Tại cuộc họp lần thứ 6 của UB chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một của quốc gia và tạo thuận lợi thương mại chiều nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, dịch virus corona bùng phát đã khiến tình hình thương mại, giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc khó khăn.

Cơ chế riêng với lái xe 

Mặt hàng nông sản, trái cây đã xảy ra hiện tượng ùn ứ, tắc nghẽn do kiểm soát chặt các cửa khẩu trong thời gian dịch bệnh. Đến hôm qua, nông sản tại cửa khẩu Lạng Sơn mới bắt đầu được giải toả sau hơn 10 ngày ách tắc.

{keywords}
Cuộc họp chiều nay

"Chúng ta chống dịch, kiểm soát cửa khẩu, đường mòn lối mở, nhưng không được để ách tắc hàng hoá, phải tạo điều kiện cho thuận lợi thương mại", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu cần phân tích việc ảnh hưởng thế nào tới bao tiêu hàng hoá qua biên giới. Trong đó, chú ý các biện pháp kiểm tra chuyên ngành, thông quan cần bổ sung biện pháp nào để tạo điều kiện thuận lợi, không làm ách tắc giao thương.

Thực tế, vừa qua xuất hiện một số trường hợp cơ quan chuyên môn xử lý cứng nhắc trong việc thông quan hàng hoá tại cửa khẩu, đưa ra văn bản không phù hợp diễn biến tình hình khi "đình chỉ xuất cái này, nhập cái kia” làm ảnh hưởng tới bao tiêu hàng hoá qua biên giới. 

Chính phủ rất hoan nghênh việc Hiệp hội đã vận động các DN vận tải, kho bãi hỗ trợ cho bà con nông dân bằng cách dành ra một diện tích kho nhất định để chứa hàng và giảm chi phí lưu kho 10 -20%, giúp giải tỏa ách tắc hàng hóa và tăng cường phòng, chống dịch.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no, chia sẻ với nhau lúc này là rất quan trọng”, Phó Thủ tướng nói.
 
Theo Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, nguyên nhân khiến nông sản ùn ứ tại cửa khẩu, ngoài việc Trung Quốc kéo dài thời gian nghỉ Tết do dịch bệnh, nhưng khi các cửa khẩu quốc tế được mở cửa trở lại từ ngày 3/2 thì chỉ thông quan được hàng xuất khẩu chính ngạch, có hợp đồng.

Trong khi đó, phần lớn xe container thanh long tại các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái... là xuất theo đường trao đổi cư dân biên giới. Tại Lạng Sơn đã thông quan được một số khối lượng nhất định do chủ hàng đồng ý chuyển sang xuất theo chính ngạch, chịu thêm thuế VAT.

Còn tại Móng Cái, Lào Cai chưa thể xuất được do chủ hàng không đồng ý chuyển xuất chính ngạch, quyết chờ đợi chợ đầu mối biên giới mở cửa.

Đến hết ngày 6/2, 60 container thanh long tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đã được thông quan, vẫn còn tồn 200 container.

Ngoài ra, quy định cách ly 14 ngày với tài xế chở hàng qua biên giới Trung Quốc cũng là một khó khăn. Để thuận lợi cho giao thương, ngày 6/2 Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Y tế, đề nghị thống nhất quy trình phòng dịch ở cửa khẩu tuyến 2. 

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường đồng tình phải có cơ chế riêng đối với lái xe chở hàng qua biên giới, người tháp tùng hàng và người làm pháp lý cho lô hàng đó.

“Lái xe khi sang đấy rồi về lại Việt Nam là phải được cách ly 14 ngày. Nhưng cách ly 14 ngày thì chắc họ không dám đi. Cho nên phải có ngay quy trình đối với người đi cùng xe chở hàng. Những người đó phải trang bị đồ bảo hộ như đồ vũ trụ và xịt khử trùng”, ông nói.

Ông Cường hứa, Bộ Y tế sẽ có một hướng dẫn chi tiết đối với những trường hợp này. Không để vì kiểm soát dịch bệnh làm ách tắc hàng hóa.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Một miếng khi đói bằng một gói khi no, chia sẻ với nhau lúc khó khăn do dịch virus corona là rất quan trọng

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính, Hải quan, Bộ Y tế thống nhất với nước bạn để sớm có quy trình kiểm soát hàng hóa và cả con người thông quan ở các cửa khẩu để làm sao vừa đảm bảo an toàn, kiểm soát được dịch bệnh, không chỉ đường bộ mà cả đường biển.

Miễn thuế 400-500 tỷ đồng

Về sản xuất, cung ứng các sản phẩm chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, Phó Thủ tướng cho biết cũng cần có giải pháp tạo điều kiện làm ăn cho DN trong thời kỳ dịch bệnh.

Mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn vừa qua cháy hàng, giá đẩy lên cao do nhu cầu tăng đột biến. Trong khi đó, nguyên liệu chính sản xuất mặt hàng này, vải lọc kháng khuẩn, phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì thế, Chính phủ đã quyết định miễn thuế xuất nhập khẩu nguyên liệu, sản phẩm khẩu trang, nước sát khuẩn nhập khẩu.

“Như Bộ Tài chính tính toán, việc miễn thuế này khiến ngân sách bị thất thu khoảng 400-500 tỷ đồng, nhưng không đáng gì so với việc chúng ta tập trung phòng, chống dịch bệnh", Phó Thủ tướng nói.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho hay, nguyên liệu vải nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng 4-5 lần so với trước, khiến giá thành sản xuất mặt hàng này bị đẩy cao. Cũng theo số liệu của hải quan, xuất khẩu khẩu trang sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến tháng 10 năm ngoái và đầu năm 2020. Riêng tháng 1, lượng khẩu trang xuất sang thị trường này tăng 300%.

{keywords}
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường: Cháy hàng khẩu trang, các DN không kịp trở tay

Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, trước khẩu trang chỉ dùng cho y tế, thỉnh thoảng có một số người mua dùng đi ô tô, xe máy. Đùng 1 cái cháy hàng, các DN không kịp trở tay.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công thương đã chuyển đổi một số nhà máy may mặc sang sản xuất khẩu trang để đáp ứng nhu cầu trong tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, không nhất thiết mọi người phải sử dụng khẩu trang y tế mà có thể sử dụng khẩu trang vải. Thực tế hiện nay huy động các nhà máy 1 tuần sản xuất chỉ có thể được 30 triệu khẩu trang cũng không đủ đáp ứng nhu cầu.

Tất bật nấu hàng trăm suất cơm trong khu cách ly ở Lạng Sơn

Tất bật nấu hàng trăm suất cơm trong khu cách ly ở Lạng Sơn

 Cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 123 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn) nhiều ngày nay tất bật chuẩn bị khẩu phần ăn cho hàng trăm người từ Trung Quốc trở về cách ly tại đơn vị. 

Thu Hằng