- Không được nhận lương từ nhiều tháng nay, hàng loạt công nhân nhà máy luyện cán thép Gia Sàng (Thái Nguyên) lãn công đòi quyền lợi.

6 tháng làm việc không được trả lương

Không được trả lương từ nhiều tháng nay, hàng loạt công nhân của Cty CP luyện cán thép Gia Sàng (Thái Nguyên) đình công vào ngày 29/12/2012 để yêu cầu lãnh đạo công ty thanh toán các khoản nợ và thực hiện quyền lợi cho người lao động.

Công nhân Cty luyện cán thép Gia Sàng bãi công vì 6 tháng nay công ty không trả lương.
 

Trước đó, ngày 25/12, một cuộc đình công khác cũng đã xảy ra do một nhóm khá đông các công nhân làm việc tại phân xưởng cán thép thực hiện.

Theo phản ánh, nguyên nhân của các vụ đình công này là do doanh nghiệp đã nợ lương công nhân từ nhiều tháng nay. Rất nhiều gia đình các công nhân lâm vào cảnh khốn đốn, cùng quẫn vì không có thu nhập.

Anh Đỗ Đình Mẫn, công nhân phân xưởng cán thép bức xúc: Từ tháng 6 đến nay gần nửa năm trời, nhà máy nợ lương công nhân. Khi chúng tôi đấu tranh yêu cầu trả lương, vì đấy là thu nhập cả gia đình chúng tôi trông mong vào, công ty mới tạm ứng cho anh em tháng 8 mỗi người được 1 triệu đồng. Thử hỏi, ngần ấy thời gian, chúng tôi lấy tiền đâu để nuôi gia đình, tái sản xuất sức lao động?”.

Đáp lại những đòi hỏi của đông đảo công nhân là sự né tránh của lãnh đạo nhà máy.

Anh Đỗ Quang Anh (công nhân bậc 6, phân xưởng cán thép) bức xúc: tôi là lao động lâu năm có tay nghề cao của công ty, nhưng cũng không thường xuyên có việc. Kiến nghị lên thì chỉ nhận được câu trả lời: công ty đang ở giai đoạn khó khăn nên mọi người chia sẻ. Đã thế, chúng tôi còn nhận lãnh đạo nhà máy khuyến khích “nghỉ hưu sớm” để… giảm biên chế.

Tuy nhiên, trớ trêu nhất, những người có đơn “nghỉ hưu sớm” theo vận động của công ty lại không được giải quyết chế độ. Họ còn được nhà máy vận động đi làm thêm hưởng theo công nhật.

“Nhà máy trả công theo sản phẩm. Có người, một ngày chỉ nhận được vỏn vẹn chưa đầy 30 ngàn đồng/ngày, không bằng tiền công của lao động bốc vác!”. – anh Anh cho hay.

Cùng đợt “nghỉ hưu sớm” như anh Quang Anh, có 22 công nhân khác cùng phân xường cán thép. Hơn một tháng trôi qua, tất cả những công nhân này đều không được giải quyết chế độ như đã hứa.

Hàng trăm công nhân không có tết

Trong cái giá lạnh của những ngày cuối năm, hàng trăm công nhân vô vọng đình công trước cổng nhà máy. Tuy nhiên, đáp lại sự mòn mỏi của họ là sự im ỉm của khu nhà làm việc của ban lãnh đạo, không ai có mặt dù hôm nay nhà máy vẫn vận hành.

Theo phản ánh của các công nhân, tình trạng nợ lương, không đóng bảo hiểm xã hội, không giải quyết chế độ ốm đau, bệnh tật… của công nhân nhà máy thép Gia Sàng đã xảy ra từ rất lâu. Khi công nhân đấu tranh, lãnh đạo nhà máy mới “xuống nước” tạm ứng cho mỗi người được một triệu đồng.

Anh Đỗ Đình Mẫn (Phân xưởng cán thép) - một trong nhiều công nhân chịu chung số phận được lãnh đạo nhà máy vận động "về hưu non" nhưng quyền lợi không được giải quyết.
 

“Nhà máy thép Gia Sàng là đơn vị mạnh có bề dày thành tích nhiều năm nay, là mũi nhọn của Khu gang thép Thái Nguyên. Chưa bao giờ chúng tôi lại nghĩ sẽ có ngày nhà máy làm ăn thua lỗ như vậy” – công nhân Nguyễn Việt Dũng xót xa.

Rất nhiều đơn kiến nghị tập thể của công nhân gửi đến lãnh đạo Nhà máy Théo Gia Sàng, thế nhưng, câu trả lời vẫn là sự chờ đợi.

“Ông Lê Văn Lợi, TGĐ công ty nói với chúng tôi rằng, khi nào có tiền nhà máy sẽ trả lương, BHXH, tiền chế độ đau ốm, tai nạn lao động cho công nhân. Thế nhưng, 6 tháng trôi qua chúng tôi cũng chỉ nhận được mỗi lời hứa suông như vậy” – anh Dũng chua xót.

Trước thực trạng hiện tại, hàng trăm công nhân của Nhà máy thép Gia Sàng đang đối mặt với việc, gia đình họ năm nay sẽ không có tết!

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Văn Lợi – TGĐ luyện cán thép Gia Sàng thừa nhận: “Có thực tế trên, việc công ty nợ lương công nhân vì lý do khách quan công ty làm ăn không hiệu quả, thua lỗ. Có việc chúng tôi không đóng BHXH nhưng đó là việc chúng tôi xin khất nợ với BHXH tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi sẽ đóng khi có tiền. Số tiền nợ BHXH của Cty là hơn 1,6 tỷ đồng, chúng tôi sẽ thanh toán sau. Tiền lương công nhân, tiền trợ cấp mất việc, BHXH, tiền ốm đau… của công nhân chúng tôi cũng sẽ thanh toán khi có tiền…”.

Về câu hỏi nguyên nhân khiến nhà máy liên tục làm ăn thua lỗ, ông Lợi cho hay: Vì lý do khách quan, công nghệ vận hành nhà máy từ những năm 70 đến nay đã lạc hậu, chi phí đầu vào của sản xuất tăng (giá điện, giá dầu…) nên khấu hao lớn.

Về chất vấn của nhiều công nhân trong phòng làm việc của ông Lợi vào chiều ngày 29/12, việc có hay không nhà máy cố tình làm ăn thua lỗ để lấy đất của nhà máy xâu khu trung tâm thương mại, ông Lợi cho biết sẽ trả lời trong dịp khác.

Kiên Trung