- GS Nguyễn Minh Thuyết lưu ý, việc cho phép tất cả các tổ chức hưởng ngân sách nhà nước từ cấp tỉnh trở lên đều được thành lập cơ quan báo chí cần kèm điều kiện "không sử dụng ngân sách" để tránh tình trạng xin ra báo rồi “bán cái” cho tư nhân.

Chiều nay, Thường trực UB Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH tổ chức phiên họp mở rộng cùng các chuyên gia báo chí và ban soạn thảo góp ý dự thảo luật Báo chí.

{keywords}
GS. Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh:  Đinh Tuấn

GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UB nhận xét quy định về đối tượng thành lập cơ quan báo chí của dự luật lần này cởi mở hơn so với luật hiện hành. Tuy nhiên ông cũng lưu ý, việc cho phép tất cả các tổ chức hưởng ngân sách nhà nước từ cấp tỉnh trở lên đều được thành lập cơ quan báo chí cần kèm điều kiện “không sử dụng ngân sách”.

“Như vậy mới tránh được tình trạng phát triển số lượng báo chí nhưng không đảm bảo chất lượng, gây lãng phí ngân sách hoặc xin ra báo rồi 'bán cái' cho tư nhân như tình trạng nhiều nhà xuất bản hiện nay”, ông Thuyết nhấn mạnh.

Quản đến cấp phó thì không xuể

GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng ghi nhận dự luật lần này bỏ 10/40 thủ tục hành chính là một cố gắng không nhỏ nhưng vẫn còn 30 thủ tục.

Vì vậy, ông đề nghị bỏ một số thủ tục xin phép, cấp phép. Thay vào đó cần quy định việc phát triển sản phẩm báo chí của các cơ quan báo chí không lấy kinh phí từ ngân sách. “Quy định cơ quan chịu trách nhiệm cung cấp thông tin chính thức cho báo chí như TTXVN cũng phải xin phép xuất bản bản tin thông tấn thì việc thành lập TTX không còn ý nghĩa”, ông Thuyết nói.

{keywords}
Đại biểu QH Dương Trung Quốc

ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, dự thảo luật lấp được nhiều khoảng trống về quản lý nhưng chưa tạo hành lang thúc đẩy báo chí phát triển.

Lấy ví dụ ngay bản thân ông làm Tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay đã 21 năm nhưng nếu chiếu theo tiêu chuẩn Tổng biên tập như dự luật quy định thì “tôi vi phạm khá nhiều”.

“Chúng ta tạo ra quy định quản rất chặt nhưng thật ra quản không nổi. Gần cả ngàn tờ báo mà chúng ta đi quản từ cấp phó thì làm sao quản nổi. Nếu quản như thế chỉ tăng xin cho, tưởng quản tốt nhưng hóa ra không tốt”, ông phân tích.

Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến cũng nhấn mạnh: “Làm sao để luật Báo chí không phải luật quản lý báo chí. Chúng ta cố gắng hài hòa các nội dung, không chỉ quản lý mà còn tạo điều kiện cho báo chí phát triển”.

Không thể mỗi địa phương 1 ông chủ

Góy ý về quy định cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Phó Tổng giám đốc Đài tiếng nói VN (VOV) bày tỏ không đồng tình với ý kiến ĐBQH cho rằng “nhà phải có chủ, địa phương phải là cơ quan quản lý báo".

“Chủ ở đây là đất nước. Không có chuyện mỗi địa phương có 1 ông chủ. Tôi đồng ý là quản lý báo chí phải là Bộ TT&TT, các địa phương chỉ là đơn vị phối hợp”, ông nói.

Ông cũng đề nghị nên quy định chung nội dung thanh tra báo chí với xử lý vi phạm báo chí thành 1 điều. Việc này cũng nên giao một đầu mối là Bộ TT&TT còn phân cấp cho các sở TT&TT như thế nào là do Bộ phân cấp. Còn như hiện nay cơ quan nào phạt báo chí cũng được.

GS. Trần Ngọc Đường cũng bày tỏ mong muốn cơ cấu lại các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan xài tiền ngân sách để làm thế nào bớt lãng phí, không chỉ của Nhà nước, của nhân dân mà còn lãng phí  cho cả xã hội.

“Hồi tôi còn là ĐBQH tôi từng rất băn khoăn 1 đất nước 63 tỉnh thành lại có 63 đài truyền hình phát thanh mà chủ yếu để chiếu phim nước ngoài”, ông kể.

Liên quan đến việc tiết lộ nguồn tin, nhiều ý kiến đề nghị quy định chỉ chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên mới có quyền yêu cầu cơ quan báo chí, nhà báo tiết lộ nguồn tin cho việc xét xử tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Thu Hằng