- Tăng mức phạt tiền, giảm hình phạt tù đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả, giúp tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng (TSTN). Thậm chí nếu người người phạm tội tham nhũng trả lại hết TSTN, đã bồi thường đầy đủ thiệt hai do tham nhũng gây ra thì có thể xem xét áp dụng hình phạt chính là phạt tiền, miễn hoặc giảm hình phạt tù, trường hợp đặc biệt có thể chuyển xử lý hành chính.

Còn né giám định tư pháp với án tham nhũng

Đây là một trong những giải pháp mạnh đặt ra trong dự thảo báo cáo nghiên cứu của Ban Nội chính TƯ về “Thu hồi tài sản tham nhũng - Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” được đưa ra thảo luận góp ý tại hội thảo sáng nay. Tuy nhiên đề nghị này nhận không ít ý kiến phản biện về tính pháp lý cũng như tính hiệu quả.

Phạt tiền không phải thu hồi tài sản tham nhũng

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cho rằng đề nghị trên có thể sẽ có tác động tích cực đến người phạm tội nộp tiền, TSTN. Tuy nhiên, nếu chỉ quy định đối với tội phạm tham nhũng sẽ không đảm bảo tính thống nhất trong các quy định của pháp luật, đó là đối với những tội khác nếu người phạm tội trả hết tiền, tài sản do phạm tội mà có thì lại không được miễn hình phạt như tội tham nhũng.

{keywords}
Đại biểu thảo luận tại hội thảo

Ông Tỵ cũng cho biết việc sửa BLHS chuẩn bị trình Quốc hội giữa năm 2015 cũng không theo hướng người tham nhũng trả hết tiền, tài sản tham nhũng thì có thể miễn hình phạt.

Ông khẳng định: “Hình thức phạt tiền trong bộ Luật Hình sự (BLHS) không phải là biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng. Khoảng tiền, tài sản do tòa án áp dụng hình phạt tiền để phạt người phạm tội tham nhũng là biện pháp cưỡng chế của nhà nước nhằm tước bỏ một phần lợi ích của người đó”.

Về đường lối xử lí tiền, tài sản tham nhũng mà có và tiền phạt người phạm tôi tham nhũng cũng khác nhau. Đối với toàn bộ tiền, tài sản do tham nhũng mà có của người phạm tội thì tòa án áp dụng điều 41 BLHS để tịch thu toàn bộ. Còn khoảng tiền phạt người tham nhũng phải nộp là tiền có nguồn gốc hợp pháp của người phạm tội chứ không phải do thu nhập bất hợp pháp mà có.

“Trong BLHS có 74 điều quy định về hình phạt tiền, trong đó chỉ có 7 điều quy định về tội tham nhũng, những tội phạm còn lại có nhiều tội không có thu nhập bất chính nhưng vẫn quy định hình phạt tiền”, ông Tỵ phân tích thêm.

Nộp tiền để miễn án tù sẽ làm mất tính răng đe

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Ban Nội chính TƯ cho rằng nói đến hành vi tham nhũng và tội phạm tham nhũng, cái người ta hướng đến là thu hồi TSTN. Nếu nói công bằng thì phải tìm cách hoàn trả lại tài sản cho chủ sở hữu TSTN thì xem như là hòa. Nếu xác định đây là tội phạm kinh tế khi khắc phục hậu quả thì xem xét miễn trách nhiệm hình sự và đề cao khắc phục hậu quả.

“Điều này không sai nhưng trong hoàn cảnh hiện nay nếu chúng ta loại bỏ hình phạt chỉ chú tâm đến thu hồi TSTN thì anh cứ tham nhũng, nếu bị phát hiện thì nộp lại thế là xong. Tôi nghĩ như vậy không đủ tính răng đe”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn bên cạnh việc tích cực phải chứng minh và áp dụng xử lí nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, đồng thời áp dụng các biện pháp cao nhất thu hồi TSTN chứ không thể lấy việc thu hồi hay tự nguyện nộp trả TSTN thay thế cho hình phạt.

Ông Hoàng Ngọc Dũng, hàm Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng biện pháp miễn xử lí hình sự đối với tội phạm tham nhũng nếu nộp, trả lại hết TSTN sẽ làm kém tác dụng ngăn chặn đấu tranh, phòng chống tham nhũng. Bởi vì không phải mọi hành vi tham nhũng đều bị phát hiện và không phải phát hiện rồi mọi hành vi tham nhũng đều bị xử lí. “Việc nộp lại hết TSTN chỉ nên coi là một tình tiến giảm nhẹ trong xử lí tội phạm tham nhũng”, ông Dũng đề nghị.

Phương Nguyên