Bộ Công an cho biết, trước khi có Chỉ thị 21, tình hình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản. Điều này gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Giả danh công an đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền

Trong 5 năm 2015-2019, toàn quốc đã khởi tố 10.360 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với 11.410 bị can, chiếm đoạt số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài các thủ đoạn lừa đảo "truyền thống" như: Giả danh cán bộ cơ quan nhà nước, người nhà lãnh đạo cấp cao đế lừa xin việc làm, “chạy chức”, “chạy án”, xin dự án, vay vốn tổ chức, cá nhân nước ngoài…, các đối tượng đã lợi dụng không gian mạng đế hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với phương thức tinh vi, đa dạng về cách tiếp cận nạn nhân.

Theo Bộ Công an, nhiều vụ có số lượng lớn bị hại tham gia tại nhiều địa phương trên cả nước, với nhiều thủ đoạn. Điển hình như việc sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế... Hay chiêu trò yêu cầu bị hại nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt... vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt.

{keywords}
Nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội để kết bạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Bộ Công an cũng lưu ý tình trạng giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án, vụ việc đang giải quyết, đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền hoặc khai thác thông tin tài khoản ngân hàng của bị hại. Sau đó đăng nhập vào tài khoản của bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt.

Ngoài ra, các đối tượng còn hack hoặc giả lập các tài khoản mạng xã hội của người dân rồi nhắn tin, lừa gạt người thân quen của chủ tài khoản chuyển tiền sau đó chiếm đoạt.

Bộ Công an đánh giá sau một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 21, tình hình và kết quả phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã có những chuyển biến tích cực.

Trong đó, các cơ quan chức năng đã tập trung phát hiện, xử lý, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, góp phần kiềm chế sự gia tăng của loại tội phạm này.

Giả mạo về các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện

Thời gian gần đây, do tác động của việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo phương thức "truyền thống" giảm. Tuy nhiên, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng để hoạt động có diễn biến phức tạp.

Trong đó, nổi lên các thủ đoạn như: Tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư, kinh doanh tiền ảo, ngoại hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option)...theo mô hình đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, các đối tượng còn đăng thông tin giả mạo về các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền huy động được.

Tình trạng lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến, trên mạng xã hội, nhất là mua bán các mặt hàng như khẩu trang, thiết bị y tế trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn ra...

Mục đích để lừa đảo chiếm đoạt tiền của đối tác mua, bán hàng hoặc giả danh nhân viên y tế mời gọi người dân mua thuốc phòng dịch hoặc cung cấp dịch vụ xét nghiệm, tiêm vắc xin, cung ứng vật tư phòng, chống dịch bệnh Covid-19 yêu cầu người dân đóng tiền rồi chiếm đoạt.

Từ 25/5/2020 đến 24/5/2021, toàn quốc đã phát hiện xảy ra 5.408 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể toàn quốc đã phát hiện: gần 2.900 vụ lừa đảo theo phương thức "truyền thống", trong số này có 527 vụ giả danh cơ quan Nhà nước, Công an, Viện kiểm sát... đe dọa; 526 vụ hack tài khoản mạng xã hội; 473 vụ lừa trúng thưởng, kinh doanh trên web…

Kết quả điều tra, khám phá các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Năm 2020 đã phát hiện xử lý 2.199 vụ (tăng hơn 14%), 2.272 đối tượng (tăng gần 13,5%) so với năm 2019.

Bộ Công an cũng cho biết đã điều tra, khám phá nhiều chuyên án, vụ án lớn, được các ngành, các cấp ghi nhận và đánh giá cao, nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Tổ chức 5 đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Qua một năm, công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện 5.408 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kết quả đã khởi tố, điều tra 2.576 vụ án với 2.649 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, chiếm đoạt tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Kết quả điều tra, khám phá tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó năm 2020 đã phát hiện xử lý 2.199 vụ (tăng 14,29%), 2.272 đối tượng (tăng 13,49%) so với năm 2019.

Sáu tháng đầu năm nay, các lực lượng phát hiện xảy ra 1.125 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với 1.290 đối tượng; đã điều tra, khám phá 863/1.125 vụ (đạt 76,7%), bắt 1.118/1.290 đối tượng (đạt 86,6%).

Thu Hằng

Bộ Công an đưa vào sử dụng 11 nhà thi hành án tử hình tiêm thuốc độc

Bộ Công an đưa vào sử dụng 11 nhà thi hành án tử hình tiêm thuốc độc

Bộ Công an đã đưa vào sử dụng 11 nhà thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc và phân chia khu vực thi hành án tử hình thành 11 địa điểm theo vùng miền.