Sau khi căn nhà hai gác nửa bê tông, nửa gỗ của “nguyên đại tá công an” bị cơ quan chức năng đập bỏ, người trong cuộc đã chính thức lên tiếng và cho rằng quyết định cưỡng chế của UBND TP. Buôn Ma Thuột là sai quy trình, “đẩy” họ thành…nạn nhân!

Mua đất từ “môi giới” của…cán bộ phường!

Liên quan đến vụ việc, trước đó, vào ngày 16/8, UBND phường Tân Lập được giao chủ trì phối hợp với các phòng ban chức năng của UNBD TP. Buôn Ma Thuột tiến hành cưỡng chế tháo dỡ căn nhà xây dựng trái phép trên khu đất 500m2 thuộc Dự án khu dân cư tái định cư buôn Păn Lăm – Kôsiêr (đường Hùng Vương, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột).

{keywords}

Căn nhà nửa gỗ, nửa bê tông ông Bùi Mạnh Hải khi chưa bị cưỡng chế

{keywords}

Căn nhà ông Hải bị cưỡng chế, phá bỏ

Chủ sở hữu khu nhà đất trên là ông Bùi Mạnh Hải (SN 1980, trú tại ngõ Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) đã làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng, đồng thời cho rằng chính quyền đã “có ý đồ” khi tung tin là nhà của “nguyên đại tá công” gây ảnh hưởng đến uy tín gia đình.

Theo tường trình của ông Hải, tháng 5/2015, qua “môi giới” của một cán bộ phường Tân Lập rằng khu đất trên sẽ được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở đô thị nên ông đã cùng một người bạn hùn tiền mua 500m2 để dựng nhà và làm nơi giao dịch công ty.

Sau khi mua đất, ông đã làm các thủ tục và được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thửa đất số 615, tờ bản đồ số 81.

Được sự hướng dẫn của cán bộ phường Tân Lập, ông Hải làm đơn đề nghị tách thửa để chuyển 160m2 sang đất ở đô thị và gửi hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất lên UBND TP. Buôn Ma Thuột.

{keywords}
{keywords}

Những căn nhà kiên cố được cho là xây dựng không phép trên đất dự án nhưng “bình yên vô sự”

Theo ông Hải, UBND phường Tân Lập đã lập biên bản kiểm tra thực địa và có nói rõ kế hoạch sử dụng đất hàng năm: “đã có trong kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất theo Quyết định số 3263/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh Đắk Lắk” nên rất tin tưởng.

Trong thời gian gửi hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất, ông Hải làm đơn gửi UBND phường Tân Lập xin dựng căn nhà sàn cũ trên đất đã mua. Người trực tiếp nhận đơn là phó chủ tịch UBND phường Tân Lập Y Lhiêt Niê.

“Sau hơn 1 tháng gửi đơn, không thấy phường có trả lời, nghĩ chính quyền không cấm nên tôi cho dựng nhà sàn, nhà tạm” – ông Hải trình bày.

Theo ông Hải, khi tiến hành dựng nhà, cán bộ phường có đi kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính vì xây dựng trái phép và động viên “gia đình đi nộp phạt và cứ tiếp tục làm, ở đây đa số làm nhà trên đất nông nghiệp”.

“Việc làm nhà diễn ra công khai ban ngày, có cán bộ phường thường xuyên qua lại nhưng không nhắc nhở, xử lý. Đợi đến khi làm gần xong họ mới tiến hành cưỡng chế, đập phá gây thiệt hại cho gia đình. Không những vậy, họ còn “tung tin” là nhà “nguyên đại tá công an”, cậy làm to nên chống đối là không đúng sự thật” – ông Hải bức xúc.

Cán bộ làm sai, dân chịu hậu quả

Sau khi bị xử phạt hành chính rồi bị thông báo cưỡng chế, cho rằng không làm sai nên gia đình ông Hải liên tục làm đơn khiếu nại và xin tạm thời cho công trình tồn tại để làm nơi sinh hoạt và cam kết sẽ tự tháo dỡ khi nhà nước yêu cầu.

{keywords}

Người dân mua đất viết tay trên đất dự rồi xây tường bao bảo vệ đất

Trước các khiếu nại của gia đình ông Hải, UBND TP. Buôn Ma Thuột có lập các đoàn đi kiểm tra, xác minh và sau đó đã có văn bản trả lời vụ việc.

Cụ thể, trong văn bản trả lời số 508 của UBND TP. Buôn Ma Thuột gửi cho người khiếu nại có nói rõ, việc lãnh đạo phường Tân Lập nhận đơn xin lắp đặt nhà sàn của ông Hải nhưng không phúc đáp bằng văn bản và trả lời của Phòng Tài nguyên và môi trường TP. Buôn Ma Thuột về hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất đã gây hiểu nhầm dẫn đến vi phạm khách quan của người dân.

UBND TP. Buôn Ma Thuột đã yêu cầu phường Tân Lập kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của cá nhân công chức trong việc thực thi công vụ của chính quyền về quản lý đất đai – xây dựng, không giải thích rõ về quy hoạch và triển khai dự án trên địa bàn làm ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình và phải báo cáo về UBND thành phố trước ngày 15/4/2016. Yêu cầu Phòng TNMT kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng và việc triển khai dự án theo quy hoạch được phê duyệt liên quan đến từng thửa đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, trao đổi với ông Nguyễn Minh Đức – chủ tịch phường Tân Lập, được biết chưa có cán bộ, lãnh đạo nào của phường liên quan đến vụ việc bị xử lý.

“Tôi mới được bầu làm chủ tịch phường và tiếp nhận công việc được hơn một tháng. Mọi hồ sơ, công việc từ lãnh đạo trước vẫn chưa được bàn giao. Sai phạm và việc xử lý cán bộ thuộc lãnh đạo tiền nhiệm nên đến nay vẫn chưa thể báo cáo lên cấp trên” – ông Đức cho hay.

Trong khi việc xử lý cán bộ sai phạm thì chậm trễ, kéo dài, thì việc cưỡng chế xây dựng diễn ra một cách chóng vánh và có dấu hiệu sai trái.

Theo ông Hải, khi tiến hành cưỡng chế, gia đình ông không nhận được quyết định cưỡng chế và cũng không được chính quyền tổ chức vận động.

“Cách làm việc tắc trách đã khiến nhà chúng tôi bị đập phá tan tành, của cải tài sản bị lấy đi hết hết, không còn chỗ ở, không còn vật dụng sinh hoạt tối thiểu. Chúng tôi đã làm đơn yêu cầu các cấp có thẩm quyền làm rõ sự việc, yêu cầu những người làm sai trái phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại” – ông Hải bày tỏ.

Được biết, ngoài quyết định cưỡng chế đối với hộ ông Bùi Mạnh Hải, cùng thời điểm còn có thêm 2 hộ là bà Hà Thị Tú và ông Trương Văn Việt cũng bị cưỡng chế do xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Những hộ dân này cũng cho biết, mua đất vào thời điểm năm 2015, qua sự tư vấn của cán bộ phường Tân Lập. Đồng thời, trong biên bản thực địa địa cũng nói rõ đất “đã có trong kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất theo Quyết định số 3263/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh Đắk Lắk” khiến họ tin tưởng mua đất xây nhà đề rồi bị cưỡng chế gây thiệt hại.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc

Trùng Dương