- Bộ Y tế quan ngại, trước tình hình giao lưu, đi lại giữa Việt Nam – Hàn Quốc rất lớn, việc lây nhiễm MERS-Cov vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Trước những diễn biến phức tạp của hội chứng viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra (MERS-CoV) tại nhiều nước, sáng 2/6, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp liên ngành để lên phương án phòng chống dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam.

Nguy hiểm ngang SARS

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, virus Corona là một chủng mới tương tự như virus SARS năm 2003 và có tỉ lệ tử vong rất cao (gần 40%).

Bệnh lần đầu tiên được phát hiện tại Ả rập xê út vào tháng 9/2012, có ổ chứa từ lạc đà, sau đó lây từ người sang người với thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày. Tất cả mọi lứa tuổi đều có nguy cơ nhiễm, tuy nhiên đến nay chưa có vắc xin điều trị đặc hiệu.

Hiện trên toàn thế giới có 1.154 ca mắc tại 26 nước, trong đó 434 trường hợp tử vong, chủ yếu tại Trung Đông và đang có tốc độ lây lan rất nhanh.

{keywords}
 
Việt Nam tăng cường giám sát phòng chống dịch MERS-CoV tại các cửa khẩu

Tại quốc gia láng giềng Trung Quốc đã ghi nhận 1 trường hợp nhiễm, tại Hàn Quốc chỉ trong vòng 10 ngày đã có 18 trường hợp mắc. Các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Malaysia cũng đã ghi nhận có ca MERS-CoV xâm nhập.

Theo ông Phu, trên thực tế con số nhiễm MERS-CoV tại Hàn Quốc còn lớn hơn nhiều. Số liệu CNN cung cấp cho thấy có 25 trường hợp mắc, trong đó đã có 2 trường hợp tử vong.

Đáng lưu ý, tất cả các trường hợp nhiễm MER-CoV tại Hàn Quốc đều do tiếp xúc lây nhiễm trực tiếp, như chồng, con trai, bác sĩ điều trị...

“Do việc giao lưu đi lại giữa Việt Nam – Hàn Quốc và số lượng người từ các quốc gia Trung Đông nhập cảnh vào Việt Nam rất lớn nên việc lây nhiễm MERS-CoV vào Việt Nam là hoàn toàn có thể”, ông Phu quan ngại.

Áp dụng tờ khai y tế tại tất cả cửa khẩu

Trước diễn biến phức tạp của dịch MERS-CoV, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến cáo người dân không nên đi du lịch tới những vùng có dịch MERS-CoV.

Trường hợp đi về rồi phải khai báo, khi có dấu hiệu bệnh tật vào bệnh viện phải chủ động cung cấp thông tin cho cán bộ y tế.

“Phải lên sẵn các phương án phòng chống dịch khi chưa có ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Trong lúc lên phương án cho tình huống 1 phải tiến hành tập huấn luôn cho các địa phương. Ngành y tế hạ quyết tâm để dịch không xâm nhập vào Việt Nam”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu ngành y tế phải phối hợp Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Tổng cục du lịch, Cục Hàng không Việt Nam... để tăng cường công tác giám sát, phòng chống MERS-CoV.

Từ bài học của Hàn Quốc, Thứ trưởng cho rằng việc phát hiện những ca bệnh đầu tiên để khống chế, kiểm soát hết sức quan trọng.

“Cần giám sát tại tất cả các cửa khẩu bằng tờ khai y tế, máy đo thân nhiệt, đặc biệt là các hành khách đến Hàn Quốc và Bahrain. Phải in tờ khai y tế bằng cả tiếng Anh, tiếng Hàn, yêu cầu hành khách khai báo ngay trên máy bay”, ông Long chỉ đạo.

Theo đại diện Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Ebola có thể biến mất nhưng MERS-CoV có thể tồn tại rất dài và có thể sẽ không biến mất do liên quan đến các sản phẩm sữa, thịt của lạc đà, liên quan đến văn hoá Trung Đông. Vì vậy cần phải chuẩn bị tinh thần MERS-CoV sẽ tồn tại rất lâu.

Đại diện CDC cho rằng cần phải có kế hoạch lâu dài hơn, bền vững hơn. Trước hết phải tạo được tiềm thức cho cán bộ y tế và người dân về bệnh này.

Thuý Hạnh