- Liên quan đến kiến nghị tịch thu xe nếu tài xế có nồng độ cồn cao khá nhiều vấn đề đã được đặt ra liên quan đến quyền sở hữu của người dân. Bên cạnh đó nhiều ý kiến cũng thắc mắc như xe đi mượn xe đi thuê thậm chí là xe biển xanh khi vi phạm thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

"Chế tài mạnh răn đe người vi phạm"

Ủy ban an toàn giao thông (ATGT) Quốc gia vừa kiến nghị tịch thu ôtô và tước giấy phép 2 năm nếu tài xế có nồng độ cồn trên 80mg/100ml trong máu hoặc vượt quá 0,4mg/ml khí thở.

Ngoài ra, theo kiến nghị này, xe máy, xe thô sơ, xe máy điện nếu lưu thông vào đường cao tốc cũng sẽ bị tịch thu.

Về kiến nghị này, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định trên báo Tuổi trẻ sáng ngày 6/3, kiến nghị dựa trên cơ sở pháp lý và hoàn toàn khả thi.

Cụ thể, hiện nay theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, tại điều 26 đã quy định rõ: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước tang vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.

Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại điều 82 của luật này (quy định rõ về loại tang vật, thủ tục xử lý tang vật bị tịch thu...).

{keywords}
Tiến hành đo nồng độ cồn (Ảnh minh họa)

Cũng trên báo này, ông Hùng nêu rõ mục đích của kiến nghị là: "Đưa ra chế tài mạnh nhằm răn đe nghiêm, ngăn ngừa người dân vi phạm chứ không phải mục tiêu là đi tịch thu xe hay bán đấu giá để sung vào công quỹ. Thông điệp chúng tôi muốn cảnh báo cho người dân là mức độ nghiêm trọng và hậu quả trước mắt, lâu dài của hành vi lái xe khi say xỉn".

Xe đi mượn: Quýt làm cam chịu?

Tuy nhiên, đề xuất trên cũng tạo nên nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến quyền sở hữu tài sản của người dân.

Trên báo Dân Việt, luật sư Tạ Quốc Cường, Giám đốc Công ty luật hợp danh Sự Thật (Đoàn luật sư TP Hà Nội), phân tích: "Về mặt luật pháp, nếu tịch thu và bán đấu giá thì đó là tài sản riêng của người dân và điều này sẽ vi phạm quyền sở hữu. Trong đó có quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản được quy định trong Luật Dân sự. Nếu người dân vi phạm giao thông thì chỉ có thể phạt tiền, tước giấy phép lái xe, chỉ có thể tịch thu khi họ vi phạm pháp luật mà thôi".

Trên báo Dân Trí, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, cũng cho rằng "Phương tiện sở hữu hợp pháp của người dân là khối tài sản lớn, do vậy không thể nghĩ đơn giản là người điều khiển vi phạm nồng độ cồn sẽ bị tịch thu, đấu giá đưa tiền vào công quỹ được. Ngay cả việc xe bị tịch thu đưa vào kho bãi dẫn đến hỏng hóc, xuống cấp thì thế nào, ai chịu trách nhiệm?".

Tuy nhiên, luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật Giang Thanh) lại nhận định quy định về tịch thu phương tiện đã có trong luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012.

Luật này nêu rõ: Người vi phạm hành chính có thể bị tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. “Trên thực tế, pháp luật đã có quy định tịch thu phương tiện đối với hành vi đua xe trái phép và nhiều trường hợp khác. Vậy làm sao có thể nói rằng đề xuất tịch thu ô tô của người vi phạm là trái luật?”, ông Thanh nói trên báo Đất Việt.

Ngoài liên quan đến quyền sở hữu tài sản của người dân, nhiều ý kiến khác cũng tỏ ra hoài nghi tính khả thi ở kiến nghị trên.

Cụ thể, cũng trên báo Đất Việt, ông Trần Phước Anh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Đồng Nai, nói: "Nếu tài xế là người lái thuê, nếu tịch thu xe thì chủ người ta đi bằng cái gì? Còn người làm nghề vận tải, họ tự lái, tự mua nếu tịch thu xe thì họ sống bằng nghề gì? Việc tịch thu xe cần phải xem xét lại làm sao cho hài hoà, phù hợp với kinh tế người dân Việt Nam. Nhiều người mưu sinh bằng nghề lái xe mà hất nồi cơm của họ đi là không được. Khổ nhất người làm thuê và người nghèo."

"Kiến nghị này quá nặng với người vi phạm lần đầu và chưa gây ra hậu quả gì. Bên cạnh đó, nếu là xe đi mượn thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Khi tịch thu xe người cho mượn bị mất xe thì khác nào “quýt làm cam chịu”?, chị Hà Phương (Hà Đông, HN) nói.

Anh Huy (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng băn khoăn: "Cả đời gom góp, chắt chiu mua được cái ô tô chỉ vì một ngày lễ tết quá chén mà tịch thu luôn xe thì liệu có nặng quá không?Sao không đề xuất mức phạt thật nặng đối với tài xế say xỉn mà lại đề xuất tịch thu xe?".

"Trường hợp xe đi thuê, xe ô tô mang biển số xanh thì ai chịu trách nhiệm?", anh Huy cũng thắc mắc thêm.

Ngày 4/3, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, vừa đề nghị Chính phủ tăng nặng chế tài xử phạt với một số vi phạm về giao thông đường bộ, thí điểm ngay từ 15/3.

Cụ thể, nếu điều khiển ô tô khi nồng độ cồn cơ thể đến 50 miligam/100 mililit máu hoặc đến 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) 6 tháng (trường hợp này đối với mô tô, xe gắn máy không quy định bị xử phạt)

Nếu nồng độ cồn từ trên 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, người điều khiển ô tô bị phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX 12 tháng. Với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, nếu vi phạm hành vi này sẽ bị phạt 4-5 triệu đồng và tước GPLX 12 tháng.

Đặc biệt, theo kiến nghị này, người điều khiển ô tô, mô tô và xe gắn máy bị tước quyền sử dụng GPLX 24 tháng và tịch thu phương tiện nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị tịch thu phương tiện đối với lỗi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và xe thô sơ đi vào cao tốc.

L.Lam (tổng hợp)