Những ngày dịch bệnh hoành hành, công việc của bà Vũ Phương Uyên (ngụ phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM) không tất bật mở quán kinh doanh, nhưng lại hối hả lo bữa ăn hỗ trợ cho người nghèo thuê trọ nhà mình.

Tìm hiểu mới biết bà Uyên cũng là người đi thuê nhà, vừa mở tiệm giặt ủi kinh doanh, vừa cho thuê lại một phần diện tích nhà bà đã thuê.

Như bà kể, cuộc sống cũng khó khăn, kinh tế không dư dả gì, trong khi mỗi tháng phải lo trả tiền nhà, tiền điện, nước ước tính khoảng hơn 20 triệu đồng. 

{keywords}
Không chỉ cho thiếu tiền nhà, bà Uyên còn nấu cơm cho những người thuê trọ 

Nơi bà Quên thuê ở còn được bà cho hơn 10 người khác thuê trọ cùng, phần lớn đều là những người lao động có gia cảnh nghèo khó.

Cách đây 4 năm, chồng bị mắc bệnh ung thư, bà Trần Thị Hà (quê Trà Vinh) đưa chồng lên Sài Gòn chữa bệnh rồi quen biết bà Uyên. Sau khi chồng mất, bà quyết định rời quê, đưa con lên thuê trọ tại nhà bà Uyên rồi 2 mẹ con đi bán vé số. 

Trong căn phòng trọ dài chưa đến 2m, rộng hơn 1m, bà Hà chỉ vào người con trai đã gần 50 tuổi với giọng buồn rầu, "nó bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam đó".

Căn phòng được bà Hà thuê lại làm chỗ nương náu cho hai mẹ con sau mỗi ngày bám đường phố bán vé số.

"Mấy hôm nay dịch bệnh hoành hành, tôi phải nghỉ bán vé số, cũng may có bà Uyên thương cho thiếu tiền nhà, lại cho cả cơm ăn, nếu không mẹ con tôi không biết phải làm sao”, bà Hà bộc bạch.

Cùng cảnh ở trọ, ngồi bần thần ở góc cửa, bà Phạm Thị Hoàng Yến (quê ở Gò Công, Tiền Giang) cho biết, dịch bệnh khiến bà thất nghiệp mấy bữa nay do xưởng bánh nơi bà làm việc đóng cửa.

Mất công việc thường ngày cũng có nghĩa là mất nguồn thu, trong khi như bà Yến kể, bà vẫn phải lo tiền nhà, tiền ăn và còn cả tiền mua thuốc uống.

Theo lời bà Yến, bà bị nhũn não, sống thực vật gần 3 năm, sau khi hồi phục thì không còn nhớ được những gì đã xảy ra trong quá khứ.

“Tui không còn nhớ ai trong gia đình. Thấy mọi người nói tui có 2 đứa con thì biết tụi nó là con chứ tui không nhớ gì hết”, bà Yến chia sẻ.

 

{keywords}
Không có việc làm, những người nghèo chỉ còn biết bấu víu vào bà chủ nhà trọ tốt bụng

Tuy nhiên, theo bà Yến, đến thời điểm 2005 khi chồng bà mất trong đợt thiên tai bão lũ, sau đó các con cũng yên bề gia thất, nhưng cuộc sống cũng khó khăn nên bà lên Sài Gòn kiếm việc làm để tự lo thuốc thang.

“Cách 2 tiếng, tui phải uống thuốc 1 lần, giờ mất việc không biết lấy tiền đâu mua thuốc uống. Mấy hôm nay lo nghĩ nhiều, tui đau đầu lắm. Cũng may, cô Uyên thương cho thiếu tiền nhà, lại còn cho đồ ăn nữa”, bà Yến lo lắng nói.

Cũng cảnh người lao động thuê nhà ở trọ rồi mưu sinh từng bữa, bà Trần Thị Gấm kể, sau khi chồng mất, vì không con cái nên bà tìm tới nhà trọ của bà Uyên để tá túc. Trong một lần bị tai nạn, không có tiền chữa trị khiến tay trái của bà Gấm gần như bị liệt. Bà nói giờ già yếu, bệnh tật nên chỉ còn cách bán vé số để mưu sinh.

“Người ta bán được nhiều nhưng tôi bệnh tật, chậm chạp nên ráng lắm cũng chỉ đủ trả tiền trọ với 3 bữa cơm đạm bạc. Mấy hôm nay ở nhà rầu lắm, tiền thì tôi không có một đồng, phải thiếu tiền trọ mà thiếu hoài cũng thấy mắc cỡ với cô Uyên. Cô ấy cũng phải trả cho chủ nhà nữa, mình thiếu rồi cô ấy lại phải đi vay mượn”, bà Gấm ngại ngần nói.

Do dịch bệnh, tiệm giặt ủi quần áo của bà Uyên hầu như không có khách. “Khó khăn lắm nhưng phải gắng chứ biết làm sao giờ. Tôi sẽ cố gắng được ngày nào hay ngày đó, bữa nào có gạo thì nấu cơm, không thì tất cả cùng ăn mì gói.

“Tôi cũng nghèo lắm, nhưng bà con còn khổ hơn. Thôi thì lá rách ít đùm lá rách nhiều, hỗ trợ họ được đến đâu, tôi cố đến đó”, bà Uyên nói. 

Vì thế, từ ngày dịch bệnh lan rộng, khi những người thuê trọ không bám đường phố mưu sinh được, công việc tại tiệm giặt ủi của bà Uyên cũng đình trệ, nên việc chính của bà là lo cơm canh cho những người thuê trọ, sau rồi chia ra từng bữa cho mỗi người. 

Còn tiền thuê nhà, bà Uyên nói, "bí quá thì tôi đi vay mượn trả cho chủ nhà, sau này bà con kiếm được trả mình sau”.

Cụ bà 10 năm không có người thân thăm, chủ nhà lặng lẽ miễn tiền trọ

Cụ bà 10 năm không có người thân thăm, chủ nhà lặng lẽ miễn tiền trọ

Cụ bà 81 tuổi bày tỏ mong muốn mau mau hết dịch Covid-19 để tiếp tục bán vé số, kiếm 3 bữa ăn qua ngày.

Thanh Phương