- ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) không ủng hộ việc mở rộng thẩm quyền điều tra cho một số cơ quan, trong đó có kiểm ngư.

Ý kiến ĐB TPHCM nêu tại phiên thảo luận tại tổ về dự thảo luật tổ chức các cơ quan điều tra chiều 2/6. Việc 3 cơ quan Kiểm ngư, Thuế, UB chứng khoán được mở rộng thẩm quyền điều tra nêu trong dự thảo được chính những người trải nghiệm trong ngành thấy bất hợp lý.

Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu quả quyết không cần thiết mở rộng quyền điều tra cho các cơ quan trên. Nếu họ cần, có thể báo, các cơ quan điều tra sẽ vào cuộc ngay. Ông lo ngại điều tra cần kiến thức nghiệp vụ chuyên môn bài bản. Nếu không, cứ cho khởi tố thì phức tạp, bị tiếng vi phạm quyền dân chủ.

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền chỉ ra trong nhiều năm qua, các cơ quan này rất ít khi có các vụ án nên đề nghị giữ như quy định hiện hành. Giám đốc Công an HN Nguyễn Đức Chung cũng đồng tình bởi theo ông, nếu mở rộng các cơ quan này thành điều tra sẽ không có cán bộ nghiệp vụ liên quan.

{keywords}

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền

Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Trị Phạm Đức Châu cũng nhận định hiện không thiếu các cơ quan điều tra, quan trọng là thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.

Cũng có ý kiến ủng hộ mở rộng quyền điều tra cho 3 cơ quan đặc thù trên như ý kiến của ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình). Theo ông, tội phạm có xu hướng gia tăng, để đấu tranh thì yêu cầu có lực lượng chuyên môn, am hiểu các lĩnh vực mới, đảm bảo chặt chẽ tránh oan sai.

"Không sợ tăng biên chế. Cũng là chức năng nhiệm vụ như vậy, con người ấy, nhưng về mặt danh chính giao cho người ta tiến hành một số hoạt động điều tra. Nguyên tắc là phân công rành mạch, kiểm soát chặt chẽ", ông Phương nói.

Sợ công an xã non chuyên môn

Quy định dự thảo cho phép thêm thẩm quyền điều tra cho công an xã phường cũng nhiều ý kiến trái chiều. Ông Nguyễn Đức Chung đưa ra một ví dụ thực tế 55-62% tội phạm bắt giữ ban đầu do công an cấp phường xã bắt. Nếu không giao thêm thẩm quyền, ông lo ngại tình huống công an huyện ở xa có đến hiện trường cách 50-70km thì phải có công an xã bảo vệ hiện trường.

CLIP GIÁM ĐỐC CÔNG AN HN NGUYỄN ĐỨC CHUNG PHÁT BIỂU:

Đặc biệt khi tội phạm, nạn nhân hấp hối, xin cung thì công an xã có thể thu thập thông tin. Tướng Chung không lo lắng oan sai từ nghiệp vụ của công an xã bởi công an xã hàng năm đều phải đào tạo. Theo ông nên phân công cho họ một số quyền hạn trách nhiệm trong việc bảo vệ hiện trường, xin cung…

"Việc có án oan hay không là do trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bồi dưỡng trình độ", ông Chung nói.

ĐB Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cũng cho rằng đây là lực lượng ở cơ sở, gần dân, sát dân, phải thực hiện nhiệm vụ nặng nề do các cấp cơ quan giao, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã phường, thị trấn hay các đồn, nên sự việc ban đầu hầu hết người dân đến gặp đơn vị này.

Trái lại, ông Nguyễn Đình Quyền chỉ ra một số vụ án hiện nay do sự đảo lộn hiện trường vụ án dễ dẫn đến oan sai khủng khiếp. ĐB La Ngọc Thoáng, Trưởng đoàn Cao Bằng, lo "công an xã chuyên môn non, đào tạo chưa đến nơi đến chốn", trong khi ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) thấy công an xã chỉ có lực lượng bán chuyên trách.

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Công Hồng cũng đồng tình hoạt động điều tra đụng chạm đến quyền con người, tính mạng con người, sinh mạng chính trị, người điều tra phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hoá.

C.Hoàng - H.Nhì - T.Hằng - T.Lý - L.A.Dũng - X.Quý