- Dự thảo mới nhất luật Phí, lệ phí vẫn chưa giải quyết được vấn đề giữ hay bỏ phí sử dụng đường bộ.

Khi đưa ra thảo luận ở kỳ họp trước và dấy lên nhiều tranh cãi, dự thảo luật Phí, lệ phí nhận được nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị bỏ phí sử dụng đường bộ đối với xe máy.

Cơ quan thẩm tra, UB Tài chính Ngân sách QH giải trình: Phí sử dụng đường bộ là một loại phí thu thuộc lĩnh vực giao thông nằm trong danh mục kèm dự thảo luật, áp dụng cho nhiều loại phương tiện tham gia lưu hành nhằm mục đích tạo nguồn thu phục vụ cho công tác bảo trì đường bộ.

{keywords}
 Chủ tịch QH: Hàng trăm thứ phí ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh vẫn để lại tiếp tục vầy vò. Ảnh: VOV

Trong dự thảo luật không ghi thành một danh mục riêng, việc quy định chi tiết các loại phương tiện thuộc đối tượng điều chỉnh của khoản phí này và mức thu cụ thể do Chính phủ quy định, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của công tác quản lý theo từng thời kỳ, Chính phủ sẽ quyết định thu hoặc dừng thu đối với từng loại phương tiện cụ thể.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ xem xét, quyết định dừng thu phí đối với xe máy. Vì vậy, dự thảo luật giữ nguyên để Chính phủ điều chỉnh loại phí cụ thể này.

Cho ý kiến tại UB Thường vụ QH hôm nay, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu kiến nghị sớm có điều chỉnh vấn đề này: "Tôi đi tiếp xúc thấy cử tri tâm tư nhiều, người chấp hành nghiêm túc đóng phí với người không đóng đều như nhau, không có chế tài gì rõ ràng cả. Lại có chuyện có địa phương thu, có địa phương không thu".

Ông Giàu muốn Chính phủ có quyết định sớm để giải quyết mâu thuẫn này trong dân, giảm khó khăn cho cán bộ địa phương.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý thì lấy ví dụ HĐND TP.HCM thu phí này cao lên trong khi HĐND Đà Nẵng lại bỏ không thu, để chỉ ra dù đã phân cấp, loại phí này vẫn vấp phải nhiều bất cập.

Học phí, viện phí theo luật Giá

Dự thảo luật Phí, lệ phí trình lần này đã đưa học phí và viện phí ra khỏi danh mục phí, lệ phí, chuyển sang cơ chế giá, thực hiện theo luật Giá và theo lộ trình thị trường.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình việc này nhưng lưu ý về lộ trình tính hai loại giá này theo cơ chế thi trường: Không bắt người dân trả 100% mà phải dựa trên ba yếu tố: phúc lợi xã hội (nhà nước lấy thuế mà dân nộp để đầu tư, chi trả); an sinh xã hội (người nghèo thì được nhà nước hỗ trợ, người có tiền nộp thì mua bảo hiểm); và tiền túi của dân (chiếm không quá 50% giá).

"Có như vậy mới công bằng, và khi tăng giá thì các Bộ Giáo dục, Y tế phải giải thích rõ cơ chế giá để người dân yên tâm, chứ không mỗi lần nghe tăng giá là người dân lại lo lắng", bà Mai nói.

Cũng đồng tình đưa hai khoản này ra khỏi danh mục phí, lệ phí, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần phải đưa nhiều khoản phí, lệ phí khác đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân ra.

Ông lấy chuyện "một cân thịt gà 14 loại phí" hôm chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát ra làm ví dụ về sự bất hợp lý của các loại phí, lệ phí.

"Thủ tướng nói phải cải cách hành chính để VN thoát khỏi ASEAN 4 mà lên ASEAN 6, nhưng đưa ra những luật như thế này thì bao gimới làm được. Luật này thông qua là ảnh hưởng đến toàn sân, là vấn đề nhức nhối, ĐBQH phát biểu như thế mà tiếp thu vẫn thế này", Chủ tịch QH tỏ ý không hài lòng.

"Các gì là giá thì phải đưa ra, nhưng sao chỉ đưa ra giáo dục, y tế, còn lại hàng trăm thứ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh thì để lại tiếp tục vầy vò".

Ông yêu cầu luật làm rõ khái niệm và tính chất của lệ phí và phí, bớt đi chứ không để nhiều như hiện nay, có một danh mục cụ thể để QH quản lý việc thu hay không, sau đó phân cấp mức thu cho CP và HĐND.

"Thu cao hay thấp họ quyết họ chịu trách nhiệm trước dân, nhưng không ai có quyền đẻ thêm", Chủ tịch QH yêu cầu thủ tục hành chính của việc thu và nộp phí, lệ phí cũng phải thật đơn giản.

Nhận định dự thảo luật gần như "bê nguyên từ pháp lệnh sang không có gì mới, pháp lệnh thì làm từ hồi tôi là bộ trưởng, cổ điển quá rồi", ông Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở rằng nếu ĐBQH chưa bằng lòng là không bấm nút.

Nhấn mạnh việc "thu của dân rất phức tạp", Chủ tịch QH cho rằng không cần vội vàng, kỳ họp cuối năm nay thông qua được là tốt, không kịp thì năm sau.

Chung Hoàng