- Không nên lầm lẫn giữa chính sách đãi ngộ xứng đáng với phân biệt đối xử. Không nên hạn chế nhu cầu đối với người có điều kiện. Kinh tế thị trường là vậy.

Mấy hôm nay tôi thấy rộ lên ảnh chụp và dư luận bàn tán về chuyện giá cả "khám giáo sư, khám phó giáo sư" tại một bệnh viện công ở Hà Nội. Hầu hết các ý kiến đều lên án việc này và cho rằng có sự phân biệt đối xử với bệnh nhân trong khi bệnh viện hoạt động từ nguồn tiền thuế của dân.

Tôi không tham gia tranh luận mà chỉ xin giới thiệu ở đây một hiện thực mà tôi tận mắt chứng kiến ở Pháp và ý nghĩa phương pháp luận của vấn đề cũng như các điều kiện bắt buộc để thực hiện.

Ở bất cứ bệnh viện công nào tại Paris, người ta cũng có chế độ đãi ngộ đặc biệt cho giáo sư. Chẳng hạn khi bạn vào BV Nhi đồng lớn nhất nước Pháp là Necker - Enfants Malades, ngay tại phòng chờ khám bạn sẽ thấy ngay bảng giá khám bệnh: Bác sĩ, 23 euro/lần khám, giáo sư: 120 euro/lần khám.

Kèm theo đó là các ghi chú dặn dò kỹ lưỡng: Khi khám bởi giáo sư, điều đầu tiên bạn phải xuất trình cho thư ký của ông ta (bác sĩ không có thư ký riêng) các loại bảo hiểm mà bạn có để ông ta tính toán cho thuốc vì, giáo sư có quyền ra toa các loại thuốc đắt tiền, ngoài danh mục, bảo hiểm có thể khước từ chi trả.

{keywords}

Bệnh viện Necker - Enfants Malades, Pháp

Có sự bất công và phân biệt đối xử ở đây không? Không. Bác sĩ có quyền khám bệnh là người được đào tạo đúng chuẩn, được công nhận bởi y sĩ đoàn và trải qua quá trình tuyển chọn ngặt nghèo của bệnh viện.

Bệnh viện công nào cũng muốn thứ hạng cao về chất lượng điều trị. Trong quá trình khám, điều trị, nếu có vấn đề gì phức tạp, bác sĩ sẽ mời giáo sư cùng khám hoặc hội chẩn, tham vấn gì gì đó. Khi đó, chẳng có thêm tiền bạc gì nữa vì là nghĩa vụ, trách nhiệm của giáo sư.

Nhưng nếu vì lý do gì đó, bạn muốn yêu cầu giáo sư A, B khám thì bạn phải chấp nhận khoản chênh lệch nói trên. Nếu không, thì có ai muốn bác sĩ khám?

Vấn đề tài chính được giải quyết thế nào? Rất đơn giản, người ta đã phổ cập BHXH đến toàn dân và hầu như ai đến bệnh viện cũng đều có thẻ bảo hiểm (carte vitale).

Và, cũng giống như ở ta, bảo hiểm chỉ chi trả 70%, người bệnh phải có nghĩa vụ đồng chi trả phần còn lại. Như vậy, để tránh phần đồng chi trả có thể lên rất cao khi nằm viện, các tổ chức bảo hiểm tương trợ ra đời thường gọi tắt là Mutuel, bạn có thể mua thêm mutuel và không phải trả gì nữa.

Tùy theo loại, mức mà mutuel sẽ chi trả chẳng những 30% còn lại mà còn chấp nhận cho bạn quyền lựa chọn khám bởi giáo sư.

Tôi thấy, nhiều người đến bệnh viện có 5-6 loại thẻ, nghĩa là ngoài mutuel ở mức độ bình thường, họ còn mua thêm phần bảo hiểm nằm phòng VIP nhất, có thêm người phục vụ riêng v.v... Họ cứ thế móc ra đưa hết cho thư ký giáo sư để cô thư ký tính toán tiêu chuẩn của họ.

Các hãng bảo hiểm ở VN cũng đã triển khai các loại hình này nhưng nhiều người chưa biết, chưa quan tâm hoặc mức phí còn cao quá nên chưa phổ cập?

Chưa hết, khi đạt được chức giáo sư, tùy theo bệnh viện mà chế độ đãi ngộ còn cao hơn. Để giữ chân giáo sư chuyên gia đầu ngành ở bệnh viện mình, người ta có thể cho ông ta 5-10 giường kinh doanh như clinique tư trong BV công, nghĩa là, sau khi trừ chi phí các loại, phần còn lại là của ông ta. Ông yên tâm khỏi phải chạy đi chỗ khác, chạy thoát ra bệnh viện tư hoặc tự mở bệnh viện đầy rủi ro kinh doanh. Ông ta có quyền nhận bệnh theo yêu cầu, tiếp bệnh nhân không đúng tuyến v.v...

Đến đây thì có thể rút ra như sau: Không thể đánh đồng thời gian đào tạo, kinh nghiệm, quá trình nghiên cứu khoa học và vị trí xã hội nghề nghiệp, tầm vóc quốc gia hoặc quốc tế của chuyên gia này với chuyên gia hoặc chuyên viên nọ.

Nói thêm về đào tạo. Một cách tổng quát, để vào trường y các sinh viên phải qua một năm dự bị ghi danh để học các kiến thức cơ bản về sinh lý, sinh hóa... rồi thi tuyển ngặt nghèo và trải qua phỏng vấn để đánh giá tố chất có thể theo đuổi ngành y mà ta hay gọi văn hoa là từ mẫu gì gì đó cho nó trơn miệng, trong thực tế mang tính khẩu hiệu.

Vì sao phải dự bị? Vì nếu cứ lấy kiến thức tú tài phổ thông ai cũng như ai mà chọn thì không chính xác lắm, cần phải dựa trên một cái nền kiến thức bổ sung liên quan đến chuyên ngành một chút. Tôi có người bạn, BS NP Bửu Kim, có con gái thi vào ĐH Y Créteil Paris năm 1998. Năm đó anh nói với tôi: 1.500 đứa thi mà chỉ lấy 80. Không biết nó vào nổi không, mà nó là đầm đó chứ không phải ngoại quốc. Đủ thấy, việc tuyển chọn gắt thế nào.

Sau khi trúng tuyển, đến hết năm ba thì tất cả trải qua kỳ thi nội trú. Ai trúng tuyển sẽ ở hẳn nội trú làm việc vất vả. Nhưng cả khóa cùng học chung đến năm thứ 9. Những bác sĩ nội trú sau đó mới được đi tiếp chuyên khoa, thêm 2 năm nữa. Những bác sĩ ngoại trú thì ra trường trở thành bác sĩ đa khoa.

Trở thành bác sĩ chuyên khoa rồi, họ ở lại bệnh viện tiếp tục sự nghiệp khám chữa bệnh, phẫu thuật và nghiên cứu. Nhiều năm nữa tùy thành tích nghiên cứu mà BV - Trường bầu họ làm giáo sư. Không phải do nhà nước phong mà do tài năng thật sự của họ. Và giáo sư là giáo sư cụ thể của BV - Trường nào chứ không phải chung chung. Khi không được phong thì mọi chuyện khó hơn nhiều và không chạy được!

Tóm lại, không nên lầm lẫn giữa chính sách đãi ngộ xứng đáng với phân biệt đối xử. Không nên hạn chế nhu cầu đối với người có điều kiện. Kinh tế thị trường là vậy. Vấn đề là phải đảm bảo chuẩn rõ ràng trong đào tạo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội. Ai muốn thụ hưởng mức chăm sóc vượt chuẩn chung thì chịu khó bỏ tiền ra nhiều hơn.

Thiếu một trong những điều kiện cơ bản dứt khoát sẽ nảy sinh bức xúc xã hội.

Nhưng đồng thời phải nhớ một trong những giá trị cộng hòa và dân chủ quan trọng nhất là bình đẳng trên tinh thần hữu ái xã hội, chứ bình đẳng không có nghĩa là cào bằng, ai cũng như ai.

Thẩm Tuyên từ Paris, Pháp

Ngành y tế... thật đáng thương