hộ vớt được tôi lên'' - ông Khoa nghẹn ngào.

Lúc được cứu sống, ông Khoa chỉ địa điểm ngoài khơi có anh Diện và anh Đoàn đang chới với. Tàu cứu hộ tiếp tục quần thảo, đến gần 6 giờ tối, 2 anh được cứu sống.

''Gặp nhau tôi cứ nghĩ chúng nó chết, còn chúng nó nghĩ tôi đã chết. Sáng ra, khi vớt được các anh em đều vướng chân, tay ở trong lưới đánh cá. Thảm quá các chú ơi...'' - ông Khoa hơn một lần nấc nghẹn.

Đó là những gì đang diễn ra ở ấp Mỏ Ó, cái tên nghe đã bi ai.

Q.Huy