Đảng ủy khối doanh nghiệp TƯ đề nghị Chính phủ sớm áp dụng cơ chế lương thưởng của lãnh đạo trong các DNNN theo cơ chế thị trường, gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tại hội nghị tái cơ cấu DNNN khối DN trung ương năm 2015 hôm nay, không ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho biết đã mạnh dạn “thay máu” nguồn nhân lực, kể cả ở vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên không ít DN than gặp khó vì người giỏi ra đi trong khi chế độ lương thưởng không đủ để thu hút người có năng lực.

“Thay máu” kể cả lãnh đạo

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho biết tập đoàn có 36.000 lao động, trước khi tái cơ cấu có rất nhiều việc chồng chéo nhiệm vụ giữa các bên, trên dưới không rõ ràng minh bạch, có rất nhiều công ty con cháu điều hành chồng chéo. Có khi một khách hàng nhưng nhiều người chăm sóc, có khách hàng không ai chăm.

{keywords}
Ảnh: Thu Hằng

“Thực hiện tái cơ cấu chúng tôi đã loại bỏ rất nhiều công ty con cháu, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh giản lao động gián tiếp. Tại 63 tỉnh thành phố có trên 20% lao động quản lí, sau khi tái cơ cấu chỉ còn gần 10%”, ông Hùng cho hay. Ngoài ra, VNPT còn dành 250 tỷ đồng để sắp xếp 2.600 lao động dôi dư tự nguyện nghỉ việc.

Chủ tịch HĐTV TCT Cà phê Việt Nam Nguyễn Văn Hà kể đơn vị của ông có 30.000 lao động, đầu năm 2013 tưởng chừng phải phá sản nhưng nhờ tái cơ cấu, trong đó có công tác quản trị và tổ chức, đến nay kinh doanh đã có lợi nhuận.

Kể về hành trình sàng lọc nhân sự, ông Hà cho biết: “Chúng tôi tinh giản 127 cán bộ quản lí trong 2 năm. Sau đó chúng tôi thuần hóa đội ngũ cán bộ, cho những người không đủ tiêu chuẩn nghỉ việc, trong đó có 20 người gồm chủ tịch, giám đốc, phó giám đốc các công ty. Bước kết tiếp chúng tôi thực hiện nhất thể hóa mô hình chủ tịch kiêm giám đốc tại 9 đơn vị. Các chủ tịch, giám đốc năng lực yếu kém sẽ bỏ phiếu lựa chọn một người đảm nhiệm 2 chức vụ, người còn lại xuống làm phó giám đốc”.

DN này còn thanh tra, xử lí kỉ luật cách chức 8 người và cảnh cáo, khiển trách rất nhiều. “Giám đốc nào cứ để 2 năm thua lỗ liên tục là cách chức”, ông Hà quả quyết.

Không những thanh lọc nguồn nhân lực có sẵn, ông Hà cho biết TCT Cà phê Việt Nam còn thi tuyển giám đốc phụ trách kinh doanh. “Chúng tôi tổ chức thi tuyển không cần quy hoạch gì cả, cứ trình bày phương án kinh doanh đưa lại lợi nhuận là chúng tôi tuyển và thực hiện kinh doanh vào một đầu mối. Trong 1 năm giám đốc được tuyển vào mà không đạt chỉ tiêu lợi nhuận giao thì chúng tôi lại thi tuyển thay giám đốc mới”, ông Hà nói.

Đau đầu với lương thưởng

Không phải DNNN nào cũng quyết liệt và tái cơ cấu nguồn nhân lực có hiệu quả như hai đơn vị nói trên. Ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc TCT Hàng hải cho biết năm 2013-2014, TCT thực hiện luân chuyển cán bộ, thay đổi một số chức danh chủ chốt nhưng dường như có lực cản nào đó không như kì vọng. Trong đó lương là vấn đề nan giải.

“Khi chúng tôi thua lỗ gặp khó khăn trong nguồn tiền không thể trả lương cao, nhiều cán bộ cao cấp đã rời bỏ, không ít chuyên viên cấp cao cũng tìm đường chuyển sang DN khác. Hiện nay đây là vấn đề đau đầu của chúng tôi”, ông tâm tư.

Theo ông Sơn, việc xây dựng bảng lương gắn với năng lực để tái cơ cấu là không dễ chút nào, nhất là hiện nay các quy định về lương cho lãnh đạo các DNNN bị bó buộc trong một mức nhất định, rất khó giữ chân cũng như thu hút người có năng lực vào.

Để tháo gỡ vấn đề này, Tập đoàn Xăng dầu đề nghị về lâu dài nền áp dụng chế độ lương thưởng theo cơ chế thị trường, gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh và phải minh bạch. Bởi hiện nay các DNNN vận hành theo cơ chế thị trường, các yếu tố sản xuất kinh doanh đầu vào, đầu ra, áp lực về hiệu quả đều được so sánh với mặt bằng thị trường thì không có lí gì chế độ đãi ngộ lại không theo nguyên tắc thị trường.

“Nếu không giải quyết được vấn đề này sẽ dẫn đến việc chảy máu chất xám sang khu vực tư nhân và FDI hoặc làm méo mó thu nhập và chi phí thực tế của DNNN”, đại diện Tập đoàn Xăng dầu nhấn mạnh.

Theo nhận định của Đảng ủy khối doanh nghiệp TƯ, việc đãi ngộ liên quan đến lương thưởng của người đại diện và của cả HĐQT, HĐTV, TGĐ, kế toán trưởng trong các DNNN phải tuân theo quy định của nhà nước, không theo cơ chế thị trường, không gắn hiệu quả sản xuất kinh doanh, không tạo được động lực cho đội ngũ lãnh đạo DN và tiềm ẩn tình trạng thiếu minh bạch trong thu nhập cá nhân. Vì vậy Đảng ủy khối đề nghị Chính phủ sớm áp dụng cơ chế lương thưởng của lãnh đạo trong các DNNN theo cơ chế thị trường, gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thu Hằng