- Liệu pháp thời gian là cần thiết song không thể mặc định như chuyện nước chảy đá mòn. Hòa hợp dân tộc cần sự chủ động từ trong nước hơn nữa - nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nói về vấn đề hòa hợp dân tộc.

Dưới thời kỳ ông Nguyễn Dy Niên làm Bộ trưởng Ngoại giao - cơ quan tham vấn trực tiếp cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước về chính sách kiều bào, một nghị quyết quan trọng đã ra đời - Nghị quyết 36 về kiều bào (năm 2004).

"Nghị quyết 36 mang tinh thần cốt lõi là hòa hợp dân tộc và đoàn kết dân tộc" - ông nói trong cuộc trò chuyện với VietNamNet đầu năm. Điều này được Nghị quyết khẳng định rõ "xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp" để "tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai".

Với gần 10 năm công tác trực tiếp về vấn đề kiều bào (từ 1991-2000 trong vai trò Chủ nhiệm UB về người Việt Nam ở nước ngoài), ông Niên khẳng định nhờ có Nghị quyết này, trong gần 10 năm qua, đã có không ít những nút thắt được mở.

c
Với Nghị quyết 36, không ít nút thắt được mở trong vấn đề kiều bào. Ảnh: Hoàng Ngọc

Điểm nhấn gần đây nhất là Luật Quốc tịch năm 2008 đã tạo điều kiện cho phép công dân Việt Nam có thể mang hai quốc tịch,  Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật nhà ở và Điều 121 Luật đất đai cho phép mở rộng đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, miễn thị thực cho kiều bào cư trú trong nước 3 tháng, bước đầu xây dựng chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào trở về đóng góp cho đất nước....

Điểm lõi của Nghị quyết 36 là hòa hợp dân tộc - theo nguyên Bộ trưởng Ngoại giao - dù đã có những bước đi mạnh dạn song vẫn chưa thực sự trọn vẹn.

Quyết liệt hơn 

37 năm sau chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước, chúng ta nêu vấn đề này vào thời điểm hiện nay mà vẫn chất chứa những điều chưa trọn vẹn. Vì sao, thưa ông?

Vấn đề hòa hợp dân tộc ai cũng thấy là đúng cả. Ai cũng thấy cần phải làm nhưng làm như thế nào thực sự không dễ dàng. Khi thống nhất đất nước, đất nước bộn bề công việc, có biết bao nhiêu vấn đề đặt ra. Lúc đó đất nước đứng trước khó khăn về tái thiết. Vấn đề hòa giải sau chiến tranh đòi hỏi quá trình, nôn nóng cũng không được.

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài năm 2010. Ảnh: Phương Thuận

Bối cảnh Nghị quyết 36 ra đời cách đây gần 10 năm, tôi nghĩ đó là thời điểm mà khi đất nước mang diện mạo mới bắt đầu định hình sau tái thiết, Trung ương đã thấy cần phải đưa ra những quyết định mạnh mẽ cho vấn đề này như một sự bức thiết. Dù khi làm công tác kiều bào thời điểm những năm thập niên 1990, khi đi đến các địa phương, tôi cảm nhận vấn đề này thực sự khó khăn. Chiến tranh ác liệt qua đi, có những vết thương vẫn còn đó, để nói chuyện ngồi lại với nhau, tha thứ là điều thực sự khó khăn. Ngay cả thời điểm bây giờ cũng vậy, không phải vết thương nào cũng lành, cũng vơi bớt. Tâm lý con người là vậy, khó có thể nói nhận thức ý chí lắm. Bởi lẽ đó, yếu tố thời gian là quan trọng. 

Thực tiễn đổi mới hơn 20 năm qua đã đưa diện mạo đất nước bước sang một trang mới, và hiện thực đi quá nhanh, bối cảnh thế giới cũng đã khác, có nhiều thay đổi. Liệu những lấn cấn, chưa trọn vẹn có làm cho mọi việc sẽ lại chậm đi không, trong khi nguồn lực đất nước đang khát, từ tri thức đến khoa học công nghệ, nhân lực?

Nhận định thời gian để chúng ta có một Nghị quyết 36 như thế hơi dài cũng bởi tại chính thời gian là một liệu pháp để làm lành vết thương, dần lấp những nỗi đau, khoảng trống. Cốt lõi của Nghị quyết 36 là hòa hợp dân tộc và đoàn kết dân tộc. Nhưng muốn làm thì các mặt triển khai như thế nào? Điều này đòi hỏi không chỉ một cơ quan nhà nước như UB về người Việt Nam ở nước ngoài mà cả các cấp, các ngành, địa phương. Có thể nói cả hệ thống chính trị phải sẵn sàng  và cùng tham gia mới thực hiện được. Đó là những điều đã tính tới khi Nghị quyết 36 ra đời.

Gần tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết, nhìn lại, không thể phủ nhận đã có những bước rất tốt nhưng đoạn đường còn phải đi tiếp vẫn dài lắm. Nhưng sau 10 năm thì thực tiễn cũng cho thấy cần những đổi mới, bổ sung trong triển khai trên thực tế, có những điều phải sửa, phải chấn chỉnh và quyết liệt hơn.

3 điểm cốt lõi

Đó là những gì, thưa ông?                            

Có 3 lĩnh vực. Về kinh tế, năm 2011, kiều hối được ghi nhận là 9 tỷ USD, tất nhiên có đóng góp của mấy trăm nghìn lao động gửi về nhưng phần lớn của kiều bào. Cái này nói lên Việt Nam là điểm thu hút được đầu tư vì kinh tế thế giới khó khăn, họ thấy ở Việt Nam làm ăn tốt hơn. Bây giờ phải tận dụng, nhân cơ hội này phải thoáng hơn nữa cho kiều bào đầu tư về, chủ yếu là các lĩnh vực sản xuất. Đầu tư thì phải có lãi, đầu tư không có lãi thì ai đầu tư, thế thì phải tạo điều kiện thông thoáng về kinh tế. Các cơ quan chức năng kinh tế phải làm kỹ hơn.

Kiều bào dự hội nghị người Việt trên toàn thế giới, Hà Nội 2009. Ảnh: Lê Anh Dũng


Lĩnh vực thứ hai rất quan trọng là làm thế nào cho trí thức kiều bào về trong nước, họ tham gia công việc giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi với các nhà khoa học trong nước. Hiện nay đã làm được một vài việc được nhưng phần lớn những nhà trí thức chưa thật hiểu nhau lắm đâu. Sức mạnh của kiều bào, theo tôi, đó là chất xám. Với môi trường khoa học, văn hóa thuận lợi, nhiều người gốc Việt đã học tập và rất thành đạt.

Làm thế nào để kéo họ về? Nhất là trong bối cảnh giáo dục của chúng ta có nhiều vấn đề, làm thế nào thu hút được trí thức Việt kiều về để họ chia sẻ kinh nghiệm. Chúng ta làm còn ít, còn dè dặt. Dù ngay việc đưa một giáo sư Việt kiều về tham gia các công trình trong nước cũng khó khăn lắm, rất vất vả, công phu. Tôi nghĩ muốn đẩy hơn nữa, cơ quan chức năng phải tích cực hơn, đầu tư hơn.

Lĩnh vực thứ ba là giữ gìn bản sắc văn hóa của người Việt. Bây giờ thế hệ thứ hai, sắp tới là thế hệ thứ ba, thứ tư... làm thế nào họ giữ được văn hóa Việt? Cái này khó lắm, vì họ sống giữa biển cả mênh mông của văn hóa nước sở tại thì làm sao chốt lại được nét văn hóa Việt Nam.

Một vấn đề quan trọng là làm thế nào giữ được ngôn ngữ, văn hóa Việt. Mười năm qua, chúng ta in sách giáo khoa rồi gửi ra nước ngoài, một số nước như Lào, Campuchia chúng ta gửi giáo viên sang nhưng cũng vất vả, không dễ thành công. Chưa nói bên Mỹ, Pháp, các nước khác, bây giờ thế hệ thứ ba nói tiếng địa phương, nói tiếng Anh, Pháp, ít biết tiếng Việt.

Tổ chức trại hè vừa rồi các cháu về nước nhưng cũng hiểu tiếng Việt ít lắm. Nhưng khó không có nghĩa không làm được, mà phải làm được. Kinh nghiệm của cộng đồng người Nhật ở Brazil, người Hoa ở hầu như các nơi trên thế giới cho thấy họ vẫn giữ được ngôn ngữ gốc. Thế mạnh của họ là cộng đồng lớn. Mình ngoại trừ ở Mỹ, Pháp, Australia, một vài nơi thì quy mô cộng đồng tương đối, còn ở những nơi khác cộng đồng nhỏ, phân tán. Trong khi họ phải sống hòa nhập nước sở tại nên sẽ khó khăn giữ gìn bản sắc, ngôn ngữ. Dù ít hay nhiều, cần làm thế nào để họ vẫn giữ cái cốt cách của người Việt. Ví dụ ngày Tết thì nhớ đến ông bà, giao thừa...

Bản lề còn rộng

Trở lại vấn đề hòa hợp dân tộc - điểm cốt lõi của Nghị quyết 36, theo ông, làm thế nào để hiện thực hóa trọn vẹn khi mà thời gian cũng đã đủ dài?

Cái quan trọng nhất là làm thế nào để sự phân biệt giảm đi và người trong nước phải gần gũi hơn, chìa bàn tay ra để kéo lại. Như chuyện anh muốn vỗ tay thì phải vỗ bằng hai tay, chứ không thể một tay. Nó phải từ hai phía. Hai phía phải tìm cách để cùng gặp nhau. Cần thúc đẩy, làm mạnh hơn như tạo điều kiện cho kiều bào đầu tư rộng rãi hơn.


"Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, tiếp theo việc cho phép những quan chức, sỹ quan cấp cao chế độ Sài Gòn cũ được về nước, dân sự hóa nghĩa trang Bình An (tỉnh Bình Dương)... ta đã tạo điều kiện giúp tìm kiếm, cải táng hài cốt những người thân diện HO chết trong thời gian học tập, cải tạo.
Bên cạnh đó, thúc đẩy việc thành lập các tổ chức của người Việt Nam ở Mỹ, Canada, Australia, hợp nhất tổ chức thành Tổng hội hoặc Hội người Việt Nam ở địa bàn có điều kiện…, hỗ trợ sự liên kết giữa các Hội người Việt Nam, các tổ chức doanh nhân kiều bào ở các nước để tạo sức mạnh tập hợp đoàn kết kiều bào...

Ngoài ra sẽ cử các đoàn công tác liên ngành đến các địa bàn có đông kiều bào để chủ động trực tiếp đối thoại với các tổ chức và cá nhân còn mặc cảm, định kiến với đất nước...".

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm UB về người Việt Nam ở nước ngoài

Xuân Linh