Nội dung được nêu trong kết luận tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành với các huyện, thành phố.

Theo báo cáo của ngành chức năng Kiên Giang, đến nay tỉnh đã có hơn 5.000 F0, trong đó hơn 2.700 người được điều trị khỏi. Tỉnh xét nghiệm sàng lọc 100% người dân trong vùng phong tỏa, vùng nguy cơ rất cao và nguy cơ cao tại 5 huyện, thành phố; sàng lọc 5-10% người dân trong vùng bình thường mới.

Qua xét nghiệm đã bóc tách hơn 100 F0 ra khỏi cộng đồng. Kiên Giang lập hơn 680 chốt kiểm soát phòng, chống dịch với gần 5.750 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Tỉnh duy trì 432 tổ tuần tra lưu động với 864 cán bộ, chiến sĩ, qua đó phát hiện, nhắc nhở các trường hợp vi phạm quy định về giãn cách xã hội, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4.770 trường hợp.

Ngoài ra, công an tỉnh đã khởi tố 9 vụ, 11 đối tượng về hành vi chống người thi hành công vụ trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Kiên Giang đã phê duyệt hỗ trợ các nhóm chính sách với tổng số 165.173 đối tượng.

{keywords}
Chủ tịch UBND Lâm Minh Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Cổng TTĐT Kiên Giang 

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết, sau một tuần triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt kế hoạch xét nghiệm diện rộng để tầm soát F0, đến nay tỉnh đã hoàn thành lộ trình đề ra và đạt được kết quả rất khả quan.

“Điều này khẳng định mục tiêu quyết tâm đến ngày 30/9, Kiên Giang cơ bản kiểm soát được dịch là rất khả thi”, ông Thành cho biết.

Để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng, ông Thành yêu cầu 15 huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, đặc biệt không được lơ là, chủ quan. Tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng cho người dân có ý thức phối hợp tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiêm vắc xin toàn dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị phải tổ chức đánh giá lại toàn bộ các khu phong tỏa, xem khu nào còn hạn, khu nào hết hạn phong tỏa. Phải phân công cán bộ theo dõi chặt chẽ để đánh giá, tham mưu dỡ phong tỏa, từng bước loại bỏ vùng nguy cơ, chuyển màu...

{keywords}
TP Rạch Giá đang giãn cách theo Chỉ thị 15 (trừ các phường Vĩnh Quang, Vĩnh Thanh vẫn áp dụng Chỉ thị 16). Ảnh: kiengiang.dcs.vn

Đề nghị các địa phương thực hiện Chỉ thị 19 tiếp tục thực hiện xét nghiệm tầm soát 5-7 ngày/1 lần ở vùng nguy cơ cao và rất cao. “Tiếp tục duy trì xét nghiệm sàng lọc 5-10% dân số vùng xanh cho các địa bàn, đối tượng nguy cơ cao, bằng test nhanh”, ông Thành chỉ đạo.

Đối với 5 địa phương đang thực hiện tầm soát theo kế hoạch là TP Rạch Giá, TP Hà Tiên và các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, đã thực hiện 3 lần trong 7 ngày, nơi nào có F0 tiếp tục thực hiện lần 2, 3 liên tiếp, nếu không còn F0 thì kết thúc, trở lại thực hiện 5-10% dân số của 5-7 ngày ở vùng nguy cao, rất cao. Ông Thành yêu cầu, các địa phương phải có báo cáo đánh giá toàn diện kết quả tầm soát để trung tâm Chỉ huy tỉnh đánh giá, xem xét, đảm bảo sau ngày 26/9 phải ra được Chỉ thị 19 (TP Phú Quốc có chỉ đạo riêng). Chủ tịch UBND Kiên Giang khẳng định đây là trách nhiệm của tỉnh với Thủ tướng Chính phủ.

Ông Thành cho rằng, vừa qua việc tiêm vắc xin của một số địa phương chưa đảm bảo an toàn, phải khắc phục ngay. Kế hoạch tiêm đợt 5 của Kiên Giang với hơn 400.000 liều vắc xin.

Các địa phương phải xây dựng kế hoạch, trong đó trả mũi 2 và tiêm mũi 1, phải tính đối tượng, nguồn nhân lực, thực hiện nhanh, rút ngắn thời gian nhưng phải đảm bảo an toàn.

Ông Lâm Minh Thành cho biết, thời gian công tác an sinh xã hội chỉ tập trung cho người lớn mà chưa quan tâm đến trẻ em, chưa tìm hiểu sâu vào những gia đình khó khăn. “Thực hiện chính sách an sinh xã hội là việc làm lâu dài, vì vậy phải đi sâu tìm hiểu đời sống người dân, nhất là gia đình có trẻ em và người già, người bệnh để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ, động viên”, ông Thành nói và đề nghị UB MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nhiệm vụ từ nay đến ngày 30/9 còn nhiều khó khăn nặng nề, vì vậy ông đề nghị các ngành, địa phương, nhất là vai trò người đứng đầu phải cố gắng chia sẻ trách nhiệm, quyết tâm thực hiện hoàn thành nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Kiên Giang kêu gọi mọi người dân cố gắng vượt qua khó khăn, thể hiện tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch, để Kiên Giang sớm trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian tới.

 

Ổ dịch trên địa bàn TP Phú Quốc đã cơ bản được kiểm soát
Ông Tống Phước Trường, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Phú Quốc cho biết, sau khi có kết quả xác định ca F0 là tiểu thương buôn bán tại chợ An Thới, ngành chức năng thành phố đã chốt chặn, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 cho người dân tại cảng An Thới, chợ An Thới và các hộ dân xung quanh.
Qua đó, bóc tách nhiều F0 ra khỏi cộng đồng, đưa đi điều trị; đồng thời truy vết hàng trăm F1 để đưa đi cách ly tập trung.
“Sau khi phát hiện ca dương tính Phú Quốc đã nhanh chóng khoanh vùng và chỉ đạo lực lượng y tế tiến hành xét nghiệm xuyên đêm tại các khu vực nguy cơ bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Có thể nói đến thời điểm này Phú Quốc cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh" ông Trường nói.
Chủ tịch UBND TP Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, những ngày qua TP ghi nhận các ca F0 nằm trong khu phong tỏa, không có ca lây lan ngoài cộng đồng.
"Đến thời điểm này, Phú Quốc đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Chúng tôi phấn đấu đến ngày 30/9 đưa Phú Quốc trở lại trạng thái bình thường mới", ông Hưng nói. 

Thiện Chí 

Thủ tướng chấn chỉnh Đà Nẵng, Hà Nam, Kiên Giang lơ là phòng chống dịch

Thủ tướng chấn chỉnh Đà Nẵng, Hà Nam, Kiên Giang lơ là phòng chống dịch

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Hà Nam, Đà Nẵng, Kiên Giang tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định, giải pháp phòng, chống dịch, bảo đảm mục tiêu nhanh nhất, sớm nhất kiểm soát dịch.