- Đi về 6 lượt, chị Vũ Thanh Hoa (phường Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội) mới lấy được giấy chứng tử, việc tổ chức tang lễ bị lùi 1 ngày khiến gia đình bức xúc. 

>> Hai ngày theo chân cán bộ Sở Tư pháp 'vi hành'

Chiều qua, chị Vũ Thanh Hoa cho biết, bố chị qua đời vào 18h35 ngày 18/7.

“Gia đình qua nhà tang lễ đăng ký lễ viếng và truy điệu vào 13h ngày 20/7. 

Theo quy định của nhà tang lễ, gia đình tôi phải nộp giấy khai tử do UBND phường cấp. Vào 9h sáng 19/7, tôi ra UBND phường Văn Miếu làm thủ tục xin cấp giấy khai tử cho bố” - chị Hoa nói.

Ra UBND phường Văn Miếu, chị vào phòng nhận hồ sơ, có 2 người ngồi trong phòng. Trong đó, người nhận hồ sơ tên Hiếu.

Sáng sếp đi họp, chiều sếp vẫn chưa ký

“Hiếu nhận hồ sơ của tôi và hoàn thành các thủ tục cần thiết. Tôi có nói với Hiếu là gia đình cần giấy khai tử gấp nếu không sẽ không kịp làm thủ tục tang lễ cho ông. Sau đó, Hiếu đưa tôi ký giấy tờ và hẹn 14h-14h30 chiều cùng ngày lên lấy giấy khai tử vì hiện sếp đang đi họp”, lời chị Hoa.

Chị Hoa chia sẻ, ngay lúc đó, trong văn phòng còn một người nữa cầm tập hồ sơ mang lên trình sếp. Hiếu và người trong văn phòng có nói với nhau là 11h sếp sẽ trả tập hồ sơ. 

“Lúc này tôi hơi nghi nghi về thời gian trả kết quả của tôi nhưng tôi nghĩ chắc người ký đi vắng. Tôi luôn nghĩ rằng, chuyện ma chay tang lễ chắc sẽ thông cảm giúp đỡ nhau, chứ ai lại nói sai hẹn nên tôi ra về để chiều đến”, chị Hoa cho hay.

Khoảng 14h chiều 19/7, chị Hoa mang giấy hẹn lên UBND phường nhưng anh Hiếu cho biết là sếp chưa về để ký.

“Tôi nói với Hiếu: 'Sếp em không về kịp thì em có thể trình sếp khác ký giúp gia đình chị được không? Nếu không kịp thì chị không thể ký hợp đồng với nhà tang lễ cho kịp ngày giờ đã dự định tổ chức tang lễ cho bố chị em à. Nhà tang lễ 4h chiều là họ nghỉ rồi'. Anh Hiếu trả lời: 'Chỉ có một người được quyền ký vào giấy tờ này nên chị đợi đi'", chị Hoa kể lại.

Chị Hoa ngồi chờ đến 15h nhưng vẫn chưa nhận được giấy khai tử cho bố nên đã xin phép chạy về nhà một lúc rồi sẽ quay lại phường.

Làm giấy khai tử cũng phải lót tay?

“Mọi người trong nhà lại hỏi tôi đã nhét phong bì chưa? Ở phường này bao lâu mà không biết muốn lấy giấy gì cũng phải kèm 200.000 đồng mới lấy được lấy ngay à”, chị Hoa nói.

Chị Hoa cho hay, không nghĩ khi làm giấy khai tử cũng cần tiền lót tay.

Sau đó, chị và chị gái quay lại UBND phường, tại phòng nhận hồ sơ có anh Hiếu và một chị cán bộ ngồi bàn bên cạnh.

“Chị tôi hỏi anh Hiếu giấy tờ khai tử cho bố tôi xong chưa nhưng anh Hiếu vẫn nhìn vào máy tính rồi vẩy tay chỉ sang bàn bên cạnh. Bức xúc vì thái độ vô cảm của anh Hiếu, chị tôi đã to tiếng: “Tại sao việc tang lễ gia đình người ta thế này mà từ 9h sáng đến 4h chiều vẫn không cho nổi dân cái chữ ký. Tôi hỏi mà cậu không trả lời lại còn hất tay sang bên cạnh là sao?”, chị Hoa tường thuật lại.

Sau đó, người phụ nữ tên Hà ngồi cạnh anh Hiếu lớn tiếng nói: “Chị ra ngoài ngay. Tôi gọi bảo vệ và công an vào bây giờ....”.

Rồi chị Hà giục nhân viên đóng dấu và nói: “Trả nhanh cho người ta, kiểu người này, trả cho thật nhanh. Để gọi điện cho tổ trưởng tổ dân phố xem gia đình đấy như thế nào mà có loại người vô văn hóa như thế?”.

Phường đã xin lỗi gia đình

Sau khi lấy được giấy khai tử cho bố, chị Hoa lên nhà tang lễ nhưng ở đây đã nghỉ làm và hẹn gia đình 7h sáng 20/7. Như vậy, việc dự định tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu cho bố chị vào 13h ngày 20/7 phải lùi lại ít nhất 1 ngày.

“Tôi rất phẫn uất trước thái độ của chị Hà đã xúc phạm gia đình tôi và thái độ làm việc quan liêu để việc tang lễ phải lùi lại....”, chị Hoa bức xúc.

Bà Vũ Mai Khanh, Chủ tịch UBND phường Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội) xác nhận vụ việc trên và cho biết: “Sự việc là bức xúc của hai bên, sáng 26/7, chị Hà (Phó chủ tịch UBND phường - PV) sẽ trực tiếp trả lời về các vấn đề liên quan”.

Lúc 22h30 hôm qua, một người thân khác của gia đình cho biết: Khoảng 21h, Chủ tịch phường cùng Phó chủ tịch, cán bộ Hiếu và cán bộ khu phố đã tới gia đình xin lỗi và yêu cầu gia đình gỡ đoạn chia sẻ được đưa lên mạng xã hội.

Đọc câu chuyện giấy chứng tử tại phường Văn Miếu, Hà Nội, mặt tôi nóng lên chút. Bực, tức trước cách hành xử và giải quyết công việc vô cảm của công chức tại phường này. Mà công việc ở đây lại là xin cái giấy chứng tử cho người thân trong gia đình mới qua đời...

Gia đình tôi mới đây cũng có chuyện xin giấy chứng tử. Em ruột tôi mất đúng ngày 30/4/2017. Đấy là ngày lễ và sau đó ngày 1/5 cũng là ngày chính quyền không làm việc. Gia đình tôi cũng cần giấy chứng tử để làm thủ tục với nhà tang lễ. Tôi thực sự xúc động khi đại diện tổ dân phố nơi chú em tôi sinh sống chủ động gặp gia đình và nói sáng mai 1/5 gia đình cứ ra UBND phường Đức Giang sẽ có người của Ủy ban làm việc để cấp giấy chứng tử.

Hôm sau, gia đình lấy được giấy rất nhanh chóng. Qua câu chuyện này thấy rõ trách nhiệm của UBND phường Đức Giang đã tính đến cả trường hợp dân cần giấy chứng tử trong các ngày chính quyền không làm việc và tất cả cán bộ tổ dân phố trong phường đều có trách nhiệm thông báo cho gia đình có liên quan biết liên hệ lấy giấy này. Quả là rất trách nhiệm, phối hợp các khâu rất tốt từ tổ dân phố tới Ủy ban.

Đức Giang làm tốt, Văn Miếu quá tệ. Hà Nội ta chắc nhiều Đức Giang và cực ít Văn Miếu. Đó là điều tôi hy vọng.

Đinh Duy Hòa (nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ)


Sửng sốt quà khủng, độc "lót tay" quan chức

Có không ít vụ án hình sự về hành vi tham nhũng khi được đưa ra xét xử, nhiều người mới sửng sốt trước những món quà khủng mà người ta hối lộ quan chức.


Nguyên Phó Chủ tịch phường Văn Miếu lừa đảo hàng tỷ đồng

Bị truy tố tội Lạm tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 1969, trú tại phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội), nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu, Hà Nội đã phải nhận mức án 20 năm tù giam.


Cán bộ Sở nhận 'lót tay' hàng ngàn đô

Không cần biết đương sự kết hôn là ai trong quá trình phỏng vấn. Vị cán bộ Sở Tư pháp TP. Cần Thơ chỉ cần quan tâm có hồ sơ, khoản tiền lót tay từ hàng trăm đến cả ngàn đô-la là có thể làm thủ tục hợp pháp.


Dân vẫn phải 'bôi trơn' thủ tục đăng ký kết hôn, khai sinh

Toàn bộ 6 thủ tục được khảo sát: giấy CMND, sổ đỏ, giấy phép xây dựng nhà ở, đăng ký kết hôn, khai sinh, chứng thực đều có tình trạng người dân phải trả thêm tiền.


Bộ máy 'khô dầu' dân mới phải 'bôi trơn'

 Không nên đổ lỗi cho tâm lý người dân muốn "bôi trơn" mà phải làm cho bộ máy công quyền không còn “khô dầu”. Trong vấn đề này, người dân bị đặt vào tình thế phải thích nghi.


Quan đường sắt không nhớ nhận bôi trơn bao lần

Khi bị truy vấn về số lần nhận tiền, bị cáo Phạm Hải Bằng trả lời không nhớ nổi bao nhiêu lần nhận. Toàn bộ số tiền lót tay, bị cáo Bằng không vào sổ; sau khi chi tiêu thì xoá sổ sách.

Nhị Tiến