Bạn Võ Văn Hùng hỏi: Tôi muốn hỏi trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 chúng tôi (người dân) có được ra đường để đến ngân hàng giao dịch khi cần thiết như rút tiền hay gửi tiền, giao dịch tín dụng không?

Bạn Lê Thiết Hùng hỏi: Độc giả không có giấy đi đường, muốn lên cơ quan nhận lương bằng tiền mặt (đi ngoài giờ làm việc) có được không? Trường hợp muốn ra ngân hàng giao dịch thì cần những giấy tờ gì?

Tương tự, bạn đọc có địa chỉ e-mail: thuydung…@gmail.com cũng bày tỏ: “tôi có thể ra ngân hàng được không?”.

Chúng tôi đã liên hệ với ngành chức năng tại các điểm chốt trên địa bàn Hà Nội thì được biết:

Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu rõ: Mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.

{keywords}
Người dân được phép ra đường phải chấp hành đầy đủ các quy định trong phòng chống dịch. Ảnh: Đoàn Bổng

Mặc dù các chỉ thị trên không quy định cụ thể về việc người dân được đến ngân hàng rút tiền hay giao dịch, nhưng vẫn quy định, ngân hàng được phép hoạt động. Vì vậy, người dân đến ngân hàng giao dịch hoặc ra cây ATM rút tiền để mua thực phẩm là lý do chính đáng, sẽ không bị xử phạt.

Tuy nhiên, người dân phải có đủ giấy tờ để chứng minh với lực lượng tại các chốt là mình ra khỏi nhà thực hiện việc cấp thiết. Chẳng hạn, với các giao dịch như sổ tiết kiệm, sổ đỏ đến ngày làm các thủ tục thanh toán hết kỳ hạn như giải tín chấp, lĩnh lãi cuối kỳ, người dân mang theo các giấy tờ liên quan, cùng căn cước công dân đến ngân hàng giải quyết các thủ tục nói trên.

Với những người ra cây ATM rút tiền, hiện ngành chức năng đã phát phiếu đi chợ thì nên ra ngoài kết hợp cả 2 việc này. Đặc biệt lưu ý, không nên viện cớ đi lòng vòng, đến những điểm quá xa ATM, hoặc đi hẳn sang địa bàn của phường khác, trừ trường hợp cây ATM ở ngay gần đó. Và đi mua thực phẩm chỉ được đi 1 người. 

Trường hợp độc giả muốn lên cơ quan nhận lương bằng tiền mặt (đi ngoài giờ làm việc) và không có giấy đi đường thì không thể có căn cứ chứng minh được việc mình làm. Nếu bạn muốn qua các chốt thì cần xin giấy xác nhận của chính quyền địa phương theo mẫu quy định của UBND TP Hà Nội. 

Theo ngành chức năng, người dân chứng minh được việc mình ra ngân hàng, đi ra cây ATM rút tiền,... là chính đáng, thì lực lượng tại các chốt sẽ xem xét tạo điều kiện. Người dân cần nghiêm túc thực hiện các quy định giãn cách, tránh lợi dụng lý do thiết yếu để ra ngoài làm việc khác. 

Ban Thời sự

>>> Xem thêm hỏi đáp Covid-19 mới nhất  

Trong thời gian Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17, bạn đọc có những thắc mắc hay chưa nắm rõ những quy định nào trong đời sống, sinh hoạt hãy gọi số điện thoại đường dây nóng 19001081 hoặc gửi tới địa chỉ e-mail banthoisu@vietnamnet.vn. Chúng tôi sẽ liên lạc với các cơ quan chức năng để trả lời quý bạn đọc đầy đủ và nhanh chóng nhất có thể.
Giải đáp vấn đề nóng về Chỉ thị 17 ở Hà Nội và Chỉ thị 12 tại TP.HCM

Giải đáp vấn đề nóng về Chỉ thị 17 ở Hà Nội và Chỉ thị 12 tại TP.HCM

Hàng loạt băn khoăn của người dân về các vấn đề nóng trong thời gian Hà Nội, TP.HCM cách ly xã hội... sẽ được VietNamNet gửi tới cơ quan chức năng để có câu trả lời nhanh chóng nhất.