- “Nếu chúng ta cứ ngồi bàn mà không vận động thì sẽ không giải quyết được vấn đề ùn tắc, chi bằng trên cơ sở phương án Hà Nội trình Chính phủ thì cứ thực hiện và từ thực tế sẽ có điều chỉnh cho hợp lý”, ông  Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết.
 
Tại cuộc họp Triển khai phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm ngày 17/1 do Sở GTVT Hà Nội tổ chức, cơ bản đại diện các Sở, ban ngành và các trường học đều nhất trí sẽ nhanh chóng triển khai các biện pháp để có thể tổ chức thực hiện ngay.

Tuy nhiên, nhiều băn khoăn cũng đã được các đại biểu nêu ra, cơ bản nhất là việc thay đổi giờ học sẽ tác động đến việc học của học sinh và sinh viên.

Ông Thống cho biết, ông hoàn toàn nhất trí và ủng hộ giải pháp đổi giờ học giờ làm đã được Chính phủ thông qua, và trước mắt cần phải thực hiện rồi sẽ rút kinh nghiệm dần.
Trước đây, khi phương án này được đề xuất, tôi cũng đã rất băn khoăn, quan ngại, tuy nhiên theo phương án đã được phê duyệt thì cũng không có nhiều thay đổi.

Ông  Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

Theo tôi cái khó khi thực hiện là giờ làm việc của khối học sinh phổ thông trung học, vì khối này không học theo tuyến quận, huyện. Về giờ học buổi sáng thì không có vấn đề gì lớn cả, nhưng về giờ học buổi chiều tan học lúc 19h tối là khó khăn do nhiều học sinh phải đi 6 thậm chí chục cây số”, ông Thống cho biết.

Dù vậy, ông Thống cũng nêu ra thực tế: “Vào những lúc 100% học sinh, sinh viên nghỉ hè, Hà Nội vẫn tắc đường, do vậy đừng kỳ vọng phương án đổi giờ học, giờ làm là “chiếc đũa thần”  trong việc giải quyết bài toán ùn tắc”.

Ông Hoàng Minh Sơn (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa HN nêu quan điểm, chúng tôi dạy theo hình thức tín chỉ nên việc bố trí giảng đường và thời gian học cơ bản không có vấn đề gì lớn.

Do lượng học sinh rất đông và có nhiều trường ĐH ở gần khu vực này nên theo tôi cần tăng tuyến và đầu xe buýt chạy qua đây. Đặc biệt là tuyến 21 hiện đang quá tải vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều”, ông Sơn kiến nghị.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện các trường học và Sở GD-ĐT, ông Nguyễn Đình Mạnh, Phó Chánh VP Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ hoàn toàn nhất trí với phương án đổi giờ học, giờ làm của Hà Nội.

Ông Mạnh cho rằng: Do thời điểm thực hiện đã đến gần, do vậy các trường cần nhanh chóng lên phương án thực hiện từ trước Tết, sau khi sinh viên nhập trường có thể triển khai ngay. Đặc biệt phải thông tin ngay và sớm nhất đến HSSV và phụ huynh trên địa bàn.

Khó khăn cho việc đón con, trả lương

Bà Nguyễn Thị Hải, Hiệu trưởng trường Trung cấp kinh tế Tài nguyên môi trường Hà Nội cho biết: Việc thay đổi khung giờ như phương án sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc đón con.

Nhóm công chức chỉ hơn 4h30 chiều đã nhấp nhổm chuẩn bị đi về, nay đến 19 giờ tối mới về thì sẽ đón con lúc 17h như thế nào”, vị Hiệu trưởng này băn khoăn.

Bà Hải cũng nêu ra thực tế, nhân viên của mình sẽ làm việc từ 7h đến 19h vậy là 12 tiếng đồng hồ. Họ cũng không thể về vào lúc buổi trưa vì thời gian ít và nhà xa, như vậy sẽ giải quyết chế độ như thế nào cho họ. “Chúng tôi sẽ trả lương 12 tiếng hay 8 tiếng?”, bà Hải băn khoăn.

Có cùng quan điểm, việc thay đổi sẽ tác động lớn đến lịch học, bà Bùi Thị Ngân, Hiệu phó Trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội cho biết: Trường chúng tôi hiện tại học theo 3 ca, ca 1 từ 7 - 12h, ca 2 từ 12h30 - 17h30, ca 3 từ 18 - 21h.
Đối với ca 1 thì không có vấn đề gì, nhưng với ca 3 thì khó xử lý khi 19h mới kết thúc ca chiều. Vậy ca tối, không thể học đến tận 22h đêm.

Thời điểm đấy, xe buýt cũng ít, sinh viên ở xa không thể về.Chúng tôi chỉ thay đổi được ca học buổi sáng, ca chiều và tối chúng tôi khó thay đổi lắm”, vị phó hiệu trưởng chia sẻ.



Kết luận các vấn đề của buổi họp, trả lời những vấn đề băn khoăn của đại diện các đơn vị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng: Đề án điều chỉnh giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đã được HĐND TP thông qua, Thủ tướng phê duyệt, chúng ta phải thực hiện.

Về chuyện trả lương 8 tiếng hay 12 tiếng, chúng ta cứ theo luật lao động mà làm, còn vấn đề xe buýt chúng tôi sẽ cố gắng làm sao đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại”, ông Hùng khẳng định.

Ngoài ra, ông Hùng cũng cho biết, sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị vận tải công cộng, thành lập tổ bảo vệ trên các tuyến xe buýt để đảm bảo an ninh trên xe buýt.

Vũ Điệp