Giải dù lượn đường trường Putaleng mở rộng năm 2020 (Putaleng XC open 2020) và hoạt động khinh khí cầu được UBND tỉnh Lai Châu tổ chức nhằm tuyên truyền quảng bá, giới thiệu những nét đặc sắc, giá trị nổi bật về thiên nhiên, văn hoá, con người Lai Châu, tạo điều kiện phát triển kinh tế thông qua các sản phẩm du lịch, mở rộng liên kết giữa Lai Châu với các thị trường trong ngoài nước.

Theo UBND tỉnh Lai Châu, tham dự giải năm nay dự kiến sẽ có khoảng từ 60 - 100 phi công dù lượn và khoảng 17 phi công và kỹ thuật viên điều khiển khinh khí cầu của Việt Nam và quốc tế. 

{keywords}
Giải dù lượn và hoạt động khinh khí cầu được tổ chức tại sân vận động huyện Tam Đường

Đối với hoạt động dù lượn, các phi công cất cánh tại bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường và hạ cánh tại sân vận động thị trấn Tam Đường. Giải chính thức khai mạc sáng 25/12 và công bố trao giải vào ngày 27/12. 

Hoạt động khinh khí cầu được thực hiện với số lượng sáu khinh khí cầu mini và một khinh khí cầu lớn. Khinh khí cầu bay treo tại sân vận động thị trấn Tam Đường và quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu. Đây cũng năm đầu đầu tiên tỉnh Lai Châu tổ chức hoạt động khinh khí cầu với mong muốn mang đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ.

Với việc quy tụ những chiếc khinh khí cầu đa sắc màu, độc đáo ngay giữa lòng thành phố, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của lễ hội hoa đăng rực rỡ. Một Lai Châu  hiện lên thật khác biệt khi ngắm nhìn từ khinh khí cầu lơ lửng giữa không trung ở độ cao 50m, góc view 360 độ.

Cơ hội quảng bá nét đẹp đất và người Lai Châu

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng nhấn mạnh: "Lai Châu là tỉnh sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch phong phú, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng với sự đa dạng, phong phú trong văn hóa bản địa của 20 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh".

Bên cạnh đó, theo ông Trần Tiến Dũng, Lai Châu còn là mảnh đất có khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới quanh năm mát mẻ, con người hiền hòa, thân thiện và mến khách… Đó là những điều kiện thuận lợi để tỉnh khai thác và phát triển các loại hình du lịch và các môn thể thao mạo hiểm.

{keywords}
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng phát biểu tại buổi khai mạc. Ảnh: Đoàn Bổng

Lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu cho biết, dù lượn là một môn thể thao mạo hiểm nhưng được rất nhiều người yêu thích bởi sự khám phá, trải nghiệm, thử thách bản thân và thực hiện giấc mơ bay lượn trên bầu trời của con người thành hiện thực.

"Năm 2019, tỉnh Lai Châu đã đăng cai tổ chức thành công giải thi đấu dù lượn đường trường Putaleng Việt Nam mở rộng năm 2019 (lần thứ nhất). Đây là giải đấu đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, do tỉnh Lai Châu phối hợp cùng câu lạc bộ dù lượn Vietwings tổ chức với sự tham gia của các phi công đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây cũng là giải thi đấu dù lượn đường trường đầu tiên theo tiêu chuẩn của Hiệp hội thể thao hàng không quốc tế FAI", ông Trần Tiến Dũng thông tin. 

Theo ông Dũng, thành công của giải dù lượn lần thứ nhất là động lực để tỉnh Lai Châu thực hiện chủ trương tổ chức giải thường niên hàng năm với mong muốn góp phần xây dựng Lai Châu trở thành điểm bay dù lượn quốc gia.

{keywords}
Khinh khí cầu nâng lá cờ Tổ quốc bay giữa trung tâm thị trấn huyện Tam Đường

"Chúng tôi mong rằng các phi công Việt Nam và quốc tế sẽ biết đến giải thi đấu dù lượn quốc tế đường trường Putaleng và Lai Châu nhiều hơn. Giải năm nay đã quy tụ được 63 phi công dù lượn Việt Nam và quốc tế tham dự, đây là cơ hội để các phi công dù lượn được giao lưu, học hỏi, trải nghiệm, góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của bộ môn dù lượn ở Việt Nam và tăng cường hội nhập với các hoạt động thể thao trong khu vực Đông Nam Á và Thế giới", Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu chia sẻ.

Theo ông Trần Tiến Dũng, giải thi đấu năm nay cũng là cơ hội để tỉnh giới thiệu, quảng bá những hình ảnh đẹp về thiên nhiên, văn hóa, con người Lai Châu, tạo ra sản phẩm du lịch thể thao mới, phục vụ du khách và công chúng, thúc đẩy du lịch địa phương, góp phần mời gọi các nhà đầu tư. 

{keywords}
Chủ tịch UBND tỉnh trao chứng nhận cho các phi công tham gia giải

"Xây dựng Lai Châu trở thành một điểm đến an toàn và hấp dẫn, từ đó tạo đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của tỉnh nhà. Qua đó, góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh", ông Dũng nhấn mạnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu cho biết, sự kiện lần này sẽ tạo mối liên kết phát triển du lịch bền vững giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh bạn. Tạo cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu, mở rộng thị trường, xây dựng các tour du lịch mới giới thiệu đến du khách, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch.

Ông Trần Tiến Dũng lưu ý, trong tình hình dịch  Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Ban tổ chức giải thi đấu cần thực hiện nghiêm các biện pháp trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện tốt “thông điệp 5K”.  Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho vận động viên và những người tham gia trong suốt thời gian giải diễn ra, đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường để giải thành công.

Đoàn Bổng

Mười năm gieo “vàng xanh”, nông dân Lai Châu làm nên những quả đồi triệu USD

Mười năm gieo “vàng xanh”, nông dân Lai Châu làm nên những quả đồi triệu USD

Từ những ngọn đồi heo hút, bản làng liêu xiêu giữa vùng biên viễn, một cuộc “cách mạng” chuyển đổi cây trồng tại Lai Châu được phát động, sau một thập kỷ nay đã thu về những trái ngọt.