- Trong khi các quan xã 'ăn chặn' những con gà, nhím giống cấp cho dân nghèo, thì ngay tại đây, lại có những học trò chắt chiu từng hạt gạo, con gà để giúp đỡ bạn vượt khó đến trường. 

"Con gà tình bạn'

Thời gian gần đây, bên cạnh thông tin gà, nhím giống cấp cho dân nghèo 'đi lạc' vào nhà quan xã ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam, ít ai nghĩ lại có những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa đến” biết sẻ chia với bạn nghèo bằng tình thương của nghĩa “bầu bí tương thân”.

Thầy Đỗ Chí Cường- Tổng phụ trách Đội - Trường tiểu học Quế Long kể rằng ở nơi xã nghèo này, bà con làm nông nên tất cả đều khó nghèo.

Tại trường tiểu học Quế Long có 267 học sinh thì có đến 31 em thuộc hộ nghèo, 51 em hộ cận nghèo. Ngoài ra, trường còn có 4 học sinh khuyết tật.

{keywords}
Những con gà tình bạn của học sinh nghèo xã Quế Long, huyện Quế Sơn đã giúp nhiều học sinh nghèo tiếp tục đến trường - (Ảnh: Nguyễn Trang)

Để giúp các em học sinh nghèo cùng đến trường, thầy và trò trường tiểu học Quế Long đã chung tay giúp bạn bằng chương trình “hũ gạo tình thương' và 'con gà tình bạn”.

Thầy Cường cho biết, đây là hai chương trình ý nghĩa. Qua đó, học sinh học cách giúp đỡ bạn cùng lớp, học kỹ thuật chăn nuôi, …và giáo dục đạo đức lối sống cho các em.

Chương trình được triển khai đến tất cả 10 lớp học. Mỗi bạn góp ít nhất 1 lon gạo, thời gian từ đầu năm học cho đến cuối kỳ.

Toàn bộ số gạo thu được, nhà trường đã trao tặng cho 10 em khó khăn, mỗi em 10 kg, để giúp các em vững bước đến trường.

Thật xúc động khi nghe em Đặng Thị Thùy Dung (lớp 4B, của trường THCS Quế Long) kể lại rằng, chính những 'hạt gạo tình thương' này đã giúp em tiếp tục đến trường. Nếu không, chắc em đã phải nghỉ học.

Cuộc sống của cô học trò nhỏ Đặng Thị Thùy Dung rất khó khăn. Em mồ côi mẹ từ nhỏ, nhà có 5 anh em, một mình người cha làm nông không đủ ăn nơi mảnh đất khó nghèo này.

Với chương trình 'con gà tình bạn', 20 con đầu tiên do chính các em nuôi lớn đã được trao tặng cho các bạn nghèo khó vào đầu năm học 2014.

Em Nguyễn Thị Thúy Nga, lớp 5B - một học sinh nghèo mồ côi cha nói rằng, nhờ gà giống của các bạn trong trường trao tặng, em đã nuôi lớn và bán lấy tiền mua thêm sách vở.

Quan xã 'ăn' nhím của người nghèo

Bên cạnh những hình ảnh xúc động này là thông tin đối lập về việc quan xã này 'ăn' nhím giống của người nghèo.

Theo báo cáo của Ban điều phối xây dựng Nông thôn mới thuộc Sở NN&PTNT Quảng Nam, UBND tỉnh đã giao cho huyện Quế Sơn hơn 3 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Ngày 09/6/2011, UBND huyện Quế Sơn đã giao cho UBND xã Quế Long 170 triệu đồng để thực hiện dự án phát triển sản xuất.

Ban Quản lý NTM xã Quế Long xây dựng phương án thực hiện 02 mô hình là mô hình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) và mô hình chăn nuôi nhím thương phẩm.

Đối với mô hình chăn nuôi nhím thương phẩm được xây dựng mô hình với tổng kinh phí là 216 triệu đồng hộ dân. Toàn bộ kinh phí trên đã được đầu tư mua 16 con nhím giống, gồm 12 con nhím giống trưởng thành (6 con cái và 6 con đực) và 4 con nhím con (2 con cái và 2 con đực). Tại thời điểm, mỗi con nhím giống tương đương với 1 con bò.

Sau khi Phương án nuôi nhím thương phẩm được phê duyệt, UBND xã Quế Long đã thông báo rộng rãi cho nhân dân trên địa bàn biết, đăng ký tham gia thực hiện mô hình.

Thời gian đăng ký từ ngày 30/12/2011 đến ngày 05/01/2012. Yêu cầu hộ dân đăng ký tham gia mô hình phải đóng góp xây dựng chuồng, trại, tâm huyết, trách nhiệm và phải hiểu biết trong việc nuôi nhím.

Theo Biên bản cuộc họp, Ban Quản lý xã 'đã thông qua việc thông báo rộng rãi để nhân dân đăng ký tham gia mô hình nhưng không có hộ dân nào đăng ký' nên đã thống nhất chọn 03 hộ là cán bộ xã đã có đơn xin nhận gồm ông Đỗ Đình Hùng, thôn  Lộc Thượng 2 (Phó Chủ tịch UBND xã) nhận 04 con nhím trưởng thành và 02 con nhím con.

Ông Trần Hữu Sáu, Phó Bí thư Đảng ủy xã nhận 04 con nhím trưởng thành và 01 con nhím con và ông Đỗ Văn Kiên, Chủ nhiệm HTXNN xã Quế Long nhận 04 con nhím trưởng thành và 01 con nhím con.

Sau đó, chính các hộ nghèo đã phát hiện và báo chí vào cuộc, phanh phui.

Chuyện gà, nhím giống của dân nơi huyện nghèo Quế Sơn 'đi lạc' vào nhà quan xã, nói như ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam là thiệt hại về kinh tế không lớn. Thiệt hại lớn nhất là mất lòng tin của nhân dân.

Những vị quan xã 'ăn bẩn' sẽ được xử lý nghiêm. Nhưng chả biết rồi đây, khi đối diện với những học trò nghèo đang sẻ chia từng hạt gạo, con gà để giúp nhau vượt khó đến trường, các vị quan này sẽ nghĩ gì?

Vũ Trung