- Trao đổi với VietNamNet, chủ đầu tư dự án nạo vét, tận thu cát sỏi lòng hồ Núi Cốc cho hay: Không có chuyện cho không mỏ khoáng sản. Đơn vị này thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, tự bỏ vốn và lấy nguồn tận thu sản phẩm (cát, sỏi...) để lấy thu bù chi vào hoạt động cải tạo trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Đã từng có đơn vị xin nạo vét, khai thác

Vấn đề nạo vét lòng hồ Núi Cốc không phải đến thời điểm này mới được Thái Nguyên đặt ra. Trước đó, công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên (Sở NN-PTNT) đã đề xuất với UBND tỉnh phương án nạo vét lòng hồ. Tuy nhiên, sau khi thẩm định, đánh giá thì nguồn kinh phí đầu tư thực hiện quá lớn, ngân sách địa phương chưa thể giải quyết được nên phải dừng lại.

{keywords}
Việc nạo vét, tận thu khoáng sản lòng hồ Núi Cốc đang được tiến hành

Năm 2011, công ty CP Thương mại Sông Hồng Thủ Đô cũng lập đề án và được Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc trình duyệt 6 nội dung theo quy định để được cấp phép, GCN đầu tư thực hiện dự án. Công ty này cũng có văn bản xin chấm dứt thực hiện dự án.

UBND tỉnh thu hồi chấp thuận chủ trương đã cấp cho Sông Hồng Thủ Đô. Ngày 13/6/2014, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản 1446/UBND-TH về việc hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực văn bản số 1488 về chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát, lập dự án thăm dò nạo vét lòng hồ Núi Cốc; chấp thuận cho Công ty Đại Việt được nghiên cứu, khảo sát, lập và thực hiện dự án tại văn bản số 1585/UBND-TH, ngày 25/6/2014.

“Đây là một dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa nên UBND tỉnh Thái Nguyên đã hướng dẫn chúng tôi lập hồ sơ, hoàn tất các giấy tờ, thủ tục liên quan theo quy định nhằm đáp ứng các mục tiêu khơi thông luồng lạch, tăng dung tích trữ nước của hồ chứa, đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp; ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép tận thu nguồn cát sỏi phục vụ cho nhu cầu xây dựng, ổn định về giá vật liệu xây dựng trên địa bàn. Tăng nguồn thu cho ngân sách của tỉnh, giảm chi phí đầu tư nạo vét hồ.

{keywords}
Vẻ bình yên của danh thắng du lịch hồ Núi Cốc.

Theo ông Trần Hoài Vũ - Phó TGĐ Công ty, đến thời điểm hiện tại, Công ty Đại Việt đã đầu tư khoảng gần 60 tỷ để xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng, nhà điều hành, đền bù đất nông nghiệp của các hộ dân được thuê trong quá trình thực hiện dự án 15 năm.

“Dự án này không phải từ ngân sách nhà nước, do đó đơn vị thực hiện cải tạo được cho phép tận thu khoáng sản (chủ yếu là cát, sỏi…) bồi lắng trong lòng hồ để hoàn vốn. Về mặt doanh nghiệp, phải có lãi thì chúng tôi mới đầu tư” - ông Vũ nói.

Theo quá trình này, Công ty Đại Việt đã tiến hành thăm dò, khảo sát để làm hồ sơ dự án trình UBND tỉnh Thái Nguyên.

“Thời điểm thăm dò được tiến hành vào mùa cạn. Chúng tôi tìm hiểu, khảo sát thí điểm để tính toán sơ bộ ra khối lượng cát, sỏi có thể làm VLXD, sau đó nhân với diện tích khu vực cải tạo, nạo vét để ra khối lượng tận thu để đưa ra quyết định đầu tư. Đây là dự án điển hình về cải tạo môi trường. Nếu không tiến hành nạo vét, với tốc độ bồi lắng như hiện tại, khoảng 20 năm nữa về mùa kiệt hồ Núi Cốc sẽ không còn khả năng điều tiết, cung cấp nước sinh hoạt, nước công nghiệp cho Thái Nguyên và các tỉnh lân cận”.

Vì sao dự án không qua đấu thầu?

Về vấn đề vì sao Thái Nguyên không tổ chức đấu thầu, chủ dự án đưa ra hai lý giải: "Đây là thẩm quyền của UBND tỉnh Thái Nguyên, tuy nhiên theo chúng tôi được hiểu, thứ nhất: Đây không phải là hoạt động khoáng sản thông thường. Thứ hai: đây là dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách; thứ ba: việc nạo vét tiến hành trong khu vực bảo vệ công trình thủy lợi nên không được cấp phép thăm dò chi tiết để có khối lượng cụ thể".

{keywords}
Thời gian gần đây, dự án đang có nhiều tranh cãi về mục đích thực hiện.

Năm 2011, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản xin ý kiến Bộ NN-PTNN; Bộ GTVT về việc cải tạo, nạo vét tận thu cát sỏi; duy tu luồng hàng hải tại hồ Núi Cốc. Ngày 06/11/2013, Bộ NN-PTNT đã có văn bản chấp thuận, đề nghị Thái Nguyên hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục cáp phép cho hoạt động nạo vét, khai thác cát sỏi trong phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đối với khu vực lòng hồ.

Từ những ý kiến này, Thái Nguyên đã đưa ra chủ trương xã hội hoá việc nạo vét lòng hồ Núi Cốc để huy động nguồn lực xã hội thực hiện dự án.

Về lợi nhuận từ dự án, Phó TGĐ Công ty Đại Việt thẳng thắn: góc độ doanh nghiệp, phải tính toán tối thiểu đủ điều kiện hoàn vốn và tạo việc làm ổn định cho công nhân. Tuy nhiên, ở dự án này, còn mang nhiều rủi ro nhưng với mục tiêu môi trường - thủy lợi là nhiệm vụ chính.

Sau hơn một tháng tiến hành, công ty Đại Việt tận thu được 5.000m3 cát và khối lượng đá - sỏi. Số vật liệu xây dựng này được tiêu thụ tại chỗ.

“Tính giá thành cát sỏi hiện tại ở mức 150.000-180.000đ/m3 sẽ ra ngay được giá trị thu nhập của DN. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã nộp ngân sách hơn 100 triệu đồng tiền thuế. Chúng tôi kỳ vọng khối lượng, trữ lượng tận thu nhiều hơn theo tính toán trong dự án, có như vậy DN mới có nguồn thu hoạt động”.

Ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên thông tin với báo chí: Chủ trương cải tạo, nạo vét hồ Núi Cốc đã được thường trực Tỉnh ủy thống nhất và đang thực hiện, giao Sở NN-PTNN làm đơn vị quản lý, giám sát. Không thể làm ào ạt và không thể nhiều doanh nghiệp vào làm được vì sẽ làm vẩn đục lòng hồ, ảnh hưởng môi trường. Tỉnh giao ngành môi trường và nông nghiệp kiểm soát môi trường vì vừa nạo vét vừa cung cấp nước sạch cho nhân dân.

Phó GĐ Sở TN-MT Nguyễn Thanh Tuấn (hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) thông tin: Nếu đây chỉ là dự án khai thác khoáng sản đơn thuần thì sẽ phải thực hiện đấu giá theo quy định. Khu vực này có cát sỏi, nhưng chúng tôi không thể cấp phép khai thác cát sỏi vì đây còn là khu du lịch sinh thái, khu danh lam thắng cảnh, nên khi lập dự án bất kỳ, trong đó có dự án này thì người ta phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường”.

Về việc dự án thực hiện trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi được khuyến cáo sẽ ảnh hưởng tới nhiều yếu tố như an toàn công trình và vùng hạ du; sản xuất nông - ngư nghiệp; ảnh hưởng đến sinh thái lòng hồ…, chủ đầu tư cho biết, sẽ cam kết thực hiện theo đúng hồ sơ, yêu cầu cấp phép dưới sự giám sát của Sở NN-PTNT, các cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ.

Ngày 25/6/2014, UBND tỉnh Thái Nguyên có công văn số 1585 về việc chấp thuận chủ trương cho công ty CP Đầu tư bất động sản và Khoáng sản Đại Việt.

Ngày 13/8/2014, sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư, Sở KH-ĐT Thái Nguyên có công văn gửi các sở, ban ngành liên quan để xin ý kiến thẩm tra dự án.

Ngày 14/8/2014, BQL khu du lịch vùng hồ Núi Cốc, Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng thẩm tra xong dự án. Một tuần tiếp theo, các sở, ban ngành, đơn vị liên quan cũng thẩm tra xong dự án.

Ngày 2/8/2014, công ty Đại Việt ký biên bản thỏa thuận với công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Thái Nguyên thực hiện Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm, cùng với báo cáo đánh giá ảnh hưởng của hoạt động nạo vét đến việc vận hành và an toàn của công trình thủy lợi. Cùng ngày, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản đồng ý thiết kế cơ sở dự án này.

Ngày 26/8/2014 UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Đại Việt thực hiện Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm.

Dựa trên các báo cáo, xét đề nghị Sở TN-MT, ngày 12/9/2014, UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Kiên Trung