Thủ tướng Chính phủ đã công nhận thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới từ năm 2018.

{keywords}
Hòa Bình đặt mục tiêu: Sau nông thôn mới là nông thôn mới nâng cao

Bằng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, phát huy nội lực thành phố, sau 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn bộ 7/7 xã thuộc thành phố được UBND tỉnh công nhận đạt danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có xã Thái Thịnh thuộc vùng hồ Hoà Bình đặc biệt khó khăn về cơ sở hạ tầng và không có đồng ruộng.

Theo đó, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đạt trên 800 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 66 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh 95 tỷ đồng; vốn ngân sách thành phố 215 tỷ đồng; từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác 70 tỷ đồng; vốn huy động nhân dân gần 95 tỷ đồng với 51 tỷ tiền mặt, gần 20 tỷ đồng quy đổi từ ngày công lao động và trên 23 tỷ đồng quy đổi từ nhân dân hiến đất, vật liệu…

Nhờ đó, đến nay, hệ thống giao thông tại 7/7 xã trên địa bàn thành phố được bê tông hóa; 100% xã có hạ tầng, hệ thống thủy lợi, điện, nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn; 7/7 xã có nhà văn hóa và khu thể thao xã, 58/58 xóm có nhà văn hóa, khu thể thao đảm bảo theo quy định…

Hiện, trên địa bàn thành phố Hòa Bình có trên 100 mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế, quy hoạch 120 ha lúa chất lượng cao, trên 1.000 lồng cá, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm 150.000 con… Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố đạt 57 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,31%; 91% lao động khu vực nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang đặt mục tiêu, các xã sau khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ tiến hành xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, có sản phẩm hàng hóa chủ lực có sức cạnh tranh cao.

Bài: Nguyễn Thu Hà - nhóm PV
Ảnh: Đinh Thị Ánh Tuyết - nhóm PV