Ngày thứ 12 Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Chỉ thị 17 của Chủ tịch thành phố vẫn có không ít người bị xử phạt vì việc ra đường không có lý do chính đáng. Nếu như ngày đầu thực hiện giãn cách, lực lượng chức năng còn nhắc nhở thì nay buộc họ phải xử phạt. Phạt là nhân văn bởi ý thức tuân thủ pháp luật quá kém, việc tuyên truyền, phổ biến đã được thực hiện đồng bộ, nhiều tuyến phố vắng hơn sớm mùng một Tết chính là do tuyệt đại đa số người dân đã nghiêm chỉnh chấp hành. Phạt là còn bởi bảo vệ cho chính những người vi phạm, ngăn họ ra đường là chặn nguy cơ lây nhiễm, là bảo vệ cả cộng đồng, không để xảy ra tình trạng “một người lơ là, cả xã hội vất vả” trong phòng, chống dịch Covid-19. 

Mới đây, lực lượng chức năng của quận Hoàn Kiếm đã phát hiện,chỉ đạo xử phạt 9 trường hợp có hành vi trốn tránh các chốt kiểm soát trên địa bàn phường Phúc Tân như leo vào, ra qua đê nhận đồ mỗi người 2 triệu đồng. 

{keywords}
Một trường hợp ra đường không lý do chính đáng bị lập biên bản. Ảnh: Đoàn Bổng

Không chỉ vậy, trong 12 ngày thực hiện giãn cách, lực lượng chức năng đã xử phạt hàng nghìn trường hợp vi phạm phòng chống dịch với các hành vi như không đeo khẩu trang nơi công cộng, tập trung đông người nơi công cộng, ra khỏi nhà khi không cần thiết…

Những trường hợp trên khiến chúng ta nhớ đến lời nhắc nhở của Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng “một người lơ là, cả xã hội vất vả” khi ông phát biểu trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 hồi tháng 5 vừa qua. 

Thủ tướng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nhấn mạnh việc xem xét kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện không đúng các quy định trong phòng chống dịch, để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. 

Trước đó, đã có không ít những trường hợp như vậy. Có thể kể đến, bệnh nhân số 2899 tại Hà Nam đã không tuân thủ quy định cách ly tại nhà, vẫn tiếp xúc với người khác để dịch bệnh lây lan cho nhiều người. Trường hợp hai vợ chồng (người bệnh 3633 và 3634) tại Hà Nội đã không khai báo y tế theo quy định, làm lây lan bệnh cho ba người. Nhiều nơi ở Hà Nội đã bị tạm phong tỏa vì liên quan hai người bệnh nêu trên. Cơ quan chức năng cho rằng, đây là một trong những trường hợp điển hình không tuân thủ các quy định của ngành y tế  dẫn đến lây nhiễm Covid-19 tại cộng đồng. 

Còn nhiều vi phạm khác như đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam; trốn khỏi các khu cách ly tập trung; không tuân thủ quy định cách ly tại nhà; không thực hiện khai báo y tế hoặc khai báo gian dối...đã bị cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn, xử lý. 

Không thể lơ là, ai ở đâu hãy ở đó

Đợt dịch thứ tư từ cuối tháng 4/2021 đến nay diễn biến rất phức tạp trên cả nước  với nhiều trường hợp chưa xác định được nguồn lây, nhiều ca F0 tiềm ẩn trong cộng đồng. 

Trước diễn biến xấu của dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, cụ thể để chặn dịch. Tuy nhiên, trong nhiều văn bản và đặc biệt là nhiều lần phát biểu chỉ đạo, người đứng đầu Chính phủ luôn nhấn mạnh đến sự tự giác của người dân. Ông cũng như nhiều lãnh đạo các cấp coi sự tự giác, gương mẫu chấp hành quy định của người dân là giải pháp quan trọng hàng đầu trong phòng, chống dịch Covid-19. Vì thế, chủ trương mỗi người dân phải là một “chiến sĩ”, mỗi gia đình là một “pháo đài” chống dịch luôn luôn được đề cao. 

Hà Nội đã triển khai các biện pháp quyết liệt, kịp thời, linh hoạt. Trong đó, từ 6h ngày 24/7, toàn thành phố bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. 

{keywords}
Biển thông báo "vùng xanh" an toàn được đặt trước các ngõ, ngách phường Mai Động. Ảnh: Phạm Hải

Mặc dù nhiệm vụ đặt ra còn rất khó khăn, nhưng những ngày qua, biện pháp này đã phát huy hiệu quả giúp Hà Nội vừa kiềm chế đà lây lan của dịch, vừa bóc tách hiệu quả các F0 tiềm ẩn ra khỏi cộng đồng.

Đây là kết quả chung nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân. Đặc biệt, các lực lượng tuyến đầu với vai trò nòng cốt trên các “mặt trận” có đóng góp rất lớn. 

Trong thời gian rất ngắn, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ công an, quận đội, y, bác sĩ, điều dưỡng; lực lượng dân quân, tự vệ; đoàn viên, hội viên hội cựu chiến binh, các tình nguyện viên; các cấp ủy viên chi bộ, cán bộ tổ dân phố, thôn, xóm tham gia các tổ Covid-19 cộng đồng... đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ vận hành nhuần nhuyễn hệ thống phòng, chống dịch quy mô lớn bất kể ngày đêm, tình hình thời tiết.

Không chỉ vậy, nhiều nơi, các lực lượng tuyến đầu còn phát huy tinh thần sáng tạo, tổ chức nhiều cách làm hay, tham mưu những mô hình hiệu quả, tiêu biểu như “3 trước” trong chuẩn bị, “3 lớp” trong cách ly ở huyện Đông Anh; thiết lập các “vùng xanh” an toàn ở quận Hoàng Mai.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, để tiếp tục thực hiện tốt giãn cách xã hội, các cấp, các ngành phải xác định tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, tiếp tục coi đây là nhiệm vụ ưu tiên số 1.

Nhấn mạnh cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 còn lâu dài, càng lúc càng khó khăn, theo Bí thư Hà Nội, các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở phải quán triệt quan điểm coi người dân là trung tâm. Bởi không có sự ủng hộ của nhân dân thì mọi chủ trương, chính sách, biện pháp đều không thể thành công.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng chỉ đạo, cấp ủy Đảng, chính quyền toàn thành phố cần nhanh chóng triển khai, tổ chức phổ biến và thiết lập các “vùng xanh” ở địa bàn dân cư. Trong đó, cần hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định “vùng xanh”, cách thức tổ chức cho người dân tự quản lý.

Cần giao cho tổ Covid-19 cộng đồng làm nòng cốt, trên cơ sở đó tập hợp, huy động người dân tham gia lập chốt, bố trí trực bảo vệ 24/24 giờ; tuyên truyền, vận động để mỗi người dân thực sự là một “chiến sĩ”, mỗi gia đình là một “pháo đài” chống dịch... 

Mặt trận phòng chống dịch Covid-19 là một trận tuyến kết nối từ hệ thống chính trị đến toàn dân. Mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân là một mắt xích xung yếu cần luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phòng chống dịch bệnh. Bất kì một trong những mắt xích xung yếu lơ là, hậu quả phức tạp có thể xảy ra.

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, với những nòng cốt là lực lượng tuyến đầu, các lực lượng hỗ trợ và sự chung sức, đồng lòng, chấp hành nghiêm của nhân dân, thành phố Hà Nội chắc chắn sẽ đẩy lùi và chiến thắng đợt bùng phát dịch lần này.

Hương Quỳnh

Một người vi phạm, công sức chống dịch đổ sông đổ biển

Một người vi phạm, công sức chống dịch đổ sông đổ biển

Hà Nội bước sang ngày giãn cách thứ 11, nhiều lực lượng đang chạy đua 24/24 để kiểm soát, dập dịch nhưng vẫn còn những trường hợp ra đường không có lý do cần thiết bị xử phạt, dù số vi phạm đã giảm nhiều.