Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

{keywords}
Hành khách khai báo y tế trước chuyến bay tại sân bay Nội Bài. Ảnh: V.Đ

Theo Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với các biến chủng mới tại bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu. Nguy cơ sẽ tăng cao khi cả nước thực hiện nới lỏng và cho phép các phương tiện vận tải hành khách hoạt động trở lại. 

Tại Hà Nội, mặc dù đã cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 cho người trên 18 tuổi, nhưng số người trên 50 tuổi trả mũi 2 còn thấp (khoảng 20%). Số lượng người cao tuổi, người có bệnh nền không đủ điều kiện tiêm vẫn rất lớn. Hiện cũng chưa có vắc xin tiêm cho người dưới 18 tuổi. 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch và quản lý di biến động dân cư chưa được hoàn thiện. Dự kiến có hàng triệu sinh viên, người lao động, các nhà đầu tư, chuyên gia, doanh nghiệp từ các địa phương khác chưa hoàn thành công tác tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19 sẽ trở lại và hoạt động trên địa bàn thành phố.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các đơn vị từ Thành phố đến cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm đảm bảo mọi người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất. 

Thống nhất trong việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với lộ trình từng bước, chặt chẽ, phù hợp, khả thi; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an dân, an sinh, trật tự, an toàn xã hội. 

Trong phòng, chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài; tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị là điều kiện tiên quyết, tiếp tục thực hiện yêu cầu 5K và quét mã QR code, đề cao ý thức người dân với lực lượng y tế là nòng cốt cùng với các lực lượng quân đội, công an,... động viên sự tham gia của tất cả các lực lượng, các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là chính quyền cơ sở.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu tập trung đầu tư, tiếp tục hiện đại hoá, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Rà soát trang thiết bị các trạm y tế xã, phường, thị trấn; có kế hoạch bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế (nhất là ô xy) đầy đủ đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm người dân được tiếp cận y tế sớm nhất…

Phối hợp với Bộ Y tế báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia đảm bảo phân bổ vắc xin kịp thời để thực hiện tiêm phủ mũi 2 theo kế hoạch đã đề ra và sớm tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi trên địa bàn Thành phố.

Duy trì công tác xét nghiệm tầm soát các đối tượng, khu vực có nguy cơ cao theo chỉ định của ngành Y tế; khi phát sinh F0 khẩn trương phong tỏa, cách ly, khoanh vùng hẹp, quản lý chặt, truy vết nhanh, xét nghiệm và trả kết quả trong thời gian ngắn nhất để xử lý kịp thời, kiểm soát hiệu quả.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển

Ban Thường vụ Thành ủy lưu ý việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách, có giải pháp tổng thể, tiếp tục xã hội hóa công tác an sinh xã hội trong thời gian tới đảm bảo không bỏ sót đối tượng và không ai bị bỏ lại phía sau. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch và tham nhũng, tiêu cực.

Các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và thống nhất áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh đảm bảo hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hoá, không để xảy ra ách tắc cục bộ; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển bảo đảm an toàn, an ninh và các yêu cầu phòng, chống dịch.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, thống nhất một ứng dụng công nghệ để bảo đảm kết nối, liên thông, thuận lợi cho người dân khi sử dụng và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. 

Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND Thành phố và các cơ quan liên quan xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với lộ trình cụ thể, khả thi.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 để các cấp, các ngành có cơ sở triển khai thực hiện.

Chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, không chủ quan, lơ là; đảm bảo phương châm "bốn tại chỗ"; thực hiện việc mua sắm để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, phòng, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng. 

Thực hiện việc xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế người đến từ vùng dịch, từ các địa phương khác; người nhập cảnh (bao gồm trẻ em chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin) theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế; người hoàn thành cách ly tập trung được di chuyển thuận lợi về nơi cư trú/lưu trú, làm việc để phục vụ khôi phục và phát triển sản xuất. Tiếp tục triển khai tiêm chủng mũi 2 ngay khi được phân bổ vắc xin.

Cập nhật các thông tin, dữ liệu phục vụ việc xác định cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Căn cứ tình hình dịch trên địa bàn thực hiện công bố mức độ dịch và các biện pháp áp dụng tương ứng; trong trường hợp cần thiết đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh các biện pháp phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của Thành phố...

Hương Quỳnh

Phó Thủ tướng nhắc Hà Nội và các địa phương không cát cứ để đi lại thông suốt

Phó Thủ tướng nhắc Hà Nội và các địa phương không cát cứ để đi lại thông suốt

"Chúng ta không dùng các biện pháp hạn chế hoặc ngăn cản đi lại, đặc biệt là vận tải hàng hóa qua các tỉnh thành để làm sao lưu thông được thông suốt trong cả nước".