Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng sáng nay (4/6) chủ trì họp Tổ công tác triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG).

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - VPCP Ngô Hải Phan cho biết, khi thực hiện dịch vụ này, người dân, DN sẽ nhận bản chứng thực điện tử có đầy đủ lời chứng, chữ ký và con dấu của cơ quan có thẩm quyền tại tài khoản của mình trên Cổng DVCQG hoặc email trong trường hợp chưa có tài khoản.

Khi thực hiện thủ tục hành chính khác người dân, DN chỉ cần dẫn tài liệu từ kho quản lý dữ liệu điện tử có bản sao chứng thực điện tử hoặc đăng tải file đã nhận để sử dụng, không phải đi chứng thực trực tiếp.

Việc này sẽ giúp giảm thời gian chờ đợi. Bản sao chứng thực điện tử được ký số và đóng dấu bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể sử dụng lại nhiều lần.

Ông Phan cho biết, theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, trong năm 2019, số lượng bản sao chứng thực được thực hiện là trên 102 triệu bản, nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực, chi phí xã hội tiết kiệm được là 428,4 tỷ đồng/năm.

Cán bộ, công chức tiếp nhận bản sao điện tử đã chứng thực có thể dễ dàng kiểm tra tính toàn vẹn, chính xác để giải quyết cho thủ tục tiếp theo.

Nếu không nhập cuộc sẽ bị loại khỏi vòng chơi

Đại diện Hiệp hội Công chứng Việt Nam cho biết, hiện có trên 1.100 tổ chức hành nghề công chứng với trên 3.000 công chứng viên. Sau khi xã hội hóa tổ chức ngành nghề công chứng, hiện nay sự quá tải công chứng không còn như trước.

Việc áp dụng bản sao công chứng điện tử giúp người dân không phải làm lại nhiều lần nhưng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến thu nhập của các công chứng viên.

{keywords}
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, VPCP

Về vấn đề bảo mật, Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết sẽ cung cấp dịch vụ kiểm tra tính hợp lệ của chữ ký số, bảo đảm tính an toàn, toàn vẹn của bản sao chứng thực điện tử đã cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Cán bộ công chức có thể sử dụng chứng thực số để đăng nhập. Theo Ban cơ yếu Chính phủ, đây là một biện pháp quản lý để hạn chế truy cập trái phép vào hệ thống. Ngoài ra, đơn vị sẽ xây dựng và công bố dịch vụ ký số, chứng thực bản sao trên Cổng DVCQG.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong quá trình tiến tới xã hội số, nền kinh tế số, đẩy mạnh giao dịch điện tử thì việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính rất quan trọng.

Thay vì truyền thống chứng thực bản sao cấp kết quả giấy thì sẽ sử dụng dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVCQG và cấp bản sao điện tử.

“Nếu chúng ta không nhập cuộc sẽ bị loại khỏi vòng chơi. Chúng ta phải thay đổi tư duy để tạo thuận lợi cho người dân”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. 

Dự kiến dịch vụ này sẽ được khai trương vào ngày 1/7.

Đến nay, Cổng DVCQG đã có trên 41 triệu lượt truy cập; 159 nghìn tài khoản đăng ký; 9 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 102 nghìn hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ngoài ra, cổng cũng tiếp nhận, hỗ trợ trên 12 nghìn cuộc gọi của người dân, DN. Đến nay Cổng DVCQG đã tích hợp, cung cấp 458 dịch vụ công trực tuyến (203 cho công dân, 266 cho DN).

Thu Hằng

Bấm nút làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ nghỉ việc do Covid-19

Bấm nút làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ nghỉ việc do Covid-19

Từ hôm nay, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ cung cấp thêm 6 dịch vụ công để hỗ trợ cho người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.