Gần 300 y bác sĩ, học viên Học viện Quân y đã lên đường vào miền Nam chi viện cho cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Đoàn được tổ chức thành 60 tổ quân y lưu động với quân số 295 y bác sĩ, học viên. Trong đó 113 bác sĩ, 2 cán bộ, 180 học viên năm thứ tư.

Dặn dò đoàn ngày xuất quân ngày 21/8, Giám đốc Học viện Quân y, Trung tướng Đỗ Quyết nhấn mạnh tinh thần "chống dịch như chống giặc, "chưa bao giờ người dân TP.HCM, người dân miền Nam cần sự giúp đỡ của chúng ta như bây giờ".

Những cán bộ, bác sĩ, học viên lên đường vừa là những chiến sĩ xung kích, vừa là học viên Quân y mang phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, có y đức. 

{keywords}
Gần 300 cán bộ, y bác sĩ, học viên Học viện Quân y chuẩn bị lên đường.

Giao nhiệm vụ cho đoàn, Giám đốc Học viện Quân y lưu ý, cán bộ, y bác sĩ, học viên cần chấp hành đủ tất cả các quy định, điều lệnh, điều lệ của quân đội, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.

Đối với các học viên, Trung tướng Đỗ Quyết cho biết, lần này nhiệm vụ sẽ không chỉ lấy mẫu mà sẽ xuống chăm sóc bệnh nhân tại nhà, tại khu phố và làm bất cứ nhiệm vụ gì người dân yêu cầu. Vì vậy, ông yêu cầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm, kiến thức đã được học để phục vụ người dân. 

Lãnh đạo Học viện Quân y cũng cho rằng tính kỷ luật và tình thương yêu người dân, người bệnh, là hai điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời gửi lời chúc các y bác sĩ, học viên có nhiều sức khỏe, vững niềm tin, ý chí và an toàn trở về.

{keywords}
 

 

Để thể hiện lòng quyết tâm, trước khi lên đường, gần 300 y bác sĩ, học viên đã đồng lòng hô to khẩu hiệu 3 lần “xin hứa”, 3 lần “quyết tâm”.

 

{keywords}
 

Cùng ngày, 310 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên (Bộ Công an) hành quân vào TP.HCM làm nhiệm vụ với tinh thần "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”.

{keywords}
Các cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên trong ngày xuất quân

Lực lượng CSCĐ của Bộ sẽ là lực lượng chính, phối hợp với Công an TP.HCM và Cục Cảnh sát hình sự làm nhiệm vụ tại 12 chốt cửa ngõ. Mỗi chốt sẽ gồm 30 CBCS, chia làm 3 ca thực hiện nhiệm vụ khép kín 24/24 giờ.

Chiều 21/8, Cục Hậu cần (Bộ Công an) cũng tổ chức lễ xuất quân, tăng cường 31 cán bộ chiến sĩ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ tại TP.HCM.

Đoàn vào phục vụ bếp ăn tại Bệnh viện dã chiến (xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè), Nhà khách Phương Nam và Nhà công vụ Phước Lộc với 11 đầu bếp và 20 nhân viên phục vụ.

Cũng trong chiều 21/8, gần 200 sinh viên và giảng viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai (Hà Nội) lên đường chi viện miền Nam.

Đoàn gồm 1.500 thành viên, được ghi danh chỉ sau 24 giờ kêu gọi. Sau đây, những thành viên còn lại dự kiến rời Hà Nội vào các ngày 22 và 23/8.

Đây là lực lượng có nhiều kinh nghiệm trong các đợt dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh.

{keywords}
Những chuyến xe đầu tiên lên đường vào chiều tối ngày 21/8 - Ảnh: Hoàng Anh

Hàng nghìn quân y, bác sĩ đã lên đường vào miền Nam   

Trong cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với TP.HCM và một số tỉnh vào tối 19/8, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của các tỉnh, thành; trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân...

Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các bộ ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho người dân. Cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu "muôn hình vạn trạng" trong thực tiễn.

Trước đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo thành lập 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn phía Nam. Theo Cục Quân y, tại TP.HCM, lực lượng quân y tham gia chống dịch hiện có hơn 2.000 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên...

Sau 60 tổ quân y của Học viện Quân y xuất quân, trong tuần tới tiếp tục có thêm hơn 100 tổ quân y khác chi viện cho TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam.

Từ ngày 21 đến 23/8, dự kiến sẽ có thêm 1.000 cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị được vận chuyển vào Nam chống dịch theo đường hàng không.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, tính riêng đợt dịch lần thứ 4, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử hơn 13.000 cán bộ nhân viên y tế tham gia chống dịch.

Đồng thời, 5 giám đốc các bệnh viện tuyến trung ương là Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế và Đại học Y Dược TP.HCM được giao đảm đương kiêm nhiệm Giám đốc bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM quy mô 1.000 giường và 4 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM với quy mô 500 giường/trung tâm để đồng hành cùng thành phố trong điều trị tích cực bệnh nhân nặng.

Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có nhiều đoàn công tác lên đường chi viện, gần nhất là ngày 18/8 với 200 cán bộ y tế tăng cường. Tới nay, có tổng số khoảng 500 y bác sĩ Bạch Mai đang chung tay chống dịch, tham gia điều trị Covid-19 tại TP.HCM.

Thu Anh (tổng hợp)

>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

 

Quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam

Quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam

Quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng, theo yêu cầu của TP.HCM và các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa