- Nhiều ĐBQH nhất trí đề xuất thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố ở trung ương cũng như các tỉnh, thành.

Sáng 21/5, Chủ nhiệm  UB Quốc phòng - An ninh QH Nguyễn Kim Khoa đã trình bày cáo cáo của Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Phòng, chống khủng bố. Dự án luật này đã được QH thảo luận tại kỳ họp trước, dự kiến tại kỳ họp này sẽ xem xét thông qua.

Hoạt động thường xuyên

ĐB Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho biết: Các hoạt động khủng bố trên thế giới ngày càng gia tăng, tuy Việt Nam chưa xảy ra vụ khủng bố nào nhưng nguy cơ là hiện hữu. Bởi thực tế lực lượng công an đã từng phát hiện một số đối tượng trà trộn, móc nối, kích động người dân để thực hiện những hành vi quấy rối an ninh trật tự.

 

{keywords}

ĐB Nguyễn Minh Kha. Ảnh: Minh Thăng

Đây cũng là lý do khiến ông Kha và các đại biểu tán thành với đề xuất lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cả ở trung ương và cấp tỉnh thành, trong đó Ban chỉ đạo Trung ương do Thủ tướng đứng đầu. Ở cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.

Lực lượng phòng chống khủng bố nên bao gồm công an, quân đội.

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) chung quan điểm thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố ở cấp quốc gia cũng như cấp tỉnh. Ban này phải hoạt động thường xuyên chứ không phải khi nào cần thiết thì mới thành lập như một số đề nghị.

Ông Sơn cũng đề nghị quy định ngay trong luật phòng, chống khủng bố về chức năng, quyền hạn của Ban chỉ đạo.

ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) thì lại đưa quan điểm không cần thành lập Ban chỉ đạo về phòng chống khủng bố mà có thể nâng cấp, kiêm nhiệm từ hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm với lý do thành phần của 2 tổ chức này sẽ giống nhau, nên để kiêm nhiệm thì hoạt động sẽ hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, ý kiến này cũng được một số đại biểu phân tích ở chiều ngược lại. Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm mục tiêu chính là đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, còn Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố có mục tiêu lớn hơn, rộng hơn, đó là an ninh quốc gia.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Vấn đề hợp tác quốc tế trong phòng chống khủng bố cũng được các đại biểu rất quan tâm do Việt Nam có nguy cơ song lại chưa đủ kinh nghiệm để ứng phó.

ĐB Nguyễn Minh Kha cho rằng, hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố là rất cần thiết. Đồng thời cần xem xét, quy định kỹ những trường hợp từ chối hợp tác chống khủng bố.

Để công tác phòng, chống khủng bố diễn ra suôn sẻ, các ĐBQH thảo luận khá kỹ về vai trò của người chỉ huy.

“Nên quy định đó là người được Ban chỉ đạo phân công. Nếu Ban chỉ đạo chưa phân công thì người đứng đầu trực tiếp ở nơi xảy ra khủng bố có trách nhiệm chỉ huy việc chống khủng hố. Ví dụ, nếu xảy ra ở trường học, thì hiệu trưởng phải là người chỉ huy cho đến khi có quyết định phân công của Ban chỉ đạo”, ĐB Nguyễn Anh Sơn nói.

Theo ông Sơn, vai trò của quân đội trong phòng chống khủng bố là rất lớn, vì đây là lực lượng có đầy đủ các điều kiện cần thiết nhất để làm việc này, nhưng quy định trong dự thảo luật còn mờ nhạt, cần quy định rõ hơn.

Theo dự thảo luật, các hành vi “tài trợ khủng bố” cũng đã được bổ sung sau khi tiếp thu ý kiến của các ĐBQH từ kỳ họp trước. Theo đó, ngoài vấn đề tiền bạc, công nghệ, con người, các dạng hỗ trợ khác như hỗ trợ tinh thần, kinh nghiệm, công cụ, phương tiện hoặc một số loại vật chất khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố; bổ sung một số loại hình thức hỗ trợ khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố như hướng dẫn, giúp sức, cung cấp, cho thuê, cho mượn... đều được coi là hành vi “tài trợ khủng bố”.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho biết đa số các ý kiến của ĐBQH đồng tình với việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố ở Trung ương và các tỉnh, song cần làm rõ thẩm quyền ở các cấp để tránh chồng chéo. Khi lập Ban chỉ đạo này, cần xác định rõ vai trò nòng cốt của Bộ Công an.

Cẩm Quyên