- “Sông Cầu nước chảy lơ thơ”. Bây giờ hết rồi. Lần trước, NSND Trịnh Thịnh về thăm lại, cứ lắc đầu than, hỏi: “cái bến sông ngày trước đâu rồi?”. Bến sông ấy, trước kia đoàn làm phim về quay bộ phim: “Mùa hoa cải bên sông”, có anh Trương Chi thổi sáo. Nay, nó nằm tất dưới lòng sông rồi anh ạ…”.

Nhà dân… cô lập di tích!

Chếch đền Miễu chưa đầy 1km, di tích lịch sử đền Thượng thờ Quan lớn Đệ Tam – người có công tập hợp dân binh địa phương hợp lực giúp nhà Trần chống cường địch phía Bắc (thôn Phấn Động – xã Tam Đa) lại chịu một số phận khác.

Di tích này là một trong những điểm được xếp hạng của Cụm di tích lịch sử đình chùa Phấn Động. Tuy nó không bị khai thác để làm gạch, song đất xung quanh khu di tích đã bị người dân biến thành đất dân sinh.

Đền Thượng thờ Quan lớn Đệ tam bị các nhà dân... cô lập.

Đền
Thượng nằm lọt thỏm giữa xung quanh các hộ dân, chỉ chừa lại con đường dẫn xuống khu di tích được xây thành bậc cấp và mặt trái của đền tiếp giáp với sông Cầu. Những hộ dân này, nguyên là các hộ được chuyển xuống theo kế hoạch di dân khi xã xây dựng hệ thống thủy lợi từ năm 1998.

Xã cho cán bộ xuống nói chuyện “khó dễ” để các hộ di dời, nhưng không ai chịu vì “đã được cấp sổ đỏ”. Nhưng, lý do chính là vì đất mặt đê bây giờ đã lên đến 80 triệu/1 suất. Chẳng ai chịu di dời là một lẽ đương nhiên, cho dù hầu hết các nhà dân ven đê đều vi phạm đến hành lang an toàn đê sông một cách nghiêm trọng.

Năm 2000, khi ban quản lý tôn tạo lại đền đã phát hiện một ngôi mộ cổ đựng trong một chiếc chum sành, nắp đậy bằng chiếc chậu đồng, xung quanh là lớp nền gạch móng… Chính quyền cho chôn cất lại, rồi xây lăng cẩn thận.

Nay, cả ngôi mộ cổ này cũng được hộ anh Nguyễn Văn Cường (một trong những hộ nằm trong phương án di dời) quây lại bằng bờ tường rào, nghiễm nhiên “trưng dụng” cả ngôi mộ cổ thuộc “tài sản” của mình! Xã đòi, hộ anh Cường cũng không chịu trả lại cho đền. Trời không chịu đất, đất phải chịu trời. Chỉ có các cụ trong BQL di tích là rầu rĩ nhất!

Các cụ trong BQL di tích đền Phấn Động cùng với trưởng thôn Hoàng Văn Trường thường xuyên phải họp hành để... bàn kế sách đối phó với cát tặc.

Bây giờ thì di tích lịch sử đền
Thượng đã nằm lọt thỏm giữa khu dân cư. Hộ nhà anh Cường đã đổ móng nhà ra tít phía ngoài sông. Có lẽ, anh chưa dám dựng hết, vì ngôi mộ cổ đã được xã dựng thành miếu. Mặt trước, mặt sau của đền, đất đều đã có chủ.

Nếu cả 4 phía xung quanh đều dựng nhà, người ta sẽ phải xuống khu di tích bằng một con ngõ nhỏ xây theo bậc tam cấp, chảy từ mặt đê chảy xuống.

“Tôi đau đầu lắm. Cả tháng trời nay, cứ cuối tuần lại hớt hải từ xã về thôn để họp bàn với các cụ bô lão trong Ban quản lý di tích. Chuyện người ta làm gạch, chiếm dụng đất đê, đền Thượng làm đất thổ cư, nó lâu rồi nên cũng quen. Đau đầu nhất, là cái “vấn nạn mới” vừa phát sinh kia kìa…”.

Anh Trường thở dài sườn sượt, rồi trỏ tay ra hướng mặt sông. Ngoài ấy, giữa lòng sông Cầu mênh mông, có những chiếc thuyền cắm giữa lòng, cặm cụi như đang ngủ.

“Đấy là những chiếc thuyền “sa tặc” đang hút cát dưới lòng sông!” - anh nói.

Hút di tích xuống… lòng sông!

Phòng tuyến sông Như Nguyệt nằm trên đoạn đê sông Cầu có chiều dài gần 13km, chạy từ Tam Giang xuôi xuống Thị Cầu. Đoạn qua xã Tam Đa có chiều dài 3 cây số, thế nhưng có tới một loạt điểm đền, chùa, bến sông được nhà nước xếp hạng thành “Cụm di tích lịch sử văn hóa phòng tuyến sông Như Nguyệt”, gồm có: núi Đồn (cánh đồng Dinh, xã Yên Phụ); đền Núi (xã Yên Phụ), điếm Trung Quân – Cầu Gạo; bến sông Như Nguyệt – chùa Bồ Vàng; đền Xà – Ngã ba Xà; đền Vọng Nguyệt (xã Tam Giang); đền, chùa Phấn Động, Miễu Thọ Đức (xã Tam Đa)…

Bờ sông Cầu nham nhở vì dấu tích còn lại của một thời... lò gạch!

Nhiều trại quân lớn được Lý Thường Kiệt cho xây dựng, nay vẫn còn dấu tích trong lòng đất: trại Chĩnh, trại Chùa, trại Quýt, trại Mái Ấm; các khu hậu cần như khu Dốc Gạo, Kho Cung (ở Gò Cung), Kho Gươm (ở Gò Gươm), bãi Yên Ngựa (nay nằm trên bãi đất của khu dị tích lịch sử đền Phấn Động).

Hầu hết, các điểm di tích lịch sử này đều năm dọc theo tuyến sông và men theo chân đê. Cho nên, tất cả các hoạt động khai thác trên sông và trên bãi đất ven đê đều ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến các khu di tích.

Khi chúng tôi đến khu di tích đền Phấn Động, các bô lão trong ban quản lý khu di tích đang nhóm họp đề tìm phương kế “chống” lại nạn “sa tặc” đang đe dọa đến khu di tích của các cụ. Đền Phấn Động nằm sát mé sông. Chếch bên kia sông là làng gốm Thổ Hà, làng rượu Vân nức tiếng một thời.

Ông Trần Thọ Lan, trưởng BQL Di tích lịch sử đền Phấn Động, bồn chồn như ngồi trên đống lửa: “Cứ tình trạng hút cạn của bọn thuyền bè cướp cạn này, chẳng mấy chốc các điểm di tích phòng tuyến sông Như Nguyệt sẽ bị hút xuống lòng sông mất thôi!”.

Cận cảnh một chiếc tàu hút cát.

Hàng tháng nay, các cụ mất ăn mất ngủ. Cứ nghe tiếng máy nổ ùng ục giữa buổi trưa, các cụ lại nhốn nháo không yên. Nhưng sức già, làm sao ngăn được? Các cụ chỉ biết chụm đầu quanh cái bàn để tìm đối sách! Đơn kiến nghị, đề nghị… đã được các cụ gửi lên xã. Trụ sở UBND xã gần ngay đấy, cách non cây số đường làng!  

Trung bình, một ngày có gần chục thuyền kéo nhau đến đoạn sông Tam Đa để hút cát. Những thuyền này đến từ làng chài Nguyệt Đức (xã Đại Lâm), từ Hà Tây lên, từ Vạn Phúc xuống… Chiếc cờ đuôi nheo cắm chơ vơ trên sống đê cũ, “cột mốc” chỉ địa giới của khu di tích, bay phất phơ trong làn khói mờ mịt của chiếc đầu máy nổ chạy dầu đang miệt mài hút cát dưới đáy sông.

“Những rãnh sau tạo thành do hút cát, sẽ tạo thành các luồng xoáy hút làm lở đất hai bên bờ. Anh cứ nhìn theo hướng tay tôi chỉ, cột điện cao thế của nhà nước chạy qua sông, cũng nhìn thấy nghiêng về 1 phía rồi đấy. Mà ban nãy, anh có xuống xem chỗ bờ đá Can Vang không (khu di tích bãi Miễu Thọ Đức)?

Cả bãi bồi ấy đã bị kéo xuống từng mảng, như mõm rô hay sạt lở kiểu hàm ếch! Trước, nước sông Cầu xanh lắm! “Sông Cầu nước chảy lơ thơ mà”. Bây giờ thì đục ngầu. Trẻ đi trâu cũng không dám tắm.

Hôm mới rồi, nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thịnh về làng tôi thăm, cứ ngẩn ngơ: sao nước sông bây giờ bẩn quá? Cái đận Trịnh Thịnh về làng tôi đóng phim “mùa hoa cải bên sông”, với lại anh Trương Chi, cô Nết… gì đấy, cả đoàn ra sông Cầu tắm. Mà bãi Miễu, khi ấy hoa cải vàng rực… Giờ tan hoang cả rồi…!” – cụ Nguyễn Hữu Lẫm – thành viên BQ di tích đền Phấn Động chua chát…

Ngày 18.01.1980, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin Nông Quốc Chấn ký quyết định số 28 – VH/QĐ công nhận 8 địa điểm thuộc phòng tuyến sông Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống quân Tống (1077) thuộc huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) nằm trong danh sách các di tích lịch sử quốc gia.

Gần 30 năm kể từ khi quyết định trên có hiệu lực, nhưng tính từ cột mốc vua Lý Thường Kiệt xây dựng phòng tuyến chống 30 vạn giặc Tống xưa kia, đến nay phòng tuyến sông Như Nguyệt ấy đã ngót 1.000 năm sống trong sử sách, trong niềm tự hào bất diệt của biết bao thế hệ người Việt…


Kiên Trung

(Còn nữa…)