Trước thềm hội nghị của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại TP Cần Thơ, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với GS Võ Tòng Xuân xung quanh hiệu quả của Nghị quyết 120.

Vì sao ông gọi Nghị quyết 120 là Nghị quyết “Thuận Thiên”?

GS Võ Tòng Xuân: Tháng 11/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định ban hành Nghị quyết số 120 về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Bản Nghị quyết còn có tên gọi đặc biệt khác là “Thuận Thiên”.

{keywords}

 GS Võ Tòng Xuân: Nghị quyết 120 gỡ “vòng kim cô” cho người nông dân

Hai chữ “thuận thiên” ấy được bắt đầu từ một cuộc trò chuyện ngắn ngủi trên bàn ăn giữa tôi và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi tôi được mời tham dự Hội nghị về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ.

Lúc đó, tôi mạnh dạn trình bày với Thủ Tướng: “nông dân miền Tây mình đang mắc vào vòng kim cô rất lớn”.

Thủ tướng yêu cầu giải thích, tôi bảo 'vòng kim cô' chính là vấn đề trồng lúa. Người ta trồng lúa để làm theo chính sách an ninh lương thực. Đến khi lúa đã dư rồi vẫn phải trồng. Trồng hết đất bình thường rồi thì ra đến đất ven biển. Thậm chí người ta ngăn mặn, đưa nước ngọt cách xa hàng trăm km để có nước trồng lúa ở vùng ngọt hoá.

{keywords}
Hạn mặn - nỗi ám ảnh hàng năm của người dân trồng lúa ở ĐBSCL 

Nhà nước buộc nông dân trồng lúa ở vùng mặn, trong khi lẽ ra ở đây người ta nuôi tôm, nuôi cá, sinh lời…Đó chính là ta đi ngược với thiên nhiên, chống lại quy luật tự nhiên. Đó là không thuận thiên. Lúc ấy, Thủ tướng mới vỡ lẽ.

Và khi kết thúc kỳ họp, Thủ tướng đã đồng ý dùng 2 chữ “thuận thiên” làm tôn chỉ cho Nghị quyết 120.

Người nông dân phải thay đổi mình

Như vậy, chúng ta cần phải biến nguy cơ thành cơ hội và xây dựng người nông dân kiểu mới? 

Đúng như vậy, nói “thuận thiên” tức là biến nguy cơ thành cơ hội, khi đó chúng ta không còn xem nước mặn là kẻ thù, không phải là nguy cơ nữa.

Trước đây, có quan điểm đó là do chúng ta chỉ nghĩ đến chuyện trồng lúa, nên xem nó là kẻ thù, thách thức. Giờ với Nghị quyết "thuận thiên", thì nước biển là bạn, phải sống chung với nó.

Từ đó, các vùng tại ĐBSCL bắt đầu đầu tư làm thuỷ lợi, mương tưới tiêu để quản lý nước mặn. Khi tới mùa mưa, nông dân cứ trồng lúa như bình thường, đến mùa nắng phải có hệ thống kiểm soát nước mặn để nuôi tôm.

Trước đây, người ta trồng lúa, nuôi tôm thường là làm tự phát, việc tự phát này đã làm trước khi có Nghị quyết 120. Ông trồng lúa thì lén dẫn nước ngọt hóa, ông nuôi tôm thì đưa nước mặn vào, nghịch lý này khiến người nông dân khổ sở theo mùa.

Bởi thế, hệ lúa – tôm ra đời từ năm 1980. Nhiều nông dân cứ làm mà nhà nước không đầu tư. Vì, dính tới lúa thì nhà nước mới đầu tư, còn tôm thì không được đầu tư.

{keywords}
Vựa lúa ĐBSCL sẽ tăng cả số lượng lẫn chất lượng với Nghị quyết 120

Tuy nhiên, khi triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ, các địa phương còn lúng túng, vì khái niệm này người ta nghe không quen; bởi chính sách mới phải đi kèm theo văn bản hướng dẫn, rồi kinh phí đầu tư.

Ví dụ, mình có chính sách về an ninh lương thực thì phải có kinh phí đầu tư cho đồng lúa; có kinh phí hàng năm làm thuỷ lợi để nông dân thấy có đủ điều kiện thì nhảy vào trồng lúa.

Do đó, khi Nghị quyết 120 được ban hành, nông dân cũng phải thay đổi để trở thành những người nông dân kiểu mới. Nông dân phải tham gia vào hợp tác xã kiểu mới để nâng cao năng suất, thu nhập tăng lên. Hợp tác xã phải gắn liền với doanh nghiệp và doanh nghiệp phải gắn liền với thị trường. Song, việc này phải có bàn tay của Nhà nước “chăm sóc”, chứ đừng để họ tự làm.

Nhiều tỉnh phấn khởi với Nghị quyết 120

Nghị quyết 120 đi vào cuộc sống như thế nào, thưa Giáo sư?

Với Nghị quyết 120, nhiều tỉnh rất phấn khởi vì trước đó họ làm ngơ cho nông dân tự làm, nhưng khi có nghị quyết rồi họ thay đổi cách quản lý.

Qua 3 năm triển khai Nghị quyết, mình thấy cái rõ ràng nhất về “thuận thiên” là hệ thống canh tác lúa luân canh với nuôi tôm đã phát triển vượt bậc.

Từ đó, thu nhập của người nông dân cũng khá lên. Hiện các tỉnh ven biển ĐBSCL rất phấn khởi với những vùng chuyển đổi được quy hoạch mới, hàng ngàn hecta lúa-tôm đã đem lại lợi tức gấp 4-5 lần trồng lúa độc canh trước đây.

Còn những vùng bị hạn nhưng không mặn thì nông dân đã chuyển sang trồng mè, sen, các loại cây ăn trái khác…

Theo tôi đánh giá, trong 3 năm thực hiện Nghị quyết 120, có những thay đổi rõ nét, nông dân được hưởng được lợi ích rất lớn từ Nghị quyết.

Năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19 chúng ta đã xác lập nhiều kỷ lục khi sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã vươn xa tới gần 190 thị trường thế giới, xuất khẩu nông sản đạt mốc 41,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Nhiều loại quả như vải thiều, chôm chôm, thanh long, vú sữa, xoài, nhãn… đã có mặt tại những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, giá trị tăng gấp 20-30 lần so với trong nước.

Về gạo, khối lượng gạo xuất khẩu giảm 3,5% nhưng tăng 9,3% về giá trị, trong đó gạo chất lượng cao chiếm 85% gạo xuất khẩu. Chúng ta có thời điểm đã vượt hẳn qua Thái Lan. 

{keywords}
 Vựa lúa ĐBSCL sẽ tăng cả số lượng lẫn chất lượng với Nghị quyết 120

Để Nghị quyết 120 đạt mục tiêu như mong muốn, phải tiếp tục thay đổi để có định hướng rõ ràng. Nhà nước phải nhúng tay vào để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp. Phải có chiến lược, định hướng nơi nào thích hợp trồng cây, con gì để phát triển tối đa, cho thu nhập của người nông dân tăng lên.

Nhà nước cần phải tiếp tục định hướng, quy hoạch phù hợp hơn nữa. Như vùng tiếp giáp với Campuchia, từ Kiên Giang đến Long An nước ngọt luôn luôn có nên có thể làm 3 vụ lúa/năm hoặc 5 vụ/2 năm, để đảm bảo an ninh lương thực. Đây là vùng có thể sản xuất ra tất cả loại lúa từ cao cấp đến lúa thường.

Ở vùng giữa như: một phần của Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang… mùa mưa vẫn có thể trồng lúa được. Nhưng đây là vùng có thể xây dựng lại đồng ruộng để trồng cây ăn trái, rau màu chuyên canh.

Nhà nước phải có định hướng nơi nào trồng cây gì, nuôi con gì…khi đó nông dân được tập huấn quy trình, cách trồng cây, đến khi có thu hoạch bán cho doanh nghiệp thì có thương hiệu. Từ đó, doanh nghiệp bán cho khách hàng trong và ngoài nước. Mình phải hình thành chuỗi như thế.

Ở vùng ven biển thì thực hiện mô hình lúa - tôm hoặc nuôi tôm thâm canh, thậm chí nuôi tôm dưới rừng.

Xin cám ơn GS Võ Tòng Xuân.  

Từ trăn trở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới Nghị quyết 120

Từ trăn trở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới Nghị quyết 120

Từ những trăn trở của các nhà lãnh đạo như Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt cho tới Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ xác định bốn quan điểm chỉ đạo mở ra một chặng đường mới cho ĐBSCL là một chặng đường dài. 

Hồ Văn - Hoài Thanh thực hiện