- Việc tiếp cận tín dụng như một khó khăn điển hình các hợp tác xã (HTX) gặp phải trong quá trình thực hiện chính sách.

Báo cáo nghiên cứu về “Hợp tác liên kết nông dân trong sản xuất nông nghiệp theo tiếp cận thúc đẩy quyền, tiếng nói, lựa chọn của nông dân: Hiện trạng và khuyến nghị chính sách”  được tổ chức Oxfam, Cục Kinh tế hợp tác - Bộ NN&PTNT, Liên minh vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam đồng phối hợp công bố sáng nay.

{keywords}

Nhà lồng xanh mướt rau xà lách tại HTX Anh Đào (Đà Lạt)

Bà Nguyễn Lê Hoa, đại diện Oxfam tại Việt Nam chia sẻ, báo cáo là góc nhìn tổng quan, đa chiều về hợp tác liên kết, nhằm đưa ra các đề xuất về phát triển hợp tác liên kết hiệu quả và bền vững cũng như vai trò trách nhiệm của các bên để thúc đẩy hợp tác liên kết hiệu quả.

Phát triển hợp tác liên kết cần xuất phát từ điều kiện thực tiễn, từ nhu cầu, nguyện vọng, cũng như năng lực hợp tác liên kết đa dạng của nông dân.

Theo bà Hoa, người nông dân quan tâm tới nhu cầu chia sẻ lợi ích và rủi ro, muốn được ở thế chủ động trong quá trình hình thành và thực thi hợp tác liên kết chứ không muốn bị áp đặt một khuôn mẫu về mô hình và cách thức hợp tác.

Về năng lực, người nông dân cần được tạo niềm tin và cơ hội được hỗ trợ để tham gia vào các mối quan hệ đối tác mới ví dụ như với khối doanh nghiệp trong quá trình hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng.

Việc nghiên cứu được thực hiện tại 3 tỉnh mang tính đặc thù về sản xuất nông nghiệp và thị trường của 3 vùng khác nhau của Việt Nam: Ninh Bình (đồng bằng Bắc Bộ), Lâm Đồng (Tây nguyên) và Đồng Tháp (đồng bằng Sông Cửu Long), dựa trên các số liệu thu thập từ 360 hộ gia đình tham gia hợp tác xã và tổ hợp tác.

Từ khi luật HTX 2003 đến nay, nhà nước đã ban hành 143 chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế tập thể. Nhưng nhiều chính sách ban hành chưa giúp thúc đẩy đúng bản chất, vai trò của tổ chức nông dân như đối tác độc lập trong phát triển, mà có xu hướng thiên lệch trong phát triển HTX hơn so với Tổ hợp tác.

Các chính sách còn chồng chéo và kém hiệu quả trong thực thi, thiếu chính sách “đòn bẩy” để tạo đột phá.

Ví dụ về chính sách tín dụng, mặc dù có nhiều chính sách được ban hành nhưng HTX vẫn khó tiếp cận tín dụng.

Các ngân hàng e ngại khi cho các HTX vay do tính chất sở hữu và chịu trách nhiệm pháp lý mang tính tập thể. Một số HTX đã thành lập mô hình DN trong HTX nhằm tiếp cận các chính sách tín dụng.

Theo báo cáo, xu hướng liên kết qua tổ chức của nông dân ngày càng phổ biến hơn so với hình thức liên kết trực tiếp giữa nông dân với doanh nghiệp qua các hợp đồng kinh tế, và là lựa chọn tốt hơn trong việc đảm bảo quyền lợi và tiếng nói của nông dân.

Gần 75% nông dân thể hiện mối quan tâm tới các nguyên tắc dân chủ và minh bạch trong hợp tác liên kết để họ được quyền có tiếng nói trong quá trình ra quyết định.  

85,6% người dân được hỏi khẳng định các mô hình hợp tác liên kết giúp nâng cao tính tương trợ và gắn kết trong cộng đồng, giảm bớt những nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh như tự hạ giá, phá giá lẫn nhau.

Hồng Nhì