Làng Quất Động nằm ngay ven đường quốc lộ, thuộc xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đây được xem là quê hương “đất tổ” của nghề thêu tay truyền thống Việt Nam.

Từ bao đời nay, người dân Quất Động vẫn sống gắn bó với nghề truyền thống. Thế hệ đi trước truyền dạy cho con cháu, cứ thế lưu giữ và phát triển nghề đến ngày nay.

Thêu có ở nhiều nơi, nhưng để đạt đến trình độ tinh xảo, điêu luyện như thế thì chỉ có ở Quất Động. Để tạo nên một tác phẩm thêu hoàn chỉnh, các nghệ nhân phải tiến hành rất nhiều công đoạn như: vẽ mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ mầu rồi mới tiến hàng thêu.

{keywords}
Người thợ nghề thêu ở làng Quất Động

Thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường cộng với đức tính cẩn thận, cần mẫn.

Ở Quất Động đầu những năm 90 có nhiều xưởng thợ. Xưởng to quy tụ chừng 200 tới 500 tay kim. Khi bước sang nền kinh tế thị trường, có những thời điểm, làng nghề tưởng chừng bị mai một, nhưng dân làng Quất Động vẫn kiên trì giữ nghề. Ngày nay hầu như nhà nào cũng có 2-3 người làm nghề.

Hiện nay, làng nghề thêu tay Quất Động là điểm đến của nhiều khách tham quan và mua sản phẩm thêu. Bên cạnh đó, các sản phẩm thêu tay Quất Động cũng đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ…

Một trong những người thêu có tiếng của làng nghề này là chị Hoàng Thị Khương (SN 1966, Quất Động).

Năm 2015, chị Khương được Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội trong lĩnh vực thêu tranh truyền thống.

Trải qua một trận ốm, bị liệt một chân nhưng chị vẫn nỗ lực vươn lên với nghề thêu.

‘Mang theo khiếm khuyết của cơ thể, tôi nghĩ mình không có khả năng làm tốt việc gì. Vì vậy 8 tuổi, tôi đã học cách cầm kim và thêu những mũi thêu đầu tiên”, chị Khương chia sẻ.

Đến nay, 40 năm đã trôi qua, chị Khương vẫn tiếp tục gắn bó với nghề.

{keywords}
Nghệ nhân Hoàng Thị Khương (SN 1966, Quất Động, Thường Tín, Hà Nội).

Theo chia sẻ của chị Khương, chính vì niềm đam mê với nghề truyền thống của quê hương, chị đã cần mẫn làm việc và đào tạo nghề thêu cho hàng trăm trẻ em và những người khuyết tật.

Tới năm 1996 chị bắt đầu làm tranh thêu để bán. Tới năm 2013, được sự động viên của bạn bè, người thân, đặc biệt là sự hỗ trợ về vốn của anh chị em trong gia đình, chị đã mạnh dạn lập công ty để thuận lợi hơn cho việc thực hiện các hợp đồng thêu.

Tranh của chị phong phú về chủ đề. Ngoài những bức tranh thêu đúng truyền thống quê hương về hoa, về cây, về chim, về cá,… chị Khương có tranh thêu về các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa của Việt Nam như Hồ Hoàn Kiếm, chùa Một Cột, Văn Miếu,… thường được khách nước ngoài thích.  Chị cũng có những tranh thêu mô phỏng tranh của các họa sỹ nổi tiếng thế giới.

Nhìn những bức tranh thêu đẹp, tinh xảo, cầu kỳ về màu sắc đến từng đường chỉ màu mà thêm cảm phục những người thợ thêu không có may mắn được lành lặn về thân thể nhưng biết yêu cái đẹp, trân trọng cuộc sống còn hơn cả nhiều người lành lặn về thân thể nhưng lại khuyết tật trong tâm hồn.

Nhiều bức tranh thêu của chị Khương đã được đưa đi triển lãm trong và ngoài nước và được trao giải, bằng chứng nhận.

Cơ sở tranh thêu của chị Khương đã được nhiều khách ngoại giao, khách quốc tế biết tiếng và đến thăm. Chị cũng nhận đào tạo nghề thêu và tạo việc làm cho những người khuyết tật, có hoàn cảnh tương tự.

Từ những người không có khả năng lao động, cuộc sống nghèo khó giờ đây họ có nghề nghiệp ổn định, có thể nuôi sống được bản thân.

Chị Khương cũng được các tổ chức chữ thập đỏ, hội người khuyết tật các cấp hỗ trợ kinh phí mở một số lớp đào tạo nghề thêu cho người khuyết tật.

Bài: Nguyễn Hồng Hạnh - Nhóm PV
Ảnh: Vũ Tuấn Anh - Nhóm PV