- Thảo luận tại tổ dự thảo luật Cư trú sửa đổi chiều nay (24/5), ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận định: Nếu không khéo thì cách làm này sẽ bị hiểu sang nghĩa làm luật để chống tội phạm.

“Luật này phải thể hiện và đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân. Hiện đọc luật tôi thấy tôi có quyền tự do cư trú nhưng nếu nhà nước không quản lý tốt thì tôi bị xâm phạm quyền này”, ông Nghĩa nói.

Nhận định chung của các ĐB là "dự thảo tuy nói tạo điều kiện tối đa cho người dân nhưng thực ra lại là siết chặt nhập cư". Các ĐB đều đồng tình: Tự do cư trú là quyền của công dân, đã được quy định trong Hiến pháp, luật cần đơn giản, dễ thực hiện và không vi hiến.

{keywords}
ĐB Trương Trọng Nghĩa: Luật phải đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân. Ảnh: Lê Anh Dũng

Vì vậy, không ít người, như ĐB Lê Việt Trường (An Giang), đặt câu hỏi: Quản lý dân cư bằng hộ khẩu liệu còn tồn tại bao lâu nữa?

“Trên quan điểm quản lý xã hội, quản lý dân cư nên theo hướng càng ngày càng đơn giản, thuận tiện, tạo điều kiện tối đa phục vụ nhân dân, chứ không làm được làm khó, siết chặt nhân dân bằng biện pháp hành chính”, ông Trường nói.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng hỏi thẳng: “Không biết tại sao chúng ta sử dụng hộ khẩu như giấy phép cơ bản trong mọi thủ tục hành chính, trong khi nó bản chất chỉ là công cụ trong quản lý trật tự trị an? Sao chúng ta lạc hậu vậy?”.

“Dân làm thủ tục gì cũng phải có hộ khẩu, tự dưng hộ khẩu thành giấy phép”, ĐB Lê Đông Phong (TP.HCM) nhận định. “Quản lý cư trú phải theo kịp phát triển kinh tế xã hội, đừng nặng về biện pháp hành chính”.

ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) thì chỉ ra Chính phủ cần nghiên cứu một cách căn cơ cách quản lý dân cư, “đừng để dân đi ra đường phải đem theo một túi hồ sơ”, cần đơn giản về thủ tục, đảm bảo quyền tự do của công dân nhưng quản lý có hiệu quả, tránh lãng phí cho cả công dân và nhà nước.

Trước những lý lẽ của cơ quan soạn thảo về việc hạn chế nguy cơ quá tải cho các đô thị lớn, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) lưu ý: "Dân đổ về các thành phố lớn, sống trong những điều kiện tồi tàn, là vì kế sinh nhai chứ không phải vì cái hộ khẩu, không cho đăng ký thì họ vẫn cứ đổ về, vẫn cứ ở".

ĐB Lê Việt Trường chỉ ra: “Không thể xây dựng đô thị rồi không cho ai đến ở, thành nhà hoang. Đó là yếu tố tự nhiên, nhà nước thò tay vào quản lý thì quản lý thế nào?”.

Một số quy định khác như xác nhận của địa phương về diện tích chỗ ở, sự đồng ý của người cho thuê, cho mượn nhà ở, hay bổ sung hành vi bị cấm là giả tạo điều kiện nhập cư..., bị các ĐB nhận định là "chỉ thuận tiện hơn cho những người thừa hành pháp luật chứ không thuận tiện hơn cho dân".

ĐB Trần Đình Long (Đắk Lắk) cho rằng nếu không giải quyết được căn cơ các vấn đề kinh tế - xã hội để đảm bảo quyền tự do cư trú của người dân thì chưa nên thông qua dự thảo luật này.

  • T.Chung - X.Linh - C.Quyên