Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong thời gian từ nay đến Đại hội Đảng 12, không để người dân khiếu kiện vượt cấp, đông người, lên Hà Nội và TP.HCM.

Nếu có các vấn đề phức tạp xảy ra, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng chủ động giải quyết.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu này tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thanh tra năm 2015 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016, tổ chức sáng nay tại Hà Nội. 

Phó Thủ tướng đánh giá ngành chuyển biến rõ rệt trong công tác thu hồi, phát huy được vai trò nòng cốt trong công tác tiếp dân với việc xử lý nhiều tình huống nhạy cảm; đôn đốc thực hiện có hiệu quả luật Tiếp công dân; tiếp tục rà soát và chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu kiện kéo dài, phức tạp tại các địa phương.

Ngành cũng đã giải quyết bức xúc của nhân dân, tạo ổn định trong nhân dân, góp phần quan trọng trong việc tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp; có sự phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội tham gia lắng nghe ý kiến và xử lý vụ việc thấu tình đạt lý nhất.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những yếu kém, bất cập mà ngành cần khắc phục trong thời gian tới.

Đó là, việc kết luận các vụ việc thanh tra còn chậm, xử lý sau thanh tra và thu hồi tiền và tài sản vi phạm còn ít; công tác tiếp công dân hiệu quả chưa cao, xử lý đơn thư còn lòng vòng, chậm trễ.

{keywords}
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao, tổ chức bộ máy còn nhiều bất cập; chưa phát huy hiệu quả quản lý nhà nước thông suốt từ trên xuống dưới, xây dựng ngành chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; đạo đức tác phong của cán bộ còn một số mặt yếu, còn có cán bộ thanh tra vi phạm kỷ luật...

Thanh tra đơn thư nặc danh

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2016, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngành thanh tra cần tập trung nghiên cứu, giải quyết các vấn đề lớn đang đặt ra trong thời gian tới như thanh tra hành chính, thanh tra việc khiếu kiện, đơn thư nặc danh và phòng chống tham nhũng...

Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ để giải quyết có hiệu quả các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành cần thực hiện tốt kế hoạch thanh tra định kỳ, thanh tra đột xuất gắn với việc tập trung vào các vấn đề nóng bỏng mà xã hội đặt ra như thanh tra đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản; kiến nghị sửa đổi những bất cập của cơ chế, chính sách.

Triển khai nghiêm túc và hiệu quả công tác tiếp công dân từ cấp xã đến cấp tỉnh, các bộ đã được luật Tiếp công dân quy định, để tâm tư, kiến nghị, phản ánh của công dân đến được các cấp thẩm quyền; không để xảy ra điểm khiếu kiện đông người.

Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng tạo chuyển biến tích cực, đem lại niềm tin trong nhân dân; cần nâng cao chất lượng, hiệu quả các kết luận và kiến nghị của thanh tra...

Báo cáo tổng kết công tác năm 2015 của ngành thanh tra do Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh cho biết năm 2015, tỉ lệ kê khai tài sản, thu nhập đạt trên 99%, nhưng chỉ phát hiện 5 người kê khai không trung thực, đã tiến hành xử lý 2 người. Tương tự như vậy, chỉ có 29 người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Theo TTXVN, VGP