- Bộ trưởng Hà Hùng Cường kể tình huống, thừa phát lại đến xác minh một tài khoản hôm nay có tiền nhưng mai lại hết. Nếu là cơ quan thi hành án chắc không khổ thế.

Tại hội nghị tổng kết về việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) của Bộ Tư pháp tổ chức sáng nay, hầu hết các ý kiến đều đề nghị mở rộng thực hiện TPL trong phạm vi toàn quốc.

{keywords}
Hội nghị Tổng kết thí điểm thừa phát lại sáng nay

Bốn công việc: tống đạt văn bản theo yêu cầu của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng (ghi nhận các giao dịch, thỏa thuận, ghi nhận lời khai của nhân chứng, ghi nhận việc bàn giao tài sản….); xác minh điều kiện thi hành án; trực tiếp tổ chức thi hành án, lẽ ra do các cơ quan tiến hành tư pháp: tòa, viện kiểm sát, thi hành án thực hiện.

Tuy nhiên, nâng cao tính độc lập, khách quan trong tố tụng theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, Chính phủ thực hiện thí điểm thừa phát lại tại 13 tỉnh thành.

Theo đó các văn phòng TPL (nằm ngoài hệ thống tố tụng) sẽ thực hiện cả bốn công việc trên thay cho các cơ quan tố tụng.

Vẫn ở thế bị động

Ông Hoàng Sỹ Thành, Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự cho biết đến nay, các địa phương thí điểm đã thành lập 53 văn phòng TPL (riêng TP.HCM có 11 văn phòng) với 643 cán bộ. 

Qua thí điểm hoạt động, các văn phòng TPL đã thu về 119 tỷ đồng, hỗ trợ tích cực cho tòa án và thi hành án dân sự, nâng cao vị thế độc lập của thẩm phán và thư ký tòa. 

“TPL đã giúp giảm tải công việc cho các cơ quan nhà nước, bớt gánh nặng cho ngân sách, góp phần tinh giản biên chế. Đây còn là cơ chế để người dân, xã hội tham gia sâu hơn vào quá trình quản lý xã hội”, ông Thành nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng nhiều bất cập như việc xác minh điều kiện để thi hành án qua tài khoản có rất nhiều rào cản.

“Tôi nghe nói, TPL đến xác minh một tài khoản hôm nay có tiền nhưng mai lại hết. Nếu là chấp hành viên (cơ quan thi hành án) thì chắc không phải thế, nhưng TPL thì khổ như vậy”, ông Cường dẫn chứng và cho rằng TPL hiện đang ở thế rất bị động. 

Cần luật hóa

Qua thí điểm tại 13 tỉnh thành, Chính phủ kiến nghị mở rộng thực hiện TPL tại các địa phương có số lượng án xét xử lớn và thi hành án nhiều. Về lâu dài, để tạo cơ sở pháp lí thực hiện có hiệu quả TPL và để cho các hoạt động của TPL “danh chính ngôn thuận”, Chính phủ đề nghị nghiên cứu, xây dựng luật TPL trình QH cho ý kiến trong năm 2016 và thông qua năm 2017.

Ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, một trong các giải pháp đột phá trong cải cách tư pháp là xây dựng cơ chế cho phép các cơ quan thi hành án dân sự được chuyển đổi thành các văn phòng TPL cũng như cơ chế khuyến khích các chấp hành viên hành nghề TPL.

Ngoài ra, ông Cang cũng đề nghị mở rộng phạm vi cho phép TPL được tống đạt tất cả các văn bản, giấy tờ của các cơ quan tiến hành tố tụng thay vì chỉ một số văn bản như hiện nay. Tổng đạt văn bản, giấy tờ của các cơ quan hành chính trong những trường hợp đòi trình tự, thủ tục chặt chẽ như: thu hồi đất, bồi thường, cưỡng chế, xử lí vi phạm hành chính.

Ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án tòa tối cao cũng cho rằng hằng năm, tòa có đến 600 ngàn văn bản, giấy tờ cần tống đạt mà hiện nay số văn phòng TPL còn quá ít nên việc tống đạt văn bản còn nhiều khó khăn. 

Thu Hằng