Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra sáng nay (27/6), Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tinh thần hợp tác đầu tư, đoàn kết để vượt qua khó khăn, khôi phục và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covdid-19 không chỉ là quyết tâm của Hà Nội, của Việt Nam mà là của các nước trên thế giới.

Muốn có đại bàng phải có tổ lớn, muốn có cá to phải có ao sâu

Bí thư Hà Nội cho hay, ngay sau hội nghị này, TP sẽ chỉ đạo các đơn vị hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục cần thiết, triển khai giải phóng mặt bằng, giao quỹ đất sạch để khởi động ngay các dự án đã được trao chủ trương đầu tư.

“Thủ tướng có nói 60% dự án này triển khai được là tốt rồi, nhưng thành phố phấn đấu 100% dự án này đưa vào triển khai trong thời gian tới”, ông Huệ nói.

{keywords}
Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Vương Đình Huệ

Trong đó, Hà Nội sẽ tập trung các dự án phù hợp với định hướng, có tính chất động lực cho sự phát triển của Hà Nội; các dự án về chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường; các dự án hạ tầng sản xuất, cụm công nghiệp…

“Như quý vị đã nói, muốn có đại bàng thì phải có tổ lớn, hay muốn có cá to thì phải có ao sâu, Hà Nội không chỉ chuẩn bị tổ cho đại bàng mà còn chuẩn bị hạ tầng cho làng nghề, cho các DN nhỏ và vừa nữa”, Bí thư Hà Nội khẳng định.

Cụ thể, trong dự thảo báo cáo chính trị chuẩn của Đại hội Đảng bộ lần thứ 17 (dự kiến diễn ra cuối tháng 10/2020), Hà Nội đặt mục tiêu trở thành một đô thị xanh, văn minh, hiện đại.

“Tới năm 2025, Hà Nội là TP có năng lực cạnh tranh cao trong nước và khu vực, đến năm 2030 là TP cạnh tranh quốc tế với thu nhập bình quân đầu người 13-14 nghìn USD, đến 2045 Hà Nội là TP toàn cầu với thu nhập bình quân đầu người 36 nghìn USD”, ông Huệ thông tin.

TP Hà Nội đang đề nghị với Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong khi chờ điều chỉnh quy hoạch chung, Hà Nội quyết tâm phấn đấu sẽ phủ đầy các quy hoạch phân khu, đặc biệt là các quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng cho biết, hiện Hà Nội đang triển khai Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Thủ đô phát triển. Về dài hạn, TP cũng sẽ kiến nghị sửa Luật Thủ đô để tạo hành lang pháp lý, đòn bẩy cho thủ đô phát triển hơn nữa.

Điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư

Phát biểu khai mạc trước đó, ông Huệ cho biết, hội nghị này nhằm thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, kết luận số 77 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ…

“Việc tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” sau khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi sẽ là thông điệp mạnh mẽ của  Hà Nội trong kiên trì thực hiện chỉ đạo của TƯ về thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư”, ông Huệ nhấn mạnh.

Qua hội nghị, Hà Nội tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh trong năm 2020.  Đây cũng giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh.

Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2020, tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và phấn đấu hoàn thành 285.000 tỷ đồng dự toán thu ngân sách năm 2020.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho rằng muốn Hà Nội phục hồi kinh tế nhanh chóng nên khuyến khích nhân sự các công ty nước ngoài sớm quay trở lại Việt Nam. Nhật Bản sẵn sàng đẩy nhanh hơn nữa việc đưa người lao động Nhật Bản trở lại Hà Nội và Việt Nam.

Đại sứ cũng đề nghị Việt Nam triển khai nhanh các gói hỗ trợ DN và đẩy nhanh các dự án đầu tư phát triển hạ tầng. Nhật Bản sẵn sàng cung cấp vốn ODA đáp ứng tiến độ của các dự án đã ký kết.

“Đại dịch Covid-19 là thách thức to lớn, nhưng cũng mở ra cơ hội mang tính lịch sử đối với Hà Nội và Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng lớn lao rằng, hội nghị này sẽ là cột mốc quan trọng, giúp Hà Nội tận dụng được những cơ hội lịch sử đang hiển hiện trước ngưỡng cửa”, Đại sứ Yamada Takio nói.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hùng Ba chúc mừng Hà Nội và Việt Nam vượt qua đại dịch thành công, đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Hùng Ba, Hà Nội cũng như Việt Nam đã trở thành điểm đến quan trọng về vốn đầu tư toàn cầu, bao gồm vốn từ Trung Quốc.

{keywords}
Các nhà đầu tư được trao giấy chứng nhận ngay tại hội nghị

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tại hội nghị này, Hà Nội sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng, với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Tổng số dự án, số vốn tăng tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với hội nghị năm 2016.

Ngoài ra, TP cùng các nhà đầu tư ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD. Trong đó, 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước, 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài.

Hà Nội cũng công bố danh mục 282 dự án mong muốn thu hút đầu tư với tổng vốn dự kiến 483.100 tỷ đồng.

Thu Hằng

‘Dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ’

‘Dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ’

Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng khuyến nghị không vì quá tập trung vào đón các nhà đầu tư ngoại, mà chúng ta "bỏ rơi" những doanh nghiệp nội địa.