Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 06 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố”.  

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nhận định, sau 40 ngày thực hiện 3 đợt giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố đã đạt được một số kết quả bước đầu. 

{keywords}
Tại các khu vực có nguy cơ rất cao, Hà Nội yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần. Ảnh: Trần Thường

Tuy nhiên, tình hình diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp, việc kiểm soát dịch bệnh ở một số địa phương chưa vững chắc, nhất là ở khu vực mật độ dân cư cao, chật hẹp với nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ hay nhiều nhà chung cư cũ, các chợ dân sinh, các khu vực đã được phong tỏa; có nơi còn biểu hiện lơi lỏng trong tổ chức thực hiện giãn cách xã hội, còn có hiện tượng “chặt ngoài, lỏng trong”. 

Ngoài ra, vẫn còn phát sinh ổ dịch mới trong cộng đồng; các ca dương tính với SARS-CoV-2 mới được phát hiện tại các khu chợ dân sinh, siêu thị không rõ nguồn lây; xảy ra với cả lái xe “luồng xanh”, lái xe giao hàng (shipper)... 

Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Thành ủy đặc biệt lưu ý 6 nhóm nội dung quan trọng cần tập trung thực hiện. 

Trong đó, trước hết, các cấp, toàn thành phố phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. 

Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, toàn thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt, triệt để, nghiêm túc, có hiệu quả thực chất việc giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, đặc biệt là kiểm soát chặt hơn, cần thiết áp dụng cao hơn một mức việc thực hiện giãn cách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại hệ thống các chốt ra vào thành phố, các chốt của quận, huyện, thị xã và tại cơ sở, đường mòn, lối mở, đường thủy, đường sắt; siết chặt kiểm tra người và phương tiện, không để lọt người từ các vùng có dịch vào Thành phố mà không được kiểm tra dịch tễ; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp cố tình vi phạm.

Có các giải pháp quyết liệt hạn chế người dân ra đường, nhất là khu vực phong tỏa, nơi có nguy cơ cao, chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”; học tập, nhân rộng các mô hình đang được tổ chức thực hiện hiệu quả tại các địa phương; trọng tâm là siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát từ các ngõ, phố, kiểm tra lưu động trên các tuyến đường gắn với kiểm tra các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm về phòng, chống dịch Covid-19, việc cấp và sử dụng giấy đi đường... 

Tổ chức triển khai mô hình “Gia đình an toàn Covid-19”, kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu từng hộ gia đình ký cam kết ở trong nhà, không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, “ai ở đâu, ở đó”. Huy động sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của từng người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch.

Kích hoạt các khu cách ly tập trung bảo đảm trên 100.000 chỗ

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo xây dựng phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 trên địa bàn Thành phố theo phương châm siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”. 

Đối với khu vực “vùng xanh”, giao Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt từng phương án để tổ chức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sản xuất hàng hóa cho khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các lực lượng chức năng đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, coi đây là biện pháp mũi nhọn tập trung ưu tiên nguồn lực để xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ cao, các vùng phong tỏa, cách ly, nhằm bóc tách triệt để các ca F0, truy vết F1 để chuyển cách ly tập trung; từng bước làm sạch, chuyển “vùng đỏ” thành “vùng da cam”, chuyển “vùng da cam” thành “vùng xanh”; tiến tới tổ chức xét nghiệm diện rộng cả “vùng xanh” đưa Thành phố trở về trạng thái bình thường mới. 

Tại các khu vực có nguy cơ rất cao, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần; tại các khu vực có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5-7 ngày/lần; các khu vực khác lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.

Đối với biện pháp tiêm vắc xin, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị tiếp tục nâng cao năng lực các dây chuyền tiêm với sự tham gia của các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện của các bộ, ngành, y tế tư nhân, y tế cơ sở; sẵn sàng tổ chức tiêm quy mô lớn, bảo đảm an toàn, đúng quy định khi tiếp nhận thêm vắc xin.

Chủ động kích hoạt các khu cách ly tập trung bảo đảm trên 100.000 chỗ cho các đối tượng F1 và khẩn trương kiểm tra, rà soát sẵn sàng tăng công suất cách ly để đáp ứng yêu cầu thực tế; khẩn trương chuẩn bị đầy đủ 20.000 giường và sẵn sàng lên 30.000 giường cho các cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế…

Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu tiếp tục quan tâm chăm lo làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội; khẩn trương đẩy nhanh việc triển khai hỗ trợ các đối tượng theo các quy định của Trung ương, Thành phố, không để chậm trễ.

Hương Quỳnh

 

CDC Hà Nội nói về khả năng kéo dài giãn cách sau ngày 6/9

CDC Hà Nội nói về khả năng kéo dài giãn cách sau ngày 6/9

Nếu số lượng F0 trong cộng đồng vẫn tăng và ý thức chấp hành giãn cách của người dân chưa thực sự tốt như hiện nay, Hà Nội có khả năng phải kéo dài giãn cách xã hội, ít nhất thêm nửa chu kỳ.