UBND TP Hà Nội áp dụng biện pháp cách ly xã hội toàn thành phố trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đây là lần thứ hai Thủ đô Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội (lần đầu tháng 4/2020). 

Hơn hai năm sống trong điều kiện dịch bệnh, người dân và chính quyền các cấp ở Hà Nội tích lũy nhiều kinh nghiệm và bài học cũng như sự chia sẻ để vì mục tiêu chung sớm đẩy lùi dịch bệnh. 

Nằm trong con ngõ của phường Mỹ Đình 1, tòa chung cư với cả trăm cư dân sinh sống đang thực hiện việc giãn cách xã hội của thành phố. Là đầu mối tiếp nhận các thông tin của cư dân tại đây, bà Phương tất bật với việc ghi chép, nắm bắt những người có lịch sử dịch tễ đi qua các tỉnh thành trong những ngày vừa qua. 

{keywords}
Lực lượng công an phường tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm sau khi Hà Nội thực hiện lệnh giãn cách xã hội

"Tất cả những người di chuyển từ các địa phương, đặc biệt là các tỉnh là vùng dịch sẽ chủ động liên hệ khai báo với tôi, sau khi tổng hợp danh sách, tôi chuyển toàn bộ lên UBND cấp phường để có phương án xử trí. Trước đây, tòa chung cư của chúng tôi cũng có trường hợp là F2, tuy nhiên do có sự chủ động khai báo nên các trường hợp trong diện nguy cơ đều được hướng dẫn chi tiết, hỗ trợ kịp thời về việc phòng chống dịch", bà Phương nói. 

Nhận tin Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người dân bày tỏ sự ủng hộ biện pháp kịp thời này của UBND thành phố. Chị Nguyễn Thị Thanh Nga (33 tuổi, phường Phú Đô, Nam Từ Liêm) chia sẻ: "Tôi chủ yếu kinh doanh bán hàng online nên dịch bệnh tác động khá lớn đến đời sống gia đình. Mỗi ngày thức dậy thấy số ca nhiễm Covid-19 của Hà Nội tăng lên khiến tôi khá lo lắng và thấy việc thực hiện giãn cách thời điểm này là phù hợp".

Theo chị Nga, thời gian ở nhà, chị chăm sóc con cái, các nhu yếu phẩm cần thiết được bố mẹ ở quê gửi xe khách xuống từ trước, đủ dùng trong vòng 10 ngày. 

"Vì từ quê ra Hà Nội làm việc nên nguồn chu cấp về lương thực của gia đình tôi khá dồi dào. Cũng vì thế nên tôi khá yên tâm khi hạn chế tối đa việc phải ra đường mua sắm", chị Nga nói. 

{keywords}
Chốt phòng dịch được các phường tại Hà Nội thực hiện và mang lại hiệu quả 

Anh Lê Hồng Quân (34 tuổi, nhân viên kỹ thuật) cũng cho rằng, việc giãn cách xã hội là cần thiết, không để dịch mất kiểm soát. Thời gian ở nhà, anh vừa tranh thủ làm việc từ xa và có thêm thời gian để dạy học và trò chuyện với các con. 

"Bài học từ các nước trên thế giới và ngay chính trong nước ta hiện nay cho thấy nếu chủ động trong các biện pháp chống dịch thì sẽ hạn chế tối đa thiệt hại về người và tiền bạc. Trong thời gian giãn cách, tôi chọn làm việc tại nhà, các việc chi tiêu trong gia đình chúng tôi tiết kiệm lại để cố gắng đảm bảo qua thời gian khó khăn này", anh Quân tâm sự. 

Ở góc độ chính quyền, nhiều cơ quan, đơn vị chủ động từ sớm trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn mình phụ trách. 

Chủ tịch UBND phường Trung Tự (quận Đống Đa) Hà Phú Bình cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo mới của thành phố, phường ngay lập tức họp trong đêm để triển khai các phương án, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các lực lượng. 

{keywords}
Đường phố Hà Nội vắng vẻ giờ cao điểm trong ngày đầu thực hiện giãn cách

"Phường Trung Tự có kế hoạch triển khai Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội. Kế hoạch có các nội dung chính về tuyên truyền nhắc nhở người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và công tác hậu cần, vật tư y tế. Theo đó, UBND phường yêu cầu lực lượng công an, bảo vệ dân phố, quân sự phường, y tế, cán bộ tư pháp tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch", ông Bình thông tin. 

Theo ông Bình, việc chống dịch luôn được phường xác định là nhiệm vụ số một, tuyệt đối không để chủ quan, lơ là. Đối với việc thực hiện giãn cách xã hội, phường ưu tiên chọn phương án tuyên truyền, nhắc nhở người dân hiểu và chấp hành các biện pháp của thành phố đang áp dụng. 

Còn tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Bí thư đảng ủy phường cho biết trong suốt thời gian dịch bệnh xuất hiện, phường luôn bám sát và có kế hoạch chi tiết để triển khai trên địa bàn mình quản lý.

Về thực hiện chỉ thị mới của thành phố, bà Nguyệt cho biết phường tổ chức họp các đơn vị liên quan trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch để giao nhiệm vụ cụ thể với từng đơn vị. 

"Chúng tôi ưu tiên tuyên truyền các khuyến cáo của Bộ Y tế, nâng cao hiệu quả của các Tổ Covid cộng đồng để rà soát, nắm chắc địa bàn, từ đó kịp thời, chủ động phát hiện các trường hợp nghi nhiễm hoặc có nguy cơ. Đồng thời, phường cũng có kế hoạch trong việc đảm bảo các mặt hàng thiết yếu khi người dân thực hiện lệnh giãn cách xã hội", bà Nguyệt cho biết. 

Ngày 23/7, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 17 thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7 trên phạm vi toàn thành phố.

Theo Chỉ thị, TP Hà Nội yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. 

Hà An 

Theo chân lực lượng xử phạt người ra đường không lý do cần thiết ở Hà Nội

Theo chân lực lượng xử phạt người ra đường không lý do cần thiết ở Hà Nội

Trong ngày đầu Hà Nội thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố, lực lượng công an các phường đã nhắc nhở và xử lý nhiều trường hợp không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.